Những ngày gần đây, khi học sinh đang chuẩn bị tựu trường, các thế lực thù địch liên tục có nhiều chiêu bài xuyên tạc, tung các tin gây hoang mang dư luận. Việt Tân – một tổ chức khủng bố, phản động luôn chống đối Đảng, Nhà nước Việt Nam một cách tích cực và điên cuồng…
Trên trang facebook Việt Tân những ngày qua có bài viết: “Hệ quả của ngành giáo dục xuống cấp tại Việt Nam: Khoảng 32% học sinh không đăng ký học đại học. Nguyên nhân, học phí tăng, học xong thất nghiệp, giáo dục VN kém, nên họ chọn du học. Cho nên, phải khẳng định rằng chính cái thể chế độc tài này mới là cốt lõi của mọi vấn nạn, không chỉ với ngành giáo dục mà còn trên mọi mặt của đời sống xã hội”. Vậy thực chất vấn đề này như thế nào? Mục đích của các thế lực phản động này là gì?
Căn cứ vào những thành tựu trong những năm qua của ngành Giáo dục cùng những thực tế đang diễn ra trong kỳ tuyển sinh đại học một số năm qua cho thấy, luận điệu trên là xuyên tạc, không đúng sự thật, dựa trên những suy luận chủ quan, vô căn cứ. Bởi, theo trang thông tin của Bộ GD-ĐT, ngày 24/8/2022 có bài viết “Phân tích dữ liệu thí sinh không đăng ký nguyện vọng xét tuyển” của Trung tâm Truyền thông giáo dục, đã đưa ra rất nhiều số liệu quan trọng. Trong đó, số liệu thống kê năm 2022, số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học trên cả nước là 642.270. Năm 2021 số này là 794.739 thí sinh. Như vậy, số thí sinh đăng ký xét tuyển năm 2022 giảm so với năm 2021 khoảng 20% và chỉ giảm 3,4% so với năm 2020.
Bộ GD-ĐT nhận định, số lượng đăng ký xét tuyển tăng mạnh ở năm 2021 có lý do quan trọng là tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khiến nhiều thí sinh không thể du học. Bên cạnh đó, điểm khác biệt quan trọng trong việc đăng ký xét tuyển năm 2022 là thí sinh đăng ký nguyện vọng sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT. Số liệu năm 2022 thể hiện con số thực chất, thực lực của thí sinh có khả năng cạnh tranh xét tuyển vào đại học, mong muốn vào học đại học sau khi đã có đầy đủ thông tin về kết quả thi tốt nghiệp THPT (kể cả điểm sau phúc khảo).
Bộ GD-ĐT khẳng định, đây là tín hiệu tích cực thể hiện các định hướng và quyết định chủ động của thí sinh khi có đầy đủ thông tin về điểm số thi THPT cũng như tình hình tuyển sinh của các trường đại học. Bộ GD-ĐT cho rằng, thống kê này cho thấy điểm các tổ hợp của các thí sinh không đăng ký xét tuyển hầu hết đuề ở mức thấp hơn mức điểm trung vị và điểm trung bình của phổ điểm thi tốt nghiệp THPT. Nhất là ở các khối A0, A1 và B0 thì các mức điểm đại đa số là rất thấp, thấp hơn mức điểm trung vị, điểm trung bình và thấp hơn 15 điểm/tổ hợp. Riêng khối C0 điểm có khá hơn. Tuy nhiên, năm nay tổ hợp C0 có phổ điểm thí sinh đạt được rất cao trên cả nước, do vậy mức độ cạnh tranh xét tuyển sẽ cao hơn, điểm sàn mà các trường công bố cũng có xu hướng cao hơn.
Mặt khác, quan điểm của Việt Tân xoay quanh việc tỷ lệ học sinh đăng ký xét tuyển đại học giảm, với nguyên nhân là: “Học phí tăng, học xong thất nghiệp, giáo dục VN kém”; đồng thời cho rằng: “Chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một thể chế độc tài, là cốt lõi của mọi vấn nạn, không chỉ với ngành giáo dục mà còn trên mọi mặt của đời sống xã hội”; đây thực chất là “xảo ngôn”, nhằm xuyên tạc kết quả đổi mới giáo dục ở Việt Nam, phủ nhận những giá trị tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Thực tế, trong những năm qua, chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn của nước ta không ngừng được nâng lên, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Theo kết quả xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 của USNEWS, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020. Kết quả thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2022, với 37/39 thí sinh đoạt giải, trong đó có 1 thí sinh đạt điểm tuyệt đối. Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục đại học có những cải thiện rõ rệt, năm 2021, 5 cơ sở giáo dục đại học lọt vào tốp đại học tốt nhất thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín, vượt mục tiêu năm 2025 của Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Số lượng các sản phẩm công bố quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học gia tăng nhanh chóng. Văn hóa kiểm định gắn với chất lượng đào tạo đã bước đầu hình thành ở các cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học…
Đặc biệt, với việc các cấp, ngành, địa phương đã, đang triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; chúng ta khẳng định nền giáo dục của Việt Nam sẽ tiếp tục gặt hái những thành công mới, qua đó góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam văn minh, hiện đại, giàu bản sắc.
Những kết quả đạt được trên là minh chứng sinh động để chúng ta bác bỏ những luận điệu sai trái, phản động của các phần tử chống đối, thù địch về chất lượng giáo dục – đào tạo của nước ta. Dù được che đậy dưới những hình thức, thủ đoạn nào thì các thế lực thù địch, phản động cũng không thể xuyên tạc hay phá hoại con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam hiện nay.
NGUYỆT MINH
Nguồn: Đấu trường Dân chủ
Nguồn: