Bất chấp mọi luận điệu, thủ đoạn xuyên tạc, phủ nhận của các thế lực thù địch, phản động, thì thành quả của Cách mạng Tháng Tám vẫn được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bảo vệ vững chắc; những giá trị bất diệt, những bài học kinh nghiệm quý báu vẫn được phát huy mạnh mẽ, sáng tạo trong tiến trình đổi mới, phát triển đất nước.
Cách mạng Tháng Tám thành công có nguyên nhân quan trọng, tiên quyết từ sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tổng khởi nghĩa Tháng Tám diễn ra và giành thắng lợi nhanh chóng trong vòng 15 ngày (từ 14/8 đến 28/8/1945), trong đó thắng lợi ở Hà Nội (19/8), Huế (23/8), Sài Gòn (25/8) có ý nghĩa quyết định. Ngày 2/9/1945, tại cuộc mít tinh lớn ở vườn hoa Ba Đình (Hà Nội), thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi to lớn đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, thời đại mới – kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội(1) và thời đại Hồ Chí Minh – thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Với tầm vóc, ý nghĩa như vậy, mỗi dịp lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9 là dịp để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tưởng nhớ, tri ân lớp lớp những người đã hiến dâng tuổi trẻ, sức lực, trí tuệ, tính mạng của mình để làm nên nền độc lập của dân tộc và giang sơn gấm vóc này. Đồng thời, là dịp để chúng ta nhắc nhớ, nhìn nhận sâu sắc, vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm lịch sử trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay. Thế nhưng, “đến hẹn lại lên”, vào dịp lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9 thiêng liêng của dân tộc ta thì các thế lực phản động, thù địch với tâm địa đen tối, bằng những thủ đoạn thâm độc, nham hiểm vẫn ra sức xuyên tạc, phủ định thành quả và tầm vóc, ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám.
NHỮNG LUẬN ĐIỆU NHAM HIỂM, CŨ RÍCH
Các thế lực thù địch, phản động và thành phần bất mãn chính trị vẫn “nhai đi nhai lại” những luận điệu cũ rích, rằng: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là “sự ăn may”. Rằng, Việt Minh đã nhanh tay cướp lấy thành quả của Đồng minh chống phát xít, khi quân đồng minh chưa kịp vào Đông Dương để giải giáp quân Nhật. Luận điệu khác thì cho rằng, Cách mạng Tháng Tám là do tinh thần dân tộc lãnh đạo, dù không có Đảng Cộng sản, nhiều nước thuộc địa đã giành được độc lập mà ít tốn xương máu. Sự hao tốn xương máu của dân tộc là do Đảng Cộng sản gây ra. Hay có kẻ còn trắng trợn “kết tội” rằng: thành quả Cách mạng Tháng Tám nhanh chóng rơi vào tay Đảng Cộng sản và đây là nguyên nhân khiến dân tộc Việt Nam rơi vào “thảm họa” chiến tranh, đất nước bị tàn phá, dân tộc phân ly và ngày nay tiếp tục tình trạng nghèo đói, lạc hậu; nếu không đi theo con đường cách mạng vô sản, Việt Nam vẫn có độc lập mà tránh được chiến tranh, đi theo con đường của nước tư bản phát triển tới phồn vinh(!)…
Những luận điệu nham hiểm, cũ mòn nêu trên không chỉ là của các thế lực tư bản đế quốc lái súng, thù địch mà còn của các phần tử phản động, cơ hội chính trị, suy thoái ở trong nước mặc dù đã thụ hưởng thành quả của Cách mạng Tháng Tám trong mấy chục năm qua nhưng lại phản bội, “đổi trắng thay đen”…
Mục đích của họ là phủ nhận thành quả, tầm vóc, ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám, gây tâm lý mơ hồ, hoài nghi, chia rẽ trong xã hội, nhất là trong giới trẻ để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ngăn trở hòa hợp dân tộc, đẩy một bộ phận nhân dân xa rời Đảng, Nhà nước, hạ thấp, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, phủ nhận thành quả cách mạng, hướng lái dân tộc Việt Nam đi theo con đường tư bản chủ nghĩa…
Do vậy, tuy những luận điệu cũ rích ấy không thể đánh lừa những người nghiêm túc, tỉnh táo, am hiểu lịch sử, tôn trọng sự thật khách quan nhưng cũng cần nâng cao cảnh giác, bởi trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và mạng xã hội phát triển, cuộc đấu tranh giai cấp – dân tộc về tư tưởng – văn hóa vẫn diễn ra rất phức tạp, quyết liệt trên phạm vi quốc tế và các thế lực thù địch, phản động vẫn không từ bỏ chiến lược “Diễn biến hòa bình” để chống phá độc lập dân tộc và CNXH trên thế giới và ở Việt Nam.
THÀNH QUẢ VĨ ĐẠI TỪ ĐẤU TRANH CỦA TOÀN DÂN TỘC DO ĐẢNG LÃNH ĐẠO
Lịch sử đã khẳng định, để làm nên thành công của Cách mạng Tháng Tám “long trời, lở đất”, cả dân tộc Việt Nam với quyết tâm và tinh thần “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải quyết giành cho kỳ được độc lập dân tộc”, đã nhất tề vùng lên, cuộc Tổng khởi nghĩa của nhân dân ta đã thành công, lật đổ ách thống trị phát xít cùng triều đình phong kiến, thiết lập nên chính quyền cách mạng trên cả nước. Cách mạng Tháng Tám diễn ra trong điều kiện thời cơ “nghìn năm có một”, tuy nhiên, thời cơ đó chỉ được tận dụng và đạt thành quả với sự chuẩn bị chủ động, lâu dài, kỹ lưỡng cả thế và lực lượng cách mạng của Đảng.
Thành quả cách mạng vĩ đại này không chỉ là kết quả của 15 ngày tổng khởi nghĩa, không chỉ là kết quả của sự nghiệp cách mạng trong 15 năm (1930-1945) qua cao trào 1930-1931, 1936-1939, 1939-1945 (trong đó, gần như ngay từ đầu, dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chủ động cùng với lực lượng đồng minh chống phát xít), mà còn là kết quả của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc trong gần một thế kỷ của nhân dân ta. Do đó, Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời là kết quả của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc lâu dài, đầy hy sinh, gian khổ của nhân dân ta dưới sự tổ chức lãnh đạo bài bản, khoa học, sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chứ không phải là sự “ăn may” hay “cướp công” như các thế lực thù địch, phản động đã cố tình xuyên tạc, bóp méo.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công do nhiều nguyên nhân, đó là sự vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta một cách đúng đắn, sáng tạo trong bối cảnh quốc tế có những thuận lợi nhất định (chủ nghĩa phát xít Đức, Ý, Nhật đã bị đánh bại, phong trào đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức và của các lực lượng tiến bộ trên thế giới phát triển mạnh…); là sự kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; là tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quật cường của các tầng lớp nhân dân ta, kể cả sự huy động kết tinh truyền thống anh hùng, trí tuệ, bất khuất của dân tộc Việt Nam qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước…, trong đó nguyên nhân quan trọng, tiên quyết là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh theo mục tiêu, ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền CNXH.
Ý NGHĨA LỊCH SỬ VÀ GIÁ TRỊ MUÔN ĐỜI
Sử gia người Na Uy S.Tonesson đánh giá: “Cuộc cách mạng ở Việt Nam năm 1945 là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, không chỉ có vậy, đó còn là một cuộc cách mạng chính trị chống lại nền quân chủ thối nát, và là một cuộc cách mạng xã hội chống lại chủ đất và những người thu thuế”(2). Cách mạng Tháng Tám thành công đã mở ra một kỷ nguyên mới, đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ lên làm chủ cuộc đời mới, kỷ nguyên nhân dân được tự do, đất nước được độc lập. Sức lan tỏa của Cách mạng Tháng Tám đã thức tỉnh các dân tộc trên thế giới, các nước Phi, Mỹ La tinh, cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc để giải phóng khỏi ách áp bức, bóc lột. Đúng như nhà sử học Mông Cổ, TS Sanomish Dashtsevel đánh giá: “Cách mạng Tháng Tám đã tạo điều kiện cho nhân dân Việt Nam làm chủ đất nước, giành được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước. Cuộc Cách mạng tháng Tám còn có ý nghĩa quan trọng đối với phong trào giải phóng dân tộc, dân chủ ở các nước châu Á và trên thế giới”(3).
Chủ tịch Hồ Chí Minh – Tổng công trình sư và là linh hồn của Cách mạng Tháng Tám đã khái quát và nhấn mạnh rằng: “Lịch sử dân tộc ta có nhiều thời kỳ rất vẻ vang. Nhưng trước ngày Cách mạng Tháng Tám, dân tộc ta đã phải trải qua gần một thế kỷ vô cùng tủi nhục. Trên địa đồ thế giới, tên nước ta đã bị xóa nhòa dưới bốn chữ “Đông Dương thuộc Pháp”. Thực dân Pháp gọi đồng bào ta là lũ Annamít dơ bẩn. Thiên hạ gọi chúng ta là vong quốc nô… Cách mạng Tháng Tám thành công. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi. Nhân dân ta tự làm chủ vận mạng của mình. Tên tuổi của nước ta lại lừng lẫy khắp năm châu, bốn biển”(4). Do đó, Cách mạng Tháng Tám không chỉ có ý nghĩa dân tộc mà còn có ý nghĩa quốc tế sâu sắc: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam có thể tự hào mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng, lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”(5).
Với tiền đề, nền tảng của Cách mạng Tháng Tám cũng như những bài học kinh nghiệm quý báu từ cuộc cách mạng vĩ đại này, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân tộc đoàn kết một lòng, phát huy sức mạnh tổng hợp, vượt qua mọi khó khăn gian khổ và tiếp tục giành được những thắng lợi vĩ đại. Đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, mà đỉnh cao là thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngày 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thu giang sơn về một mối, đưa cả nước thống nhất quá độ lên CNXH. Đó là thắng lợi trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước theo định hướng XHCN, dưới sự lãnh đạo đạo của Đảng, tiếp tục phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám 1945, đất nước ta đã đạt được những thành quả to lớn có ý nghĩa lịch sử trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Theo đó, từ một quốc gia kém phát triển, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng. Bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi tích cực, tiến bộ. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; tiềm lực của đất nước, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam không ngừng nâng cao…
Những thành tựu to lớn mà chúng ta đạt được cho thấy và khẳng định rằng, bất chấp mọi sự xuyên tạc, phủ nhận bằng nhiều thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, phản động cả ở trong và ngoài nước, thì thành quả của Cách mạng Tháng Tám vẫn được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bảo vệ vững chắc và những giá trị bất diệt, những bài học kinh nghiệm quý báu của cuộc cách mạng này vẫn đồng hành, soi sáng và được vận dụng, phát huy mạnh mẽ, sáng tạo trong tiến trình đổi mới, phát triển đất nước.
“Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” là minh chứng sống động, bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả và tầm vóc, ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám vĩ đại./.
TS. Nguyễn Anh Tuấn
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
ThS. Phạm Tố Uyên
Trường Chính trị tỉnh Nam Định
_________________
(1) Đinh Xuân Lâm (Chủ biên): Đại cương lịch sử Việt Nam (Tái bản lần thứ 13), Nxb. Giáo dục Việt Nam, H, 2011, t.2, tr.370.
(2) Cách mạng tháng Tám trong mắt các học giả quốc tế, https://www.anninhthudo.vn/cach-mang-thang-tam-trong-mat-cac-hoc-gia-quoc-te-post442820.antd.
(3) Nguyễn Văn Toàn: Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, https://www.bienphong.com.vn/phat-huy-tinh-than-cach-mang-thang-tam-trong-cong-cuoc-xay-dung-va-phat-trien-dat-nuoc-post453528.html.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H, 2011, t.14, tr.621.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.25.
Nguồn: