Lực lượng phòng vệ Đài Loan hôm 22/8 thông báo biên đội gồm hai tiêm kích Su-30 và hai chiến đấu cơ hạng nhẹ J-10 Trung Quốc đã vượt qua đường trung tuyến, ranh giới được ngầm hiểu là đường phân định eo biển Đài Loan. Quân đội Trung Quốc gần đây liên tục điều phi cơ vượt qua giới tuyến này, trong bối cảnh căng thẳng leo thang quanh đảo Đài Loan.
Đường trung tuyến được tướng không quân Mỹ Benjamin O. Davis Jr. đề xuất năm 1955 và Washington gây sức ép để hai bờ eo biển Đài Loan ngầm công nhận giới tuyến đó. Quân đội Trung Quốc không điều lực lượng vượt qua ranh giới trước năm 1999, nhưng hoạt động này ngày càng gia tăng trong hơn 20 năm qua.
Giờ đây, lực lượng phòng vệ Đài Loan đang phải chuẩn bị cho kịch bản tàu chiến Trung Quốc thường xuyên vượt ranh giới, một phần trong đợt tập trận được Bắc Kinh tiến hành để phản đối Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm đảo Đài Loan hồi đầu tháng.
“Họ muốn tăng áp lực với mục đích buộc chúng tôi từ bỏ đường trung tuyến. Họ muốn biến điều đó thành thực tế”, một quan chức an ninh Đài Loan giấu tên cho hay.
Giới chức Đài Loan khẳng định không thể từ bỏ khái niệm về vùng đệm giữa hai bờ eo biển được thể hiện bởi đường trung tuyến. “Không thể chấp nhận việc thay đổi hiện trạng. Chúng tôi cần phối hợp với các đối tác để bảo đảm đường trung tuyến luôn tồn tại, nhằm bảo đảm hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan”, lãnh đạo cơ quan đối ngoại Đài Loan Joseph Wu nói.
Dù vậy, một số quan chức và giới phân tích an ninh cho rằng Đài Bắc sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu muốn bảo vệ đường trung tuyến mà không có những động thái làm căng thẳng leo thang.
Phòng vệ Đài Loan sẽ phải phản ứng bằng biện pháp quân sự nếu quân đội Trung Quốc tiến vào khu vực 12 hải lý tính từ đường cơ sở của hòn đảo, nhưng chưa có kế hoạch cụ thể để tăng quyền hành động cho lực lượng phòng vệ hòn đảo ở ngoài phạm vi này.
Lãnh đạo Thái Anh Văn từng nhiều lần khẳng định Đài Loan sẽ không khiêu khích hay gây leo thang xung đột. Chưa rõ sự ủng hộ từ các đồng minh của Đài Loan có đủ sức ngăn quân đội Trung Quốc tiếp tục vượt đường trung tuyến và duy trì ranh giới này trong tương lai hay không.
Mỹ cùng các đồng minh phương Tây thường điều tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan để khẳng định quyền tự do hàng hải và nhấn mạnh đây là vùng biển quốc tế, chứ không phải nhằm duy trì đường trung tuyến, vốn không có cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế.
Đường trung tuyến (màu xanh) dọc eo biển Đài Loan. Đồ họa: FT.
Giới chức Đài Loan cảnh báo hiện diện thường xuyên của hải quân Trung Quốc ở khu vực eo biển rộng khoảng 180 km sẽ kéo giãn lực lượng phòng vệ hòn đảo, đồng thời khiến các chiến dịch tiến công hoặc phong tỏa Đài Loan dễ dàng hơn nhiều.
Xóa nhòa đường trung tuyến sẽ tạo thêm thách thức với sự thống trị của hải quân Mỹ ở những vùng biển gần Trung Quốc, trong đó có “chuỗi đảo thứ nhất” gồm khu vực bên trong vành đai nối từ quần đảo Kuril qua Nhật Bản, đảo Okinawa, đảo Đài Loan và tới Philippines, đồng thời giúp Bắc Kinh triển khai sức mạnh ra Thái Bình Dương.
Đường trung tuyến là ranh giới tưởng tượng, không có thực thể nào để đánh dấu. Sau nhiều năm ngầm thừa nhận nó, quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi năm 2020 từng khẳng định ranh giới này “không tồn tại”. Bộ Quốc phòng Trung Quốc và Văn phòng Các vấn đề Đài Loan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc cũng đưa ra tuyên bố tương tự.
Tàu chiến hai bên gần đây liên tục chơi trò “mèo vờn chuột”, trong đó chiến hạm Trung Quốc tìm cách cơ động, vượt mặt lực lượng Đài Loan để tiến qua đường trung tuyến. Tiêm kích Trung Quốc cũng liên tục vượt qua ranh giới, dù chỉ trong thời gian ngắn và nhanh chóng quay về bên kia đường trung tuyến.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa bình luận về thông tin.
Tàu hộ vệ Đài Loan nhìn từ chiến hạm Trung Quốc trong ảnh công bố ngày 6/8. Ảnh: BQP Trung Quốc.
Chieh Chung, nhà phân tích an ninh tại Đài Bắc, cho rằng xóa nhòa đồng thuận về đường trung tuyến có thể gây gia tăng nguy cơ xung đột ngoài ý muốn. Ông cũng kêu gọi chính quyền hòn đảo điều chỉnh quy tắc hoạt động của cảnh sát biển và lực lượng phòng vệ, nhằm cung cấp cho họ nhiều thẩm quyền hơn khi đối phó với thách thức ngày càng tăng từ quân đội Trung Quốc.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby hôm 5/8 cho biết nước này sẽ điều tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan trong vài tuần tới nhằm nhấn mạnh đây là tuyến hàng hải quốc tế. Tuy nhiên, tàu chiến Mỹ ít có khả năng thách thức hoạt động của lực lượng Trung Quốc ở hai bên đường trung tuyến.
Ba quan chức Mỹ giấu tên nói rằng hoạt động vượt đường trung tuyến của Trung Quốc không có nhiều ý nghĩa về mặt chiến thuật, thêm rằng Washington không cần phải có những động thái quyết liệt để phản đối động thái này của Bắc Kinh.
“Đó là ranh giới tưởng tượng và mang tính biểu tượng. Hành động của Trung Quốc chỉ nhằm chọc giận Đài Loan”, một quan chức nói.
Vũ Anh (Theo Reuters)