Friday, November 22, 2024

Nhà báo livestream phiên tòa có thể bị phạt đến 30 triệu

Theo dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, nhà báo có thể bị phạt tới 30 triệu, luật sư có thể bị xử phạt tới 40 triệu nếu vi phạm.

Sáng 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên chuyên đề về pháp luật cho ý kiến về dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Một trong những nội dung đáng chú ý là dự thảo quy định, nhà báo sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng nếu không thực hiện yêu cầu của tòa án về việc xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác khi tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa; hoặc không chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa về khu vực tác nghiệp.

Nhà báo livestream phiên tòa có thể bị phạt đến 30 triệuChánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình thêm một số nội dung tại phiên họp

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định nhà báo cũng có thể bị phạt từ 7- 15 triệu đồng nếu ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh Hội đồng xét xử không được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa; ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh người tham gia tố tụng không được sự đồng ý của họ; hoặc ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh phiên tòa và phát trực tiếp trên không gian mạng.

Thậm chí, mức xử phạt có thể từ 15 – 30 triệu đồng nếu nhà báo ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh Hội đồng xét xử không được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa và phát trực tiếp trên không gian mạng. Hoặc ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh người tham gia tố tụng không được sự đồng ý của họ và phát trực tiếp trên không gian mạng.

Công an, luật sư, trợ giúp viên pháp lý vi phạm phạt nặng hơn

Bên cạnh đó, dự luật cũng quy định, luật sư, trợ giúp viên pháp lý cũng chịu chế tài xử phạt khá nặng. Còn hành vi cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, người có thẩm quyền; hoặc lôi kéo, xúi giục, lừa dối, mua chuộc, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực buộc người khác tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật có thể bị phạt tiền từ 5 – 15 triệu đồng.

Tuy nhiên, nếu luật sư, trợ giúp viên pháp lý có những hành vi trên thì mức xử phạt sẽ từ 15 – 30 triệu đồng.

Người tham gia tố tụng tiết lộ bí mật điều tra làm trì hoãn, kéo dài thời gian điều tra mặc dù đã được điều tra viên, cán bộ điều tra, kiểm sát viên hoặc kiểm tra viên yêu cầu phải giữ bí mật sẽ bị phạt tiền từ 8 – 15 triệu đồng.

Trường hợp, nếu luật sư, trợ giúp viên pháp lý có hành vi vi phạm trên thì mức phạt tiền là từ 15 – 30 triệu đồng.

Dự thảo cũng quy định người tham gia tố tụng lừa dối, đe dọa, mua chuộc hoặc sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người bị hại/người làm chứng tham gia tố tụng hoặc buộc người bị hại/người làm chứng khai báo gian dối sẽ bị phạt tiền từ 7 triệu – 15 triệu đồng.

Nhưng nếu luật sư, trợ giúp viên pháp lý lừa dối, đe dọa, mua chuộc hoặc sử dụng vũ lực buộc người bị hại khai báo gian dối hoặc buộc người khác ra làm chứng gian dối thì mức phạt tiền sẽ từ 30 – 40 triệu đồng…

Người tham gia tố tụng đe dọa, sử dụng vũ lực hoặc có hành vi khác xâm hại sức khỏe của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ bị phạt tiền từ 7 – 15 triệu đồng. Còn luật sư, trợ giúp viên pháp lý thực hiện hành vi trên, mức xử phạt từ 15 – 30 triệu đồng….

Giải trình thêm về việc mức phạt trong lĩnh vực tư pháp tăng nặng hơn so với hành vi thông thường, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình ví dụ, cùng hành vi đánh người gây thương tích nhưng với người dân bình thường thì xử lý theo quy định thông thường, còn công an đánh người thì đấy là hành vi tăng nặng, buộc phải xử nặng hơn.

Ông Bình dẫn chứng thêm, hành vi làm hồ sơ, giấy tờ giả, trong trường hợp bình thường thì xử lý nhẹ hơn, nếu cơ quan tố tụng làm sai thì “đây là liên quan đến công quyền, đến sinh mạng của người khác cho nên các vi phạm phải xử nặng hơn nhiều so với thông thường, cả về hành chính, lẫn hình sự”.

Còn việc quy định như vậy có quá nặng hay không, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng, các quy định như trong dự thảo đều theo quy định trong khung. Theo luật, khung phạt chia làm 3 khung, mức phạt như dự thảo là khung tối đa chứ không vượt quá thẩm quyền luật đặt ra.

“Đưa tin sai lệch mà ảnh hưởng đến bản chất vụ án thì đấy là câu chuyện phải xử lý nặng hơn, theo mức phạt nặng hơn”, ông Bình phân tích dự thảo pháp lệnh được thiết kế nằm trong khung của luật định, không được vượt quá luật.

Dự thảo Pháp lệnh quy định tổ chức có cùng hành vi vi phạm như cá nhân thì phải chịu mức phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cá nhân đến 40 triệu đồng, với tổ chức đến 80 triệu đồng.

Dự thảo cũng quy định thẩm quyền xử phạt của các chức danh tại 7 cơ quan gồm: Tòa án nhân dân (Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự), Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư.

Dự thảo không quy định thẩm quyền xử phạt của các chức danh tại 3 nhóm cơ quan, gồm: Cơ quan điều tra VKSND tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương và các cơ quan có thẩm quyền điều tra trong Quân đội nhân dân; VKSND, Viện kiểm sát quân sự; UBND các cấp.

Thu Hằng (Vietnamnet)

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG