Nhà lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản – V.I.Lênin từng nói: “Không có kẻ thù nào, dù là hung bạo nhất, có thể chiến thắng được những người cộng sản, ngoại trừ chính họ tự tan rã, chính những lỗi lầm của họ và họ không kịp sửa chữa”. Đó có thể xem như là “lời di huấn” cho tất cả những người Cách mạng trên toàn thế giới phải luôn tự răn mình.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng: chủ nghĩa cá nhân là “kẻ địch ở trong lòng” nên muốn “chống” phải bắt đầu từ “xây”.
Về bản chất, chủ nghĩa cá nhân là lối sống tuyệt đối hóa lợi ích, tự do hóa cá nhân và hướng tới thỏa mãn những suy nghĩ, nhu cầu, mục đích có tính vụ lợi, hưởng lạc, bất chấp hậu quả đối với những người xung quanh, rộng ra, bất chấp lợi ích quốc gia, dân tộc. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm.
Cách đây hơn 50 năm, trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ ra 10 loại bệnh nảy sinh từ chủ nghĩa cá nhân cần nhận diện và phòng chống. Trong đó, nổi bật là bệnh quan liêu, bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh háo danh và bệnh bè cánh. Người cũng xem chủ nghĩa cá nhân là “địch nội xâm”. Cho nên: “Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”.
Đối với Việt Nam, trong nhiều năm qua và nhất là giai đoạn hiện nay, thì kẻ thù đáng sợ nhất, nguy hiểm nhất, khó chiến thắng nó nhất lại chính ngay trong lòng ta, là kẻ thù giấu mặt, những thứ “giặc nội xâm”. Những loại này nằm lẩn khuất trong đội ngũ, rình rập trong chính mỗi người nếu chúng ta mất cảnh giác hoặc do dự, ngập ngừng hay dao động, hay thiếu kiên quyết. Nguy hiểm hơn là rất khó nhận biết chúng, vì chúng biến ảo khôn lường. Chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng và đặc biệt là “chủ nghĩa quay giáo, trở cờ”… được ngụy trang, ẩn mình nhiều nơi và sẽ bùng lên bất cứ lúc nào. Thậm chí, chúng được biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. “Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy” đã và đang trở thành xu hướng không thể xem thường trong hệ thống chính trị.
Ở một số địa phương, tình trạng cục bộ, bè phái, tệ quan liêu, tham nhũng, xa dân, tư lợi của công, chuyên quyền, độc đoán … vẫn diễn ra, nổi lên như một vấn nạn, gây bức xúc cho toàn xã hội. Những hiện tượng trên chính là biểu hiện sinh động và không thể rõ ràng hơn của chủ nghĩa cá nhân. Và một khi chủ nghĩa cá nhân tồn tại và phát triển trong một đất nước đề cao tinh thần cộng đồng, tôn vinh các giá trị tập thể đó sẽ là mối nguy hại vô cùng to lớn cho dân tộc, làm giảm sút lòng tin của người dân, gây trở ngại lớn đến sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Không phải ngẫu nhiên mà yêu cầu “Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là nhiệm vụ cấp thiết và rất quan trọng” liên tục được nhắc nhở. Trong đó, kết hợp “xây” với “chống” đã được đưa ra như một giải pháp lâu dài và bền vững. Trước yêu cầu của giai đoạn mới, chống lại mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân không chỉ là việc nên làm mà còn phải là việc cần làm thường xuyên, liên tục. Xem đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là nhiệm vụ cấp thiết chính là xem lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Thủ tiêu chủ nghĩa cá nhân chính là bảo vệ lợi ích cộng đồng, lợi ích dân tộc.
Cuối cùng, xin ghi lại lời nhắc nhở của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Tiền bạc lắm làm gì, danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất. Phải trọng liêm sỉ, đừng có bị “chủ nghĩa cá nhân” kéo xuống, để thân bại danh liệt”, như một hồi chuông cảnh tỉnh.
Đăng Võ
Nguồn: Cánh cò
Nguồn: