Gần đây, ở Việt Nam xuất hiện một số tổ chức được gọi là “tôn giáo”, có tôn chỉ, mục đích hoạt động chống Đảng, Nhà nước như tà đạo Dương Văn Mình, Giê Sùa, Bà Cô Dợ, Hà Mòn, Tin lảnh Đấng Christ Tây Nguyên.. được các thế lực thù địch, chống phá đất nước triệt để lợi dụng với chiêu bài bảo vệ quyền tự do tôn giáo. Tại sao họ lại đặc biệt quan tâm đến vấn đề này như vậy?
Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo. Những năm qua, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, Đảng, Nhà nước ta đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách về tôn giáo, được đa số chức sắc, tín đồ các tôn giáo trong nước và các tổ chức quốc tế đồng tình hưởng ứng và thừa nhận. Trong quá trình lãnh đạo, quản lý đất nước, Đảng, Nhà nước ta vừa tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho nhân dân về đường lối, chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo, vừa quan tâm tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để các tôn giáo hoạt động, phát triển bình đẳng trong khuôn khổ pháp luật. Trong 15 năm qua, cả nước đã cấp phép xây dựng, sửa chữa, nâng cấp được 7.916 cơ sở thờ tự, v.v. Đồng thời, coi trọng củng cố mối quan hệ đoàn kết lương – giáo, cùng nhau phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng thôn, bản, địa phương vững mạnh, giàu đẹp, văn minh, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thế nhưng, các thế lực thù địch đã không chỉ phủ nhận kết quả đó, mà còn lợi dụng tôn giáo, coi tôn giáo là vũ khí lợi hại để chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, với nhiều chiêu thức thâm độc, tinh vi, xảo quyệt; khi thì bí mật, lúc thì trắng trợn, công khai. Vậy tại sao họ lại lợi dụng tôn giáo để chống phá chúng ta? Điều này xuất phát từ bản chất, mục tiêu cao nhất của các thế lực thù địch là lật đổ chế độ chính trị của các nước tiến bộ không đi theo quỹ đạo của chúng, mà trước hết là các nước xã hội chủ nghĩa bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ. Phương thức của chúng là tập hợp, liên kết lực lượng lấy danh nghĩa tôn giáo, thành lập các tổ chức chính trị đối lập, đối trọng với Đảng Cộng sản Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ lương – giáo, tách tôn giáo ra khỏi sự quản lý của Nhà nước, quốc tế hóa vấn đề tôn giáo để dễ bề can thiệp vào công việc nội bộ của ta.
Qua nghiên cứu thực tiễn cho thấy, việc các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng nước ta là do tôn giáo nói chung, ở Việt Nam nói riêng có những đặc điểm mà chúng có thể khoét sâu, khai thác.
Trước hết, sự đối lập về thế giới quan của tôn giáo và thế giới quan duy vật biện chứng trong nền tảng tư tưởng của Đảng là cơ sở để chúng lợi dụng, khoét sâu mâu thuẫn giữa chế độ xã hội chủ nghĩa với tôn giáo. Thế giới quan của tôn giáo là thế giới quan “lộn ngược”; “tất cả mọi tôn giáo chẳng qua chỉ là sự phản ánh hư ảo – vào trong đầu óc của con người – của những lực lượng ở bên ngoài chi phối cuộc sống hằng ngày của họ; chỉ là sự phản ánh trong đó những lực lượng ở trần thế đã mang hình thức những lực lượng siêu trần thế”. Tính chất duy tâm, thần bí của tôn giáo đối lập với khoa học, thế giới quan duy vật biện chứng của hệ tư tưởng Mác – Lê-nin.
Lợi dụng sự đối lập này, các thế lực thù địch đi sâu tuyên truyền, gieo rắc tâm lý cho rằng, chủ nghĩa xã hội không chấp nhận tôn giáo, xóa bỏ tôn giáo, từ đó tạo ra khoảng cách, sự đối kháng giữa tôn giáo với đời sống hiện thực xã hội chủ nghĩa để kích động tôn giáo chống lại Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Đồng thời, tiến hành các hoạt động nhằm thực hiện âm mưu hình thành “Ủy ban liên tôn đấu tranh đòi quyền tự do tôn giáo”, thành lập tổ chức “Liên tôn chống cộng”. Nếu nhìn nhận phiến diện thì đúng là có sự đối lập giữa thế giới quan tôn giáo và thế giới quan cách mạng của Đảng. Sự đối lập đó không có nghĩa là phải xóa bỏ tôn giáo, mà đòi hỏi có cách nhìn sâu sắc, toàn diện, lịch sử, cụ thể hơn. Chúng ta cần hiểu rằng, trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tôn giáo tất yếu đồng hành cùng dân tộc. Thực tiễn lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta chưa bao giờ có tư tưởng xóa bỏ, kỳ thị hay áp bức tôn giáo mà luôn nhất quán nhận thức: tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Do vậy, chúng ta cần quán triệt, thực hiện và kiên quyết đấu tranh với những luận điệu sai trái, thù địch, nhất là các luận điệu vu khống, xuyên tạc của các thế lực thù địch, cho rằng Đảng, Nhà nước ta kỳ thị tôn giáo.
Thứ hai, lợi dụng về đức tin và sự gắn kết cộng đồng của tôn giáo nhằm lôi kéo, tập hợp lực lượng chống phá cách mạng nước ta. Mục tiêu chỉ được chuyển hóa thành kết quả khi có lực lượng thực hiện. Vì thế, các thế lực thù địch đã coi tôn giáo là chiêu bài để lợi dụng, tập hợp lực lượng chống phá cách mạng, chia rẽ các tôn giáo với nhau, chia rẽ người có tôn giáo với người không có tôn giáo, nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sự xuất hiện và biến đổi của tôn giáo bao giờ cũng gắn với nguồn gốc về nhận thức, kinh tế – xã hội và tâm lý. Cũng như nhiều quốc gia khác, tôn giáo ở Việt Nam ra đời, tồn tại và phát triển dựa vào các yếu tố: tâm linh; sự giới hạn nhận thức của con người trước thế giới; sự sợ hãi, bất lực trước tự nhiên rộng lớn, bí ẩn; sự tuyệt vọng về bệnh tật mà y học chưa vươn tới; cuộc sống khó khăn, túng quẫn về kinh tế, v.v. Khai thác những vấn đề đó, các thế lực thù địch dựng lên cái gọi là “tôn giáo”, nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, bù đắp những hụt hẫng trong cuộc sống, nỗi trống vắng trong tâm hồn, an ủi, vỗ về, xoa dịu lúc sa cơ, lỡ vận, v.v. Với niềm tin được đền bù hư ảo do tôn giáo đem lại, các tín đồ bị ràng buộc bởi thứ được gọi là giáo lý, giáo luật, thực hiện nghi thức “tôn giáo” và những điểm tương đồng khác, hòng tạo ra sự gắn kết chặt chẽ, lâu bền giữa những người cùng tín ngưỡng. Sự gắn kết này tạo ra sức mạnh to lớn của một cộng đồng người và nó khác biệt với các cộng đồng người khác do tín ngưỡng, dẫn đến chia rẽ, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, giữa người có đạo và không có đạo. Nguy hiểm hơn là khi khối cộng đồng người này bị mê hoặc, cuồng tín và hoạt động theo phản xạ tự nhiên, không tuân thủ chính sách tôn giáo của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện vô điều kiện theo sự chăn dắt của bọn chủ mưu.
Thứ ba, triệt để tận dụng những bất cập, sơ hở của các cấp chính quyền trong quản lý, tổ chức thực hiện chính sách tôn giáo để kích động quần chúng gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại các địa phương. Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, vẫn còn những tàn dư của chế độ xã hội cũ. Quá trình thực hiện đường lối đổi mới đất nước, những thành tựu là cơ bản, song khó tránh khỏi những hạn chế, khiếm khuyết trong quản lý, điều hành xã hội, nhất là ở cơ sở. Đây là khoảnh đất trống mà các thế lực thù địch lợi dụng tổ chức lực lượng trực diện chống phá đường lối đổi mới đất nước. Điển hình là việc xả thải gây ô nhiễm môi trường của Công ty Formosa (Hà Tĩnh), giải tỏa đền bù đất tại 42 Nhà Chung, Nhà thờ Thái Hà, dựng thánh giá, nhà nguyện trái phép ở giáo xứ Đồng Chiêm (Hà Nội), Đồng Hới (Quảng Bình), giải tỏa Chùa Liên Trì (Thành phố Hồ Chí Minh) và gần đây là các vụ việc phức tạp tại giáo phận Vinh, Kon Tum, v.v.
Được sự hậu thuẫn của các thế lực thù địch trong và ngoài nước, một số linh mục, chức sắc tôn giáo lợi dụng đức tin của các tín đồ đã tuyên truyền, xuyên tạc hết sức phản động về Đảng, chế độ, chính quyền các cấp; ngang nhiên phát thư ngỏ trên mạng xã hội, kêu gọi, kích động giáo dân chặn đường giao thông, biểu tình, gây rối, đập phá tài sản và tấn công lực lượng chức năng. Có người cho rằng, đây chỉ là những hành động, việc làm đơn giản, bột phát nhất thời, nhưng thực chất phía sau là cả những ý đồ đen tối, kế hoạch hết sức sâu xa, nham hiểm, được tính toán kỹ lưỡng, nhằm gây tiếng vang, tạo cớ, can thiệp vào các vấn đề: dân chủ, nhân quyền, v.v. Do vậy, chúng ta cần hết sức cảnh giác, thận trọng, tỉnh táo, xử lý mềm dẻo, linh hoạt, uyển chuyển, bảo đảm đúng pháp luật, phù hợp với đặc điểm, giáo lý, giáo luật tôn giáo và không để mắc mưu kẻ địch.
Thứ tư, dựa vào đặc điểm địa lý; khó khăn về kinh tế, văn hóa, xã hội ở các vùng dân tộc thiểu số, tôn giáo để phát triển tôn giáo, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, song phát triển không đều về kinh tế, văn hóa, xã hội. Đời sống dân trí và các hoạt động xã hội giữa thành thị với nông thôn, miền xuôi với miền núi, vùng có đạo và không có đạo còn có sự chênh lệch. Các dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng núi cao, địa bàn có vị trí chiến lược nhưng điều kiện kinh tế – xã hội còn hết sức khó khăn. Đây là “mảnh đất màu mỡ” để các thế lực thù địch phát triển tôn giáo. Theo thống kê, từ năm 1980 đến nay, nước ta có khoảng 80 “tôn giáo mới”, hiện tượng tôn giáo mới, đạo lạ, tà đạo với nhiều nguồn gốc khác nhau, như: Tà đạo Hà Mòn, Pơkhăp Brâu, Dương Văn Mình, “Tâm linh Hồ Chí Minh”, Long Hoa Di Lặc, Hội thánh đức chúa trời mẹ, v.v Những thứ gọi là “tôn giáo” này hình thành trên cơ sở tiếp thu giáo lý của các tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống với hình thức lắp ghép hỗn dung và thoát khỏi phạm vi ảnh hưởng của tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống. Trong đó, nhiều tôn giáo được tổ chức nhằm lôi kéo, tập hợp quần chúng nhân dân chống phá cách mạng, gây rối trật tự, an ninh xã hội, như: “Tà đạo Vàng Chứ”, “Hội thánh đức chúa trời mẹ”, “Pháp luân công”. Nguy hiểm hơn, chúng còn lôi kéo, lập ra một số loại hình tôn giáo riêng cho người dân tộc thiểu số, như: “Tin lành Đề ga” ở Tây Nguyên; “Phật giáo riêng của người Khơme”,… nhằm “tôn giáo hóa” vùng dân tộc thiểu số, tập hợp lực lượng, khống chế quần chúng, kích động biểu tình, phá rối an ninh, bạo loạn, gây mất ổn định chính trị – xã hội, hình thành lực lượng đối trọng với chính quyền và cao hơn là gây mâu thuẫn, xung đột dân tộc, tôn giáo tại các địa bàn chiến lược Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, tiến tới phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trên cơ sở nhận thức rõ những thủ đoạn lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng nêu trên, thời gian tới, để tiếp tục đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn đó của các thế lực thù địch, chúng ta cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau: (1) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, nhất là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. (2) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với công tác tôn giáo. (3) Chú trọng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với tăng cường quốc phòng – an ninh; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo vững mạnh về mọi mặt; quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của bà con giáo dân. (4) Chủ động nhận diện và đấu tranh hiệu quả với âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng nước ta của các thế lực thù địch.
Những đặc điểm trên, là cơ sở quan trọng để nắm bắt được âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng nước ta; xây dựng, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết lương – giáo trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Nguồn: Võ Khánh Linh Blog
Nguồn: