Sau những lùm xùm về hòn non bộ bị “bứng” bất ngờ từ Vịnh Hạ Long về Bái Tử Long tại Vân Đồn, Quảng Ninh đã có một người bị xử lý. Câu chuyện tuy kết thúc nhưng bài học từ hòn non bộ của Quảng Ninh cũng rất đáng bàn.
“Hòn non bộ” thực tế là một ngọn núi nhỏ, “điểm nhấn” của khu đô thị Ao Tiên (huyện Vân Đồn)
Nhắc đến Quảng Ninh hôm nay, rất nhiều người nghĩ đến du lịch. Cảnh đẹp, giao thông thuận tiện, khu vui chơi sầm uất, đẳng cấp thế giới, khiến Quảng Ninh trở thành lựa chọn của rất nhiều người. Càng tìm hiểu sâu về cách làm kinh tế của Quảng Ninh càng bất ngờ trước sự chuyển mình ngoạn mục trong thời gian ngắn như thế. Kim cương rèn dũa được phải kể đến sự kiện thoái trào ngành than mà đỉnh điểm vào năm 2013. Từng được ví như thủ phủ công nghiệp khai khoáng của cả nước, đóng góp vào ngân sách hàng chục nghìn tỉ đồng mỗi năm, nhưng công nghiệp khai khoáng của Quảng Ninh đã dần đến mức tới hạn.
Trong bối cảnh đó, lãnh đạo Quảng Ninh lúc bấy giờ có một quyết định hết sức táo bạo, thuê hẳn chuyên gia nước ngoài về quy hoạch từng m2 đất. Từ tiền đề ấy, nền móng hạ tầng giao thông đã được hình thành và phát triển vượt bậc. Cái khó chính là tạo được đồng thuận từ lòng dân khi thu hồi đất. Nhưng đã được lãnh đạo tỉnh giải quyết rất thấu đáo, bởi vậy mới có những biểu tượng rất Quảng Ninh như cầu Bạch Đằng, cao tốc Hải Phòng – Hạ Long, cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, sân bay quốc tế Vân Đồn…
Hạ tầng đi trước giúp Quảng Ninh thu hút được số vốn đầu tư đáng kinh ngạc. Giai đoạn 2015-2020, tỉnh này thu hút gần 345.000 tỉ đồng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong đó vốn đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước đạt 300.000 tỉ đồng. Nhiều nhà đầu tư lớn đã có dự án tại Quảng Ninh như Foxconn, Amata, Vingroup, Sungroup… Đi trước đón đầu, khai thác được sức mạnh của nội tại đã khiến cho Quảng Ninh dù chỉ là một tỉnh nhưng có tới 4 thành phố.
Các ông lớn đầu tư đường sá mở rộng, cộng với những ưu đãi mà thiên nhiên ban tặng, Quảng Ninh biến thành một thủ phủ kinh tế du lịch xanh bền vững. Mà cái hòn non bộ râm ran xuất hiện ở trên mạng xã hội thời gian gần đây là minh chứng cho điều đó.
Cách đây hơn chục năm, cái hòn non bộ mà chúng ta thấy vốn dĩ chỉ là bãi sình, sú vẹt, chả nuôi chả giồng được cái giống gì, người dân quanh năm đói khổ. Chính vì thế mà lãnh đạo Quảng Ninh đã quy hoạch, mở đường, xây cầu, hút vốn, kéo khách về. Cái hay là lãnh đạo Quảng Ninh không phá luôn cái hòn non bộ “oan trái” mà để nó lại làm điểm nhấn thiên nhiên giữa khu đô thị sầm uất. Người ta giờ vừa muốn về với thiên nhiên lại muốn đầy đủ tiện ích, thì Bái Tử Long được quy hoạch đáp ứng đủ cả. Khách tây, khách ta ầm ầm kéo đến là điều chả phải bàn. Thế mới thấy làm kinh tế cũng phải có cái tầm, chứ thiên nhiên ưu đãi mà cứ mang ra băm xẻ thì chỉ có chục năm là chấm hết.
Lý ra với cái tư duy làm kinh tế như vậy nên đáng được tuyên dương, nhưng một vài anh chị KOLs lại tự coi đó là tội đồ dù chưa tìm hiểu bất cứ điều gì. Thế nên đây cũng là bài học cho cái tự do ngôn luận quá trớn cần phải được xử lý như Bộ Công an vừa rồi đã nhấn mạnh, chấm dứt tư tưởng “vô danh nên vô trách nhiệm”.
Công Luân
Nguồn: Cánh cò