Trên khắp thế giới, giá nhiên liệu tăng vọt đang không chỉ gây khủng hoảng cho người dân mà còn buộc các chính phủ đau đầu tìm cách giải quyết.
“No es suficiente” (Như vậy là chưa đủ) là thông điệp mà các nhà lãnh đạo biểu tình ở Ecuador gửi tới tổng thống nước này vào hồi đầu tháng 7. Động thái trên diễn ra sau khi Tổng thống Ecuador Guillermo Lasso cho biết sẽ giảm 10 cent cho mỗi gallon (khoảng 3,78 lít) xăng và dầu diesel nhằm xoa dịu các cuộc biểu tình về giá nhiên liệu và thực phẩm tăng cao.
Sự giận dữ và sợ hãi về giá năng lượng bùng nổ ở Ecuador đang lan rộng ra toàn thế giới.
Tại Mỹ, giá xăng trung bình đã tăng lên 5 USD/gallon. Điều này tạo ra gánh nặng cho người tiêu dùng và buộc Tổng thống Joe Biden phải có những bước đi thận trọng trước thềm cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào mùa thu này, theo New York Times.
Nhưng ở nhiều nơi, sự tăng giá nhiên liệu còn tàn khốc hơn, kéo theo sự khốn khó của người dân cũng nặng nề hơn.
Các gia đình lo lắng làm thế nào để giữ cho đèn sáng, để có bình xăng ôtô luôn đầy, căn nhà có hơi ấm và đủ nhiên liệu để nấu ăn. Các doanh nghiệp phải vật lộn với chi phí vận chuyển, vận hành gia tăng và yêu cầu tăng lương từ người lao động.
Ở Nigeria, các nhà tạo mẫu sử dụng ánh sáng của điện thoại di động để cắt tóc vì họ không có đủ nhiên liệu cho máy phát điện chạy bằng xăng.
Tuần trước, cảnh sát ở Ghana đã bắn hơi cay và đạn cao su vào những người biểu tình phản đối tình trạng khó khăn kinh tế do tăng giá xăng, lạm phát và một loại thuế mới đối với thanh toán điện tử.
Ở châu Âu, chi phí đổ đầy bình cho một chiếc xe cỡ trung ở Anh là 125 USD. Ngoài ra, Hungary đang cấm người lái ôtô mua hơn 50 lít xăng mỗi ngày tại các trạm dịch vụ.
Sự gia tăng đáng kinh ngạc của giá nhiên liệu có khả năng làm xáo trộn các mối quan hệ kinh tế, chính trị và xã hội trên toàn thế giới. Chi phí năng lượng cao có tác động phân tầng, gây lạm phát, buộc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất, kìm hãm tăng trưởng kinh tế và cản trở nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Giống như bất kỳ cuộc khủng hoảng nào, khủng hoảng năng lượng đẩy những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất vào những tình huống khắc nghiệt nhất. Cơ quan Năng lượng Quốc tế hồi tháng trước cảnh báo rằng giá năng lượng cao hơn đồng nghĩa với việc thêm 90 triệu người ở châu Á và châu Phi không được sử dụng điện.
Năng lượng đắt đỏ làm cho giá lương thực tăng cao, hạ thấp mức sống và khiến hàng triệu người bị đói. Chi phí vận chuyển tăng mạnh làm tăng giá của mọi mặt hàng, dù cho nó được vận chuyển bằng xe tải hay máy bay, từ giày, điện thoại di động, quả bóng đá cho đến thuốc kê đơn.
Eswar Prasad, nhà kinh tế học tại Đại học Cornell, cho biết: “Sự gia tăng đồng thời của giá năng lượng và giá thực phẩm là một cú đấm kép vào bao tử của người nghèo ở mọi quốc gia”. Đồng thời, nó “có thể tạo ra những hậu quả mang tính phá huỷ cho nhiều nơi trên thế giới nếu tiếp tục diễn ra trong một thời gian dài”.
Ông Dione Dayola là người đứng đầu một tập đoàn vận tải hành khách bằng xe jeepney (một phương tiện giao thông công cộng phổ biến ở Philippines). Doanh nghiệp của ông từng có khoảng 100 tài xế. Bây giờ, chỉ còn 32 người trong số những người lái xe này đang làm việc. Những người còn lại đã bỏ nghề để tìm kiếm công việc khác hoặc chuyển sang ăn xin.
Ông Dayola cho biết trước khi giá nhiên liệu bắt đầu tăng, ông mang về nhà khoảng 15 USD mỗi ngày. Bây giờ, con số đó giảm xuống còn 4 USD. “Làm sao bạn có thể sống với bấy nhiêu đó tiền?”, ông than thở.
Riêng Philippines, mặc dù chỉ mua một lượng dầu nhỏ từ Nga. Nhưng trên thực tế, mua dầu từ ai không thực sự quan trọng bởi giá được thiết lập trên thị trường toàn cầu. Không có quốc gia nào được hưởng ngoại lệ khi nói về giá dầu, dù cho đó là Mỹ – nhà sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới sau Saudi Arabia.
Sau hai năm biến động do đại dịch Covid-19 gây ra, xung đột Nga – Ukraine đã đẩy thế giới đối mặt với những thách thức mới. Các lệnh trừng phạt, trả đũa đã khiến giá khí đốt và dầu tăng phi mã với tốc độ đáng kinh ngạc.
Giá năng lượng đắt đỏ kéo dài đang khuấy động tình hình chính trị ở cả những quốc gia phát triển nhất.
Ở các quốc gia nghèo hơn, mối đe dọa này càng trở nên gay gắt hơn khi các chính phủ phải đau đầu giữa việc chọn lựa cung cấp thêm hỗ trợ công hoặc đối mặt với tình trạng bất ổn nghiêm trọng.
Vòng xoáy tăng chóng mặt của giá xăng và dầu đã thúc đẩy các nước đầu tư nhiều hơn vào các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Tuy nhiên, nhiên liệu hoá thạch cũng được tăng cường khai thác. Điều này sẽ càng làm cho tình hình biến đổi khí hậu càng trầm trọng…
Bảo Trâm (Theo New York Times, Guardian)
Theo: Cánh cò