Sunday, November 24, 2024

CON ĐƯỜNG NGOẠI GIAO MỞ LỐI THOÁT CHO XUNG ĐỘT NGA – UKRAINE

Việc mở rộng các cuộc đàm phán với sự tham gia của Mỹ, Nga và châu Âu được cho là sẽ mở lối thoát cho cuộc xung đột tại Ukraine, thay vì các gói viện trợ vũ khí ngày một tăng từ phương Tây.

CON ĐƯỜNG NGOẠI GIAO MỞ LỐI THOÁT CHO XUNG ĐỘT NGA - UKRAINEĐoàn xe quân sự Nga di chuyển qua khu vực do Nga kiểm soát ở Ukraine (Ảnh: Reuters).

James Stavridis, cựu Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang NATO tại châu Âu, gần đây dự đoán xung đột Nga – Ukraine sẽ kết thúc trong năm nay. Một số chuyên gia cho rằng cuộc chiến này sẽ rơi vào bế tắc và trở thành cuộc xung đột đóng băng, trong khi những người khác hy vọng các cuộc đàm phán hòa bình sẽ bắt đầu.

Rốt cuộc, đây đều là những kịch bản thường xảy ra trong các cuộc xung đột. Chiến tranh luôn tốn kém và khiến các bên kiệt sức, vì vậy hầu hết các cuộc xung đột đều diễn ra trong thời gian ngắn. Trong một thế kỷ qua, các cuộc chiến trung bình chỉ kéo dài 100 ngày.

Mặc dù vậy, một số cuộc chiến vẫn kéo dài vì việc duy trì xung đột có ý nghĩa chiến lược đối với các bên, mặc dù cái giá phải trả là rất lớn. Trong lịch sử, có hai yếu tố chiến lược khiến các cuộc chiến tranh kéo dài và cả hai yếu tố này đều xuất hiện trong cuộc xung đột Nga – Ukraine hiện tại, dẫn đến một cuộc chiến bị đóng băng và các cuộc đàm phán trở nên khó khăn hơn.

Yếu tố đầu tiên là sự răn đe. Đây chính là động lực cho sự quyết tâm của NATO nhằm cải thiện vị thế đàm phán đối với các cuộc đối đầu với Nga trong tương lai.

NATO lo ngại rằng bất kỳ sự nhượng bộ nào của Ukraine sẽ là bước lùi trước chiến dịch quân sự của Nga. Điều này có thể khuyến khích hành động tiếp theo của Nga trong tương lai và gửi một thông điệp đến các quốc gia khác rằng, Moscow sẵn sàng khôi phục các đường biên giới cũ.

Tuy vậy, giới phân tích cho rằng, việc NATO ủng hộ Ukraine nhượng bộ Nga thậm chí còn phát đi tín hiệu nguy hiểm hơn. Việc phương Tây tránh đối đầu trực tiếp với Nga một phần xuất phát từ kho vũ khí hạt nhân của Moscow. NATO có lợi ích lâu dài trong việc ủng hộ Ukraine và hối thúc Kiev yêu cầu Nga rút quân hoàn toàn.

Yếu tố thứ hai nảy sinh khi không bên nào tin rằng bên còn lại có động cơ để tuân theo một thỏa thuận. Đây là vấn đề về cam kết mà một số nhà khoa học chính trị cho là nguyên nhân phổ biến nhất khiến các cuộc chiến tranh kéo dài.

Kế hoạch gần đây của Italy đã vạch ra một giải pháp khả thi cho cuộc xung đột bao gồm: lệnh ngừng bắn, Ukraine trung lập, các đảm bảo an ninh của phương Tây, quyền tự trị cho vùng Donbass ở miền Đông Ukraine, Nga rút quân và được nới lỏng các biện pháp trừng phạt.

Những giải pháp này gần tương đồng với những điều khoản mà cả Nga và Ukraine đã đạt được tại một số cuộc đàm phán trong những tháng qua. Tuy nhiên, điều quan trọng là mỗi bên cho đến nay đều có lý do để nghi ngờ rằng bên còn lại không tuân thủ thỏa thuận đã cam kết.

CON ĐƯỜNG NGOẠI GIAO MỞ LỐI THOÁT CHO XUNG ĐỘT NGA - UKRAINEĐoàn đàm phán của Nga và Ukraine gặp mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: Getty).

 

Ukraine tin rằng những quan chức Nga theo chủ nghĩa cứng rắn sẵn sàng trả giá đắt để mở rộng lãnh thổ và phạm vi ảnh hưởng tại nước láng giềng. Ngoài ra, Ukraine nhận định Nga có thể sử dụng các lệnh ngừng bắn tạm thời để tái tập hợp lực lượng và tấn công trở lại. Cuối cùng, Ukraine cho rằng bất kỳ thỏa thuận nào với Nga cũng khiến Kiev suy yếu.

Trong khi đó, Nga có thể cho rằng thỏa thuận đạt được với Ukraine không khác nhiều so với những thỏa thuận hòa bình từng thất bại trước đây, trong đó có thỏa thuận Minsk. Sau khi các thỏa thuận này được ký kết, Ukraine đã từ chối tuân thủ. Những nỗ lực nửa vời để phê chuẩn và thực hiện các thỏa thuận đã vấp phải sự phản đối.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có thể cam kết thực hiện một thỏa thuận tương tự kế hoạch của Italy, nhưng bất kỳ kịch bản hòa bình nào cũng cần sự ủng hộ rộng rãi. Đây là điều khó có thể thực hiện đối với Tổng thống Zelensky trong bối cảnh hiện tại.

Theo nhận định của nhà phân tích Chris Blattman trên The Hill, 3 kịch bản có thể xảy ra với cuộc xung đột Nga – Ukraine.

Kịch bản đầu tiên là xung đột sẽ kéo dài và tàn khốc hơn. Có thể giao tranh chỉ giới hạn ở vùng Donbass, nhưng mỗi ngày đều có nguy cơ leo thang thành một cuộc chiến toàn diện giữa NATO và Nga. Kịch bản thứ hai là xung đột Nga – Ukraine sẽ rơi vào bế tắc căng thẳng. Giống như nhiều cuộc “xung đột đóng băng” khác, những cuộc giao tranh quy mô nhỏ vẫn tiếp tục diễn ra. Kịch bản thứ ba và là kịch bản lý tưởng nhất, xung đột kết thúc bằng một thỏa thuận do các bên thương lượng và Nga rút khỏi Donbass.

Đối với các đồng minh của Ukraine, họ có thể làm gì để giúp mang lại hòa bình và một thỏa thuận được các bên chấp thuận?

Với những bên ủng hộ việc răn đe, họ có thể cam kết tăng cường sức mạnh cho Ukraine trên chiến trường, đủ để đặt Ukraine vào tình thế yêu cầu Nga phải rút quân – ngay cả khi xung đột có nguy cơ kéo dài đến cuối năm nay và có thể leo thang.

Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là các nước phải giúp Ukraine và Nga đưa ra những cam kết đáng tin cậy. Một cuộc chiến kéo dài hoặc một cuộc xung đột đóng băng hàng chục năm không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào.

Mở rộng tiến trình đàm phán

CON ĐƯỜNG NGOẠI GIAO MỞ LỐI THOÁT CHO XUNG ĐỘT NGA - UKRAINELính Ukraine tấn công mục tiêu của Nga ở Donbass (Ảnh: AFP).

 

Cuộc chiến Nga – Ukraine xảy ra một phần do những lo ngại lâu dài của Nga về sự mở rộng của NATO, sự mở rộng của EU và sự “bành trướng” về phía Đông của các khối này tới biên giới Nga. Những lo ngại này đã được các quan chức Nga nhiều lần nêu ra sau Chiến tranh Lạnh và trước khi Tổng thống Putin lên nắm quyền.

Mỹ và các đồng minh nhiều lần bác bỏ những lo ngại trên, trong khi vẫn nỗ lực để hợp nhất các quốc gia hậu Xô Viết ở Đông Âu vào trật tự thế giới do họ thiết lập. Bị mắc kẹt giữa cuộc tranh giành quyền lực, Ukraine đã nỗ lực hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là từ năm 2014 và tìm cách gia nhập NATO. Những động thái của Kiev khiến Nga lo ngại và góp phần dẫn đến cuộc chiến hiện tại.

Do có nhiều vấn đề phức tạp liên quan tới bản chất của cuộc xung đột Nga – Ukraine, các cuộc đàm phán trong tương lai phải tính đến vai trò của Mỹ và EU. Cho đến nay, chính quyền Tổng thống Biden đã chấp thuận cho phép các bên thứ 3 như Pháp, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò trung gian, truyền tải thông điệp giữa Kiev và Moscow. Thổ Nhĩ Kỳ còn cung cấp địa điểm để các bên ngồi lại đàm phán.

Tuy vậy, các nước trên vẫn không thể giải quyết nỗi bất an cố hữu của Nga cũng như nỗi sợ hãi mang tính sống còn của Ukraine. Do đó, họ chỉ có khả năng hạn chế trong việc kêu gọi lệnh ngừng bắn hoặc thiết lập một thỏa thuận được cả Nga và Ukraine chấp nhận nhằm chấm dứt xung đột.

Hiện cả Nga và Ukraine vẫn tuyên bố tiếp tục giao tranh ở Donbass và các khu vực khác trên khắp lãnh thổ Ukraine. Mỹ và đồng minh vẫn cung cấp vũ khí, đặc biệt là vũ khí hạng nặng, cho Ukraine để đẩy lùi đà tiến công của Nga.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách phương Tây nên cẩn trọng để tránh chỉ dựa vào giải pháp quân sự. Theo nhận định của nhà phân tích Shahin Berenji trên National Interest, việc cung cấp vũ khí và thông tin tình báo mà không có giải pháp chính trị không chỉ dẫn đến một cuộc chiến lâu dài và tàn khốc hơn, mà còn dẫn đến một cuộc đối đầu nguy hiểm giữa các nước NATO và Nga.

Do vậy, việc chuẩn bị cho một giải pháp ngoại giao là điều cần thiết vì cuộc chiến có thể vượt khỏi tầm kiểm soát của các bên.

Đặt nền móng cho giải pháp ngoại giao

CON ĐƯỜNG NGOẠI GIAO MỞ LỐI THOÁT CHO XUNG ĐỘT NGA - UKRAINETổng thống Mỹ Joe Biden (phải) gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng năm 2021 (Ảnh: AP).

Chính quyền Tổng thống Joe Biden nên chuẩn bị một khuôn khổ ngoại giao đa cấp độ để có thể thu hẹp sự khác biệt giữa Nga và Ukraine, từ đó có thể giải quyết cuộc xung đột đang diễn ra.

Trước hết, tiến trình ngoại giao cần được mở rộng, bao gồm các cuộc đàm phán song song giữa Nga và các bên thứ ba như Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) và Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE). Sự can thiệp từ bên ngoài cho phép các bên xung đột có thể giao tiếp tốt hơn với nhau và cung cấp cho họ một phương tiện để xác minh và giám sát các điều khoản của thỏa thuận trong tương lai. Điều này có thể giúp Ukraine và Nga vượt qua sự hoài nghi về cam kết và đạt được một thỏa thuận.

Mỹ và EU cũng có thể cung cấp cả “cây gậy và củ cà rốt” cần thiết để khuyến khích Kiev và Moscow đạt được thỏa thuận. Ukraine cần sự hỗ trợ mạnh mẽ về kinh tế, chính trị và quân sự của phương Tây, trong khi Nga muốn NATO và EU hạn chế việc mở rộng phạm vi ảnh hưởng cũng như việc giảm bớt các biện pháp trừng phạt.

Đối với Mỹ, vai trò của nước này trong việc giải quyết cuộc xung đột nằm ở khả năng dàn xếp chính trị không chỉ giữa các bên xung đột mà còn giữa liên minh NATO do Mỹ dẫn đầu và Nga. Đây sẽ là kịch bản đáng mong đợi vì không chỉ giúp giải quyết vấn đề Ukraine, mà còn tháo gỡ sự bế tắc liên quan đến việc mở rộng của NATO – nguyên nhân gây ra căng thẳng Mỹ – Nga kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nếu không được giải quyết triệt để, những vấn đề này có thể dẫn đến bất ổn trong tương lai, đặc biệt là khi ngày càng có nhiều quốc gia bày tỏ mong muốn gia nhập NATO.

Đặc biệt, vai trò ngoại giao để giải quyết xung đột cũng góp phần nâng cao uy tín của Mỹ, giúp Washington chứng tỏ với bạn bè cũng như đối thủ rằng các vấn đề lớn trong quan hệ quốc tế vẫn cần có Mỹ giải quyết. Vào thời điểm mà các đồng minh đang lo ngại trước sự tách rời và cô lập của Mỹ với các vấn đề quốc tế, cách tiếp cận như vậy sẽ mang lại lợi ích cho Washington.

Điều đó cũng sẽ báo hiệu cho các đối thủ của Mỹ rằng, Washington không chỉ sở hữu quân đội hùng mạnh mà còn có sự quyết đoán về mặt ngoại giao để đối phó với các vấn đề và mối đe dọa toàn cầu. Điều này sẽ thể hiện sức mạnh chứ không phải điểm yếu của Mỹ.

Nếu nước Mỹ đang đi đúng hướng như Tổng thống Biden tuyên bố, rằng Washington “đang trở lại” và “ngoại giao trở lại là trung tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ”, thì chính quyền Mỹ phải đóng vai trò trung tâm, thay vì ngoại vi, trong các cuộc đàm phán tương lai giữa Nga và Ukraine. Mỹ và các đồng minh nên sẵn sàng làm nhiều việc hơn là chỉ cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Mặc dù chiến sự vẫn tiếp tục xảy ra ở Donbass và các khu vực khác tại Ukraine, nhưng các nhà hoạch định chính sách của Mỹ vẫn có thể xem xét các giải pháp và đưa ra một khuôn khổ để kết thúc cuộc chiến tại Ukraine. Nếu không hành động bây giờ, Mỹ có thể bỏ lỡ cơ hội vào thời điểm phù hợp.

Thành Đạt

Theo The Hill, National Interest, Reuters

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG