Friday, November 22, 2024

Thúc đẩy không gian xã hội dân sự ở Việt Nam nhằm thực hiện nghĩa vụ quốc tế về quyền con người

Trong những năm gần đây, sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội dân sự (XHDS) trong tiến trình bảo đảm và thúc đẩy quyền con người (QCN) trên toàn thế giới đã được Liên hợp quốc (LHQ) và các tổ chức quốc tế ghi nhận. Việc mở rộng không gian XHDS nhằm thực hiện nghĩa vụ quốc tế về QCN, vì thế đã trở thành một xu thế chung trên toàn thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài tiến trình đó.

Thúc đẩy không gian xã hội dân sự ở Việt Nam nhằm thực hiện nghĩa vụ quốc tế về quyền con người

1. Thực hiện nghĩa vụ quốc tế về quyền con người

Thực hiện nghĩa vụ quốc tế về QCN, trước tiên là thực hiện nghĩa vụ của một quốc gia thành viên của LHQ và thực hiện nghĩa vụ quốc gia thành viên của các Công ước quốc tế về QCN. Nếu xét ở nghĩa rộng, thực hiện nghĩa vụ quốc tế về QCN có rất nhiều việc phải làm, trong đó có những nghĩa vụ khá trừu tượng như tôn trọng Hiến chương LHQ, tôn trọng các nguyên tắc căn bản của pháp luật quốc tế, trong đó có pháp luật quốc tế về QCN. Nhưng cụ thể, để thực hiện nghĩa vụ một quốc gia thành viên của LHQ và thực hiện nghĩa vụ quốc gia thành viên của các Công ước quốc tế về QCN bao gồm những công việc sau:

–   Tham gia tích cực vào các hoạt động về QCN của LHQ, trong đó tập trung vào các hoạt động được thực hiện trong khuôn khổ Hội đồng Nhân quyền, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ và các cơ quan khác trực thuộc LHQ;

–   Đóng góp tích cực cho việc xây dựng các giá trị về QCN ở tầm khu vực và quốc tế;

–   Thực hiện báo cáo quốc gia kiểm điểm định kỳ phổ quát về tình hình thực hiện QCN (UPR) và thực hiện các khuyến nghị được chấp nhận trong quá trình này;

–   Nội luật hóa các quy định trong các Công ước quốc tế về QCN mà quốc gia là thành viên và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định đó;

–   Thực thi đầy đủ và tận tâm các cam kết quốc tế về QCN.

Trong quá trình thực hiện các nghĩa vụ kể trên, ngoài nỗ lực của các quốc gia, còn có nỗ lực của toàn xã hội, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các tổ chức XHDS. Vì thế, việc mở rộng không gian XHDS chính là việc thúc đẩy tiến trình bảo đảm và bảo vệ QCN tại một quốc gia, thông qua thực hiện tốt hơn các nghĩa vụ quốc tế về QCN.

2. Xã hội dân sự và vai trò của xã hội dân sự trong quá trình thực hiện các nghĩa vụ quốc tế về quyền con người

Các tác nhân XHDS (civil society actors), theo khái niệm của Cao ủy LHQ về QCN, không chỉ là các tổ chức phi chính phủ hoặc các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội mà còn bao gồm các nhóm và cá nhân, bao gồm những người hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực QCN[2].

Trong quá trình thực hiện các nghĩa vụ quốc tế về QCN, XHDS thường tham gia và đóng góp cho các hoạt động sau:

–       Theo dõi công tác nội luật hóa và thực hiện các quy định về QCN: Các tổ chức XHDS đóng vai trò quan trọng trong việc theo dõi công tác nội luật hóa các quy định của pháp luật quốc tế về QCN và việc thực thi các quy định này. Ở đây, các tổ chức XHDS đóng vai trò phản biện xã hội, đảm bảo cho tiến trình này được thực hiện thường xuyên, minh bạch và hiệu quả.

–       Tham gia chuẩn bị các báo cáo quốc gia: Các báo cáo quốc gia ở đây chính là các báo cáo UPR và các báo cáo gửi đến các Ủy ban Công ước về QCN để báo cáo về tình hình thực hiện QCN ở quốc gia đó trong thời gian báo cáo[3].

Trong tiến trình UPR, các tổ chức XHDS có thể tham gia thông qua việc đóng góp ý kiến, cung cấp thông tin cho báo cáo UPR của quốc gia, họ cũng có thể làm các báo cáo bóng (shadow report), đồng thời cũng có thể tham gia vào “Phiên họp trước UPR” (UPR Pre-sessions) do UPR Info tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ vào khoảng hai tháng trước khi UPR quốc gia chính thức diễn ra.

Còn trong quá trình làm báo cáo nộp cho các Ủy ban Công ước, các tổ chức XHDS có thể được mời đến dự các buổi họp tham vấn quốc gia để đóng góp ý kiến cho các báo cáo trước khi thông qua và nộp cho các Ủy ban Công ước. Trong quá trình đó, các tổ chức XHDS có thể đưa ra các nhận xét, khuyến nghị hoặc cung cấp thông tin để hoàn thiện báo cáo quốc gia. Mặc dù các Ủy ban Công ước luôn khuyến khích các quốc gia quan tâm đến quá trình chuẩn bị báo cáo và tổ chức các buổi họp tham vấn quốc gia. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận là không nhiều quốc gia quan tâm thực hiện bước này hoặc nếu có thì nhiều thông tin và bình luận của các tổ chức XHDS cũng không được quan tâm phản ánh trong báo cáo quốc gia[4].

–          Tự nộp báo cáo cho các Ủy ban Công ước: Cho dù các tổ chức XHDS có được mời đến các cuộc họp tham vấn của quốc gia hay không thì họ vẫn luôn có quyền được gửi các báo cáo, nghiên cứu của riêng họ lên các Ủy ban Công ước. Những báo cáo này sẽ giúp cho các thành viên của Ủy ban công ước có một cái nhìn toàn diện về tình hình QCN của một quốc gia. Các Ủy ban Công ước cho phép các tổ chức XHDS có thể gửi các báo cáo bằng văn bản đến các Ủy ban Công ước thông qua Ban thư ký bất cứ lúc nào, trước hoặc sau báo cáo quốc gia đều được. Tuy nhiên, thông thường các Ủy ban thường khuyến cáo các tổ chức XHDS gửi báo cáo đến trước khi diễn ra phiên họp báo cáo của quốc gia khoảng hai tháng như trường hợp của Ủy ban Công ước về chống phân biệt chủng tộc; một tuần như Ủy ban kinh tế, văn hóa và xã hội; hai tuần như Ủy ban Nhân quyền; hai tháng như Ủy ban về chống phân biệt đối xử với phụ nữ… Việc gửi các báo cáo đến trước như vậy sẽ tạo điều kiện cho Ủy ban có các thông tin cần thiết để xem xét và đánh giá các báo cáo quốc gia một cách khách quan và toàn diện.

–       Giúp các Uỷ ban Công ước đặt câu hỏi: Các Ủy ban Công ước thường sử dụng thông tin của các tổ chức XHDS để đặt ra các câu hỏi cho quốc gia báo cáo trước hoặc trong quá trình báo cáo.

–       Theo dõi việc thực hiện khuyến nghị: Các tổ chức XHDS đóng một vai trò thiết yếu trong việc theo dõi và thực hiện các khuyến nghị. Đối với UPR đó là việc theo dõi thực hiện các khuyến nghị đã được quốc gia chấp nhận. Đối với các Công ước quốc tế về QCN, các tổ chức XHDS cũng theo dõi việc thực hiện các khuyến nghị được đưa ra trong kết luận của Ủy ban Công ước sau các phiên báo cáo quốc gia.

–       Tuyên truyền, vận động chính sách: Các tổ chức xã hội luôn là các chuyên gia trong việc tuyên truyền và lôi kéo sự chú ý của công chúng, phổ biến các thông tin và đồng thời cả vận động chính sách. Chính vì vậy, họ là những nhân tố quan trọng trong quá trình giáo dục QCN, phổ biến và đưa các thông tin về QCN đến công chúng. Các tổ chức XHDS cũng có thể vận động các chính sách thông qua việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, gặp gỡ các quan chức nhà nước để đưa ra các đề nghị, tư vấn.

–       Giúp đỡ các nạn nhân của vi phạm QCN: Đây cũng là một vai trò chính của các tổ chức XHDS. Các cá nhân đơn độc thì thường yếu thế, đôi khi thiếu hiểu biết và thiếu năng lực để tự bảo vệ bản thân. Với sự giúp đỡ của các tổ chức XHDS, các nạn nhân của vi phạm QCN sẽ được bảo vệ tốt hơn.

–       Cung cấp thông tin cho các Ủy ban khi điều tra: Ở các quốc gia chấp nhận thủ tục khiếu kiện cá nhân, khi có khiếu kiện, Hội đồng Nhân quyền hoặc các Ủy ban Công ước sẽ tiến hành điều tra. Trong quá trình đó, thông tin đến từ các tổ chức XHDS luôn được đánh giá cao và có thể là căn cứ cho Hội đồng Nhân quyền hoặc các Ủy ban Công ước quyết định.

–       Theo dõi trong ngày báo cáo: Thông thường ở UPR cũng như ở các buổi báo cáo ở Ủy ban Công ước thì các tổ chức XHDS thường tham gia vào các buổi họp trước (plenary sessions). Tuy nhiên, nếu muốn được tham gia vào các buổi báo cáo chính thức như các quan sát viên (không được tham gia vào các trao đổi) thì các tổ chức XHDS có thể liên lạc trước với Ban thư ký và có thể được phép tham gia.

Như vậy, các tổ chức XHDS đóng một vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện và theo dõi thực hiện các nghĩa vụ quốc tế về QCN. Để tiến trình này có giá trị thực tiễn thì việc tăng cường sự tham gia của các tổ chức XHDS là một việc làm cần thiết, nhất là khi Việt Nam đã trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ.

3. Thúc đẩy không gian xã hội dân sự để bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam

Trong những năm vừa qua, sự tham gia của XHDS vào hệ thống QCN của LHQ đã có những kết quả vô cùng ngoạn mục và không thể chối cãi. XHDS được xem là thể chế bảo vệ và lấp đầy các lỗ hổng cho bảo vệ QCN ở cấp độ quốc tế, cảnh báo cộng đồng quốc tế trong việc ngăn chặn khủng hoảng và tạo cơ hội đưa ra các chuẩn mực mới. Sự gia tăng của các tổ chức XHDS làm tăng cường tính phản hồi của hệ thống LHQ bằng cách nối nó với những gì đang xảy ra ở cấp độ quốc gia[5].

            Theo Cao ủy Nhân quyền LHQ, có năm yếu tố cơ bản để đảm bảo cho sự hoạt động của không gian XHDS, đó là: (i) một khung pháp lý mạnh mẽ và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế đảm bảo cho tự do công cộng và tiếp cận tư pháp hiệu quả; (ii) một môi trường chính trị thuận lợi cho công việc của XHDS; (iii) quyền tiếp cận thông tin; (iv) lộ trình đảm bảo sự tham gia của XHDS vào quá trình ra quyết định; (v) một sự ủng hộ lâu dài cho XHDS.

3.1 Không gian XHDS phải được gắn với quyền tự do ngôn luận và tự do tư tưởng

Không gian XHDS là nơi mà bất cứ ai cũng có thể tham gia và trao đổi ý kiến với nhau mà không chịu bất cứ áp lực nào từ bên ngoài. Vì thế, nếu không có tự do ngôn luận và tự do tư tưởng thì không gian XHDS đương nhiên sẽ không hình thành, hoặc là có tự do ngôn luận và tự do tư tưởng một cách hình thức thì không gian XHDS dù có hình thành cũng không được xem là hoàn thiện.

Việt Nam đã có Luật Báo chí, Luật Xuất bản và có rất nhiều cơ quan báo chí, đã góp phần thúc đẩy phát triển không gian XHDS thông qua các diễn đàn, các bài viết và tranh luận hết sức cởi mở, thẳng thắn về các vấn đề như chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền của các nhóm yếu thế, thúc đẩy quan hệ đối ngoại của quốc gia… Nhưng dường như, những điều đó vẫn chưa đủ để làm nên một không gian XHDS đúng nghĩa nếu như Luật Tiếp cận thông tin không được thực thi hiệu quả. Sẽ không thể có tự do ngôn luận nếu tự do thông tin chưa được đảm bảo. Xét cho cùng, việc ban hành và đảm bảo thực thi pháp luật về tiếp cận thông tin, báo chí và xuất bản chính là một trong những cơ sở để thúc đẩy không gian XHDS.

3.2 Không gian XHDS phải gắn với quyền tự do lập hội và tự do hội họp

Sẽ không thể có không gian XHDS đúng nghĩa nếu con người không có quyền tự do hội họp. Tự do hội họp là yếu tố căn bản để con người gặp gỡ, trao đổi ý kiến, quan điểm và để từ đó hình thành và thúc đẩy không gian XHDS. Tự do hội họp không chỉ là tự do tổ chức các cuộc gặp gỡ, trao đổi thông tin, hội thảo, hội nghị mà tự do hội họp còn liên quan đến quyền biểu tình. Biểu tình là một kênh giao tiếp quan trọng giữa nhân dân với chính quyền, là kênh phản biện xã hội quan trọng cần có trong nhà nước pháp quyền. Biểu tình góp phần làm cho nhà nước và nhân dân hiểu biết và dễ chia sẻ với nhau hơn. Chính vì thế, Luật về biểu tình vừa để bảo đảm quyền biểu tình của người dân, vừa tạo thuận tiện cho nhà nước trong công tác quản lý hoạt động biểu tình là một văn bản cần thiết và cần nhanh chóng ban hành trong thời gian tới.

Đồng thời với tự do hội họp là tự do lập hội. Trong không gian XHDS, ban đầu con người có xu hướng chỉ nói các suy nghĩ cá nhân của mình, nhưng khi không gian này đã phát triển hơn nữa, mỗi người sẽ có xu thế gắn kết bản thân mình với một tổ chức nào đó và vì thế người ta cần có tự do lập hội. Quyền tự do lập hội gắn với tự do dân chủ bởi xã hội càng phát triển, vai trò của các hội đoàn XHDS ngày càng trở nên mạnh mẽ. Chính vì vậy, luật quốc tế quy định quá trình đăng ký thành lập tổ chức XHDS phải rõ ràng, đơn giản, nhanh chóng, và không đòi hỏi chi phí lớn.

Ở Việt Nam, cùng với sự phát triển về kinh tế, xã hội và sự mở cửa hợp tác về chính trị, quân sự, ngoại giao… chính sách của Nhà nước đối với các hội nghề nghiệp đã có nhiều cởi mở. Hiện nay, chúng ta có rất nhiều các hội nghề nghiệp cũng như là các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội. Việc ra đời rất nhiều các hội nghề nghiệp trong thời gian qua đã chứng tỏ nhu cầu của người dân về việc thành lập hội cũng như chứng tỏ nghĩa vụ của Nhà nước đối với nhu cầu chính đáng đó.

Sẽ không thể có những diễn đàn phản biện xã hội đúng nghĩa, cũng như Nhà nước sẽ khó nắm bắt thông tin, nguyện vọng của nhân dân nếu như những nguyện vọng đó lại chỉ được thể hiện thông qua các phát biểu của một số cá nhân riêng lẻ. Tiếng nói của các hội thông qua không gian XHDS phát triển sẽ hơn bao giờ hết luôn là những tiếng nói tiêu biểu cho nhiều tầng lớp công chúng khác nhau. Sẽ chỉ có nhà nước pháp quyền một cách đúng nghĩa nếu như người dân thực sự trở thành một đối tác chính trị của nhà nước. Mà bản thân mỗi người dân không đủ sức để làm việc này, nhưng nếu có các hội đoàn XHDS đại diện cho tiếng nói nhân dân bên cạnh tiếng nói của các cá nhân uy tín, những người hoạt động bảo vệ QCN thì mối quan hệ hai chiều này sẽ được giải quyết hiệu quả. Thực tiễn cuộc sống đang đòi hỏi phải có một Luật về Hội được soạn thảo hoàn chỉnh và thông qua nhanh chóng trên tinh thần đảm bảo quyền tự do lập hội và hội họp.

3.3 Không gian XHDS phải gắn với quyền được tham gia của người dân

Không gian XHDS chính là nơi thể hiện sự tham gia của người dân một cách rõ nét. Nếu người dân thờ ơ với chính trị, với công việc của nhà nước thì đương nhiên họ cũng không quan tâm đến không gian XHDS. Người ta chỉ tham gia vào không gian XHDS và chịu nói lên suy nghĩ của mình chỉ khi họ cảm thấy những điều đó thực sự có ích và có đóng góp cho xã hội. Nếu người dân cảm thấy họ là một phần của quá trình ra quyết định và những ý kiến của họ được quan tâm thì rõ ràng họ sẽ càng tích cực tham gia vào các diễn đàn để góp phần làm phong phú thêm bộ mặt của không gian XHDS.

Ở Việt Nam, khung pháp lý cho sự tham gia của người dân cho tới nay đã có nhiều tiến bộ, nhưng dường như là vẫn chưa đủ. Người dân muốn tham gia ý kiến của mình thì trước hết họ phải được thông tin. Vấn đề này lại quay trở lại với quyền tự do thông tin gắn với Luật Tiếp cận thông tin. Sự tham gia của người dân sẽ bị cản trở nếu không có thông tin hoặc thông tin đến với người dân không đủ, không đúng. Hiện nay, chúng ta đang thiếu khung pháp lý về việc phản hồi của các cơ quan công quyền đối với đóng góp của người dân. Mặc dù Luật Báo chí đã có quy định về phản hồi dành cho các cơ quan báo chí, Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã có quy định về việc tham vấn ý kiến của các nhóm công chúng bị ảnh hưởng bởi luật pháp, chính sách và công bố công khai kết quả khảo sát ý kiến của người dân, nhưng những quy định này dường như vẫn chưa đủ để khuyến khích người dân tham gia đóng góp ý kiến của mình với công việc công. Người dân chỉ muốn tham gia thật sự khi họ nhận ra rằng, ý kiến của mình đang được tôn trọng, đang được lắng nghe và nó thật sự có ích cho quá trình phát triển xã hội.

Trong xã hội hiện đại, sự tham gia của người dân còn được thể hiện thông qua các cuộc trưng cầu ý dân. Thông qua các cuộc trưng cầu ý dân công khai, các ý kiến lựa chọn của người dân được thể hiện rõ nét và dân chủ. Hiện nay, Luật Trưng cầu ý dân của Việt Nam đã có hiệu lực, nhưng hiệu quả của Luật này đến đâu thì vẫn còn là vấn đề đang để ngỏ.

3.4 Không gian XHDS phải gắn với sự phát triển của thông tin truyền thông

Tự do tư tưởng, tự do báo chí và xuất bản, tự do tham gia vào quá trình ra quyết định… chưa đủ để tạo nên một không gian XHDS đúng nghĩa. Trong khi đánh giá về không gian XHDS, cần phải tính đến sự phát triển của thị trường truyền thông. Các phương tiện thông tin đại chúng đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo lập và phát triển một không gian XHDS. Báo chí vừa đóng vai trò là cơ quan thông tin, đồng thời vừa là người dẫn dắt và định hướng tư duy của công chúng. Hơn thế nữa, báo chí cũng là diễn đàn phản ánh các luồng tư tưởng khác nhau, là nơi cả người dân và nhà nước chia sẻ quan điểm của mình một cách công khai và thẳng thắn. Rõ ràng, muốn phát triển không gian XHDS thì đương nhiên không thể không tính đến sự phát triển của thị trường truyền thông.

Trong khuôn khổ UPR lần thứ nhất vào năm 2009, Nhà nước Việt Nam đã chấp thuận các khuyến nghị liên quan đến việc đảm bảo cho các tổ chức XHDS hình thành và phát triển như xây dựng hệ thống luật pháp trong nước và đảm bảo thực thi các biện pháp phù hợp theo hướng thực hiện các công ước quốc tế về QCN mà Việt Nam tham gia; tiếp tục các nỗ lực để cải thiện các quyền chính trị cũng như các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa theo các tiêu chuẩn QCN đã được toàn thế giới công nhận; tăng cường nỗ lực gắn kết tất cả các tổ chức xã hội và chính trị phù hợp để thúc đẩy và bảo vệ QCN; tăng cường hợp tác với các thủ tục đặc biệt của LHQ; thúc đẩy các quyền tự do cơ bản; tiến hành những bước cần thiết để đảm bảo các công dân có thể thụ hưởng đầy đủ các quyền tự do biểu đạt; đảm bảo đầy đủ quyền tiếp nhận, tìm kiếm và truyền bá thông tin và ý tưởng theo điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị; tăng cường các nỗ lực trong lĩnh vực tự do dân sự và chính trị, bao gồm tự do biểu đạt, tự do báo chí và tự do tôn giáo.

Đã có những tiến bộ đáng kể trong việc Nhà nước Việt Nam chấp thuận các khuyến nghị UPR liên quan đến thúc đẩy không gian XHDS trong khuôn khổ UPR lần thứ hai vào năm 2014 trong mối tương quan với chương trình xây dựng và sửa đổi một số bộ luật trong giai đoạn 2014 – 2016 nhằm thúc đẩy các quyền và tự do cơ bản của công dân[6]. Đáng chú ý, lần đầu tiên khái niệm “XHDS” được chấp nhận chính thức bên cạnh khái niệm “các tổ chức xã hội” hoặc “các tổ chức chính trị – xã hội”.

Việt Nam đã chấp thuận 14 khuyến nghị có liên quan nhằm tiến hành những bước chắc chắn để tạo một môi trường thân thiện cho các tổ chức phi chính phủ, bao gồm việc tạo điều kiện thuận lợi cho các yêu cầu đăng ký của họ[7]; tạo điều kiện cho sự phát triển một môi trường an toàn và thuận lợi cho tất cả các tác nhân XHDS để tự do hiệp hội và biểu đạt quan điểm của họ[8]. Để đảm bảo không gian cho XHDS đóng góp vào quá trình phát triển quốc gia, thúc đẩy và bảo vệ QCN, Nhà nước cũng đã chấp thuận nhiều khuyến nghị nhằm đảm bảo tự do biểu đạt, tự do hội họp, tự do biểu tình, tự do báo chí và tự do thông tin, tự do tôn giáo và thúc đẩy hòa hợp và khoan dung tôn giáo trong xã hội cũng như sửa đổi các quy định về các tội danh vi phạm an ninh quốc gia có thể làm hạn chế tự do biểu đạt, bao gồm trên internet, đặc biệt liên quan đến các một số các quy định của luật hình sự[9].

Việc Nhà nước chấp thuận các khuyến nghị về đảm bảo không gian cho XHDS hình thành và phát triển là một bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền và bảo vệ QCN. Việc đảm bảo các tự do cơ bản cùng với nghị trình xây dựng và thông qua các luật về tiếp cận thông tin, luật về hội, luật trưng cầu dân ý, luật biểu tình… sẽ đảm bảo không gian công cộng, tạo điều kiện cho các tổ chức XHDS phát triển đóng góp vào thúc đẩy giám sát và phản biện xã hội, thúc đẩy Nhà nước pháp quyền và kinh tế thị trường. Tuy nhiên, đó chỉ là điều kiện cần. Các luật được xây dựng và thông qua trên cơ sở đảm bảo các chuẩn mực nhân quyền quốc tế mà Việt Nam đã cam kết cũng như đảm bảo sự tham gia của người dân và XHDS sẽ là điều kiện đủ để chúng thực sự đi vào cuộc sống./.

TS. NGUYỄN LINH GIANG – Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
ThS. NGÔ THỊ THU HÀ – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ

[1]Bài viết là kết quả của Đề tài khoa học cấp Bộ: “Cơ chế bảo vệ QCN, cơ chế bảo hộ quyền cơ bản của công dân theo yêu cầu của Hiến pháp năm 2013” do Viện Nghiên cứu Lập pháp chủ trì.

[2] Sổ tay cho XHDS: Làm việc cùng Chương trình Nhân quyền LHQ (2008).

[3] Một chu kỳ báo cáo với UPR là 4,5 năm; còn với các Công ước quốc tế về QCN thường là 4 năm hoặc 5 năm.

[4] International Service for Human Rights, Simple Guide to the UN Treaty Bodies, 2010, p.36.

[5] Báo cáo thường niên của Cao ủy Nhân quyền LHQ về các khuyến nghị về việc mở ra và gìn giữ môi trường an toàn và hợp pháp cho XHDS, dựa vào các trường hợp tiêu biểu, các bài học được rút ra. Báo cáo tại kỳ họp thứ 32 của Hội đồng Nhân quyền LHQ, ngày 11/4/2016.

[6] Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH ngày 2/1/2014 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp 2013 trong đó một số bộ luật có liên quan đến thúc đẩy và bảo vệ QCN cũng như thúc đầy môi trường cho XHDS hình thành và phát triển như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Tiếp cận thông tin, Luật về Hội, Luật Trưng cầu ý dân, Luật Biểu tình.

[7] Khuyến nghị số 143.174 của Cộng hòa Séc được Việt Nam chấp thuận.

[8] Khuyến nghị số 143.167 của Tunisia.

[9] Các khuyến nghị số 143.139 của Chile, 143.140 của Singapore, 143.141 của UAE; 143.142 và 143.144 của Italy, 14.143 của Canada; 143.145 của Lithuania; 143.146 của Nhật Bản; 143.147 của Vương quốc Bỉ; 143.148 của Hà Lan; 143.149 của Luxembourg; 143.150 của Phần Lan; 143.153 của New Zealand; 143.154 của Ireland; 143.155 của Phần Lan; 143.156 và 143.175 của Australia; 143.157 của Canada; 143.158 của Brazil; 143.159 của Estonia; 143.161 của Áo; 143.162 và 143.163 của Nauy; 143.164 của Hungary; 143.165 của Ba Lan; 143.166 của Thụy Điển; 143.168 của Chile; 143.170 của Pakistan; 143.171 của Cộng hòa Liên bang Đức; 143.172 của Cộng hòa Pháp; 143.169 của Tây Ban Nha, 143.172 của Cộng hòa Pháp; 143.178 của Myanmar.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 17(321)-tháng 9/2016)

Nguồn:

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG