Ở quốc gia vốn rất hiếm khi xảy ra bạo lực súng đạn như Nhật Bản, việc cựu Thủ tướng Shinzo Abe bị bắn dẫn tới tử vong làm dấy lên những câu hỏi lớn về người xả súng và động cơ.
Shinzo Abe, người có tầm ảnh hưởng vượt xa một cựu thủ tướng, bị ám sát ở tuổi 67 hôm 8/7.
Dẫn nguồn tin từ quan chức đảng cầm quyền LDP, NHK đưa tin cựu Thủ tướng Abe đã tử vong tại bệnh viện ở tỉnh Nara. Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo của Nhật Bản – dù còn tại vị hay đã nghỉ hưu – bị ám sát kể từ thập niên 1930.
Chuyện gì đã xảy ra?
Ông Abe vừa bắt đầu bài phát biểu trong cuộc vận động tranh cử cho đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở thành phố Nara, phía tây Nhật Bản hôm 8/7 thì bị bắn từ phía sau, ở khoảng cách 3 m. Tay súng mặc áo thun màu xám, quần kaki và đeo khẩu trang.
Trong một video do nhân chứng quay lại tại hiện trường và được Asahi công bố, cựu thủ tướng không ngã gục sau phát súng đầu tiên. Có thể thấy khói bốc lên từ khẩu súng.
Tay súng là ai?
Nghi phạm ám sát được xác định là Tetsuya Yamagami, 41 tuổi, đã bị cảnh sát bắt giữ tại hiện trường. NHK đưa tin Yamagami từng là thành viên lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản trong giai đoạn 2002-2005.
Tay súng nói gì?
Lời khai của nghi phạm đang cho thấy nhiều điểm mâu thuẫn.
Đài NHK đưa tin cảnh sát cho biết sau khi bị bắt giữ, Yamagami khai rằng ông ta “thất vọng” với ông Abe và lên kế hoạch giết cựu thủ tướng. Tuy nhiên, nghi phạm lại khẳng định rằng không tấn công ông Abe vì niềm tin chính trị.
Nghi phạm cũng nói thêm ông ác cảm với một tổ chức cụ thể và tin rằng ông Abe nằm trong tổ chức này, theo cảnh sát Nara.
Trong khi đó, báo Mainichi đưa tin Yamagami khai với cảnh sát rằng mục tiêu ông ta nhắm tới không phải ông Abe. Nghi phạm khẳng định mục tiêu thực sự là thủ lĩnh một nhóm tôn giáo (tên cụ thể chưa được công bố). Tuy nhiên, quan chức thuộc nhóm tôn giáo mà nghi phạm nhắc tới không có mặt ở hiện trường ở thành phố Nara trong vụ ám sát ngày 8/7.
Ngoài ra, nghi phạm cũng cung cấp những lời khai vô nghĩa khác. Nhà chức trách đang điều tra để xác nhận nghi phạm có đủ năng lực hành vi để bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không.
Tay súng dùng vũ khí gì?
Cảnh sát Nhật Bản ngày 8/7 thông tin nghi phạm Yamagami khai rằng ông đã sử dụng một khẩu súng tự chế trong vụ ám sát cựu Thủ tướng Abe, AFP đưa tin.
Cảnh sát ở thành phố Nara nói với các phóng viên rằng khẩu súng rõ ràng là tự chế và họ đang tiếp tục phân tích.
Trước đó, các nhà chức trách đã thu được một khẩu súng hai nòng tự chế tại hiện trường. Một bức ảnh chụp cận cảnh vũ khí vụ ám sát trên nền đường cho thấy dấu hiệu khẩu súng được lắp ráp.
Nhật Bản vốn có chính sách kiểm soát súng rất chặt chẽ và là quốc gia có tỷ lệ sở hữu súng thấp nhất trong các nước thuộc nhóm G7.
Lần gần nhất một thủ tướng đương nhiệm hoặc cựu thủ tướng Nhật Bản bị bắn là cách đây 90 năm.
Cảnh sát đang làm gì?
Cảnh sát Nhật Bản ngày 8/7 khám xét nhà ở của nghi phạm ám sát cựu Thủ tướng Abe, đài truyền hình NHK cho hay.
Theo các đoạn phim được NHK công bố, cảnh sát mặc áo giáp, đội mũ phòng hộ và mang theo lá chắn bảo hộ xông vào một tòa nhà được cho là nơi ở của nghi phạm.
Cảnh sát đã phát hiện ra thứ mà họ tin là chất nổ khi khám xét nhà nghi phạm. BBC dẫn tin từ phương tiện truyền thông Nhật Bản cho biết cảnh sát cũng phát hiện ra một số thiết bị có thể gây nổ. Đài truyền hình Nhật Bản NHK đưa tin các kỹ thuật viên xử lý bom đang chuẩn bị thực hiện một vụ nổ có kiểm soát trong khuôn viên ngôi nhà.
Các bác sĩ nói gì?
Giáo sư chuyên ngành cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y dược Nara Hidetada Fukushima cho biết ông Abe có hai vết thương cách nhau 5 cm ở vùng cổ. Bên cạnh đó, một viên đạn đã đi trúng vào tim của ông. Tuy các bác sĩ đã truyền máu khẩn cấp cho ông Abe nhưng đã không thể cầm máu kịp thời cho các vết thương của ông.
Các bác sĩ cho biết tuy ông Shinzo Abe không còn dấu hiệu sự sống khi tới bệnh viện ngày 8/7, các nhân viên y tế vẫn tiến hành quy trình hồi sức cấp cứu.
“Ông Shinzo Abe được chuyển tới bệnh viện vào lúc 12h20. Khi tới nơi, ông Abe đã ở trong trạng thái ngừng tim phổi” giáo sư Fukushima thông tin trong cuộc họp báo tại bệnh viện ở Nara.
Vị bác sĩ nói thêm rằng ông Abe có hai vết thương nặng ở vùng ngực và bị chảy máu trong. Ông Abe sau đó được xác nhận đã qua đời vào lúc 17h03 (giờ địa phương).
Nước Nhật sẽ rất nhớ Shinzo Abe
Sự kiện này là cú sốc lớn đối với cả hệ thống. Trước đó cũng có một số trường hợp chính khách Nhật Bản bị bắn, nhưng hầu hết vụ việc này nói chung có dính dáng tới băng đảng bạo lực.
Vì thế, việc một công dân bình thường tấn công một chính trị gia nổi tiếng như thế sẽ để lại vết sẹo lớn trong tâm thức người dân Nhật Bản. Từ đó cho thấy Nhật Bản sẽ thấy thái độ cẩn trọng hơn trong công tác đảm bảo an ninh của những chính khách quan trọng xuất hiện trước công chúng.
Theo NHK, sự ra đi của cựu thủ tướng đã để lại di sản sâu đậm, nước Nhật trong tương lai sẽ khó có thể tìm thấy một nhân vật nào đó có sự lôi cuốn và tầm ảnh hưởng như ông Abe. Giai đoạn ông Abe làm thủ tướng đã đưa đến sự ổn định tương đối cho chính trị – kinh tế Nhật Bản, xứ sở mặt trời mọc cũng đã tham gia tích cực hơn trên quốc tế. “Nước Nhật chắc chắn sẽ rất nhớ Shinzo Abe!”, trang NHK viết.
Bảo Trâm (Theo NHK)
Theo: Cánh cò