Friday, November 22, 2024

Nước Nga và ý tưởng về một thế giới “đa cực”

Tại Diễn đàn Kinh tế St. Petersburg (SPIEF) mới đây, Tổng thống Putin đã nhận định về tình hình thế giới hiện nay rằng, kỷ nguyên của một thế giới đơn cực đã đến hồi chấm dứt. Mỹ và phương Tây đã ngủ quên trên đỉnh vinh quang mà quên đi rằng các trung tâm quyền lực mới đã dần xuất hiện và tiếp tục lớn mạnh trong hơn một thập niên trở lại đây. Tại sao ông Putin lại khẳng khái tuyên bố mạnh mẽ như vậy?
Nước Nga và ý tưởng về một thế giới “đa cực”
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St.Petersburg. Ảnh: Reuters
Có thể thấy rằng, ý tưởng về một thế giới đa cực đã được nước Nga hiện thực hóa mà trong đó Mỹ đã không còn đủ tầm ảnh hưởng và vị thế tuyệt đối được như trước đây. Cuộc chiến Ukraine là phép thử chứng minh cho các nước thấy điều đó có tồn tại. Một hệ quả không mấy dễ chịu đã đến với Mỹ sau hơn 100 ngày xung đột Nga Ukraine nổ ra, đó chính là sự bất lực của Washington trong việc trừng phạt Moscow đã được phơi bày trước quốc tế. Mỹ dường như quá yếu ớt trong việc ngăn cản Nga làm điều Nga muốn. Họ cũng không thể thuyết phục Trung Quốc ngừng giúp Nga né tránh các lệnh trừng phạt và càng không thể ngăn cấm Ấn Độ thôi mua dầu giá rẻ từ Nga. Kể cả ngay trong nội bộ khối NATO, một số ít thành viên như Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary cũng thể hiện quan điểm không đồng tình với những quyết định do Mỹ đề xuất. Liệu phải chăng đây mới là kết quả mà Điện Kremlin mong muốn khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine – chứng minh cho các nước thấy Mỹ không còn nắm giữ vai trò dẫn dắt toàn cầu? Dù không chắc là điều này ban đầu có nằm trong kế hoạch của tổng thống Nga Vladimir Putin hay không. Nhưng giờ đây, những nước đứng ngoài cuộc xung đột khi nhìn vào cục diện ở Ukraine sẽ từ đó mà thay đổi rất nhiều cách nhìn nhận của mình về vị thế thống trị bấy lâu nay của Hoa Kỳ. Nước tiên phong trước nhất là Trung Quốc, họ đã mạnh dạn hơn về vấn đề Đài Loan; như chúng ta đã thấy tại diễn đàn an ninh hàng đầu châu Á – đối thoại Shangri-La tổ chức hôm 11/6 vừa qua, các quan chức Bắc Kinh đã rất thẳng thắn công kích Mỹ vì các vấn đề Đài Loan và an ninh hàng hải tại biển đông. Mặc dù Trung Quốc là quốc gia thường xuyên gây mất an ninh khu vực này, nhưng khi họ cáo buộc Mỹ làm điều tương tự; các quan chức Washington chỉ có thể đôi co và đấu khẩu với những người đồng cấp. Trung Quốc hiểu rõ kể cả khi Mỹ có thắng về lý lẽ đi nữa, thì phía dưới khán đài, các nước nhỏ hơn sẽ có sự phân vân, bởi giờ đây họ sẽ phải cân nhắc xem nên đứng về bên nào; thay vì ủng hộ Mỹ một cách tuyệt đối như kể từ thời điểm sau chiến tranh lạnh đến nay. Nếu Moscow đã đốt lên một ngọn đuốc về một thế giới đa cực, thì Trung Quốc đang châm vào đó hàng trăm lít dầu; sức ảnh hưởng của Bắc Kinh đã làm ngọn lửa ấy lan rộng và đẩy nhiều nước ra khỏi tầm ảnh hưởng của Mỹ. Một khi các nước lớn và nhiều nước nhỏ khác không còn e ngại và hành động nhiều hơn theo ý của riêng mình; thì một mình Hoa Kỳ sẽ không thể nào giữ nổi trạng thái đơn cực được như trước đây. Nên từ những sự kiện quốc tế như trên, có thể hiểu được rằng vì sao mà tổng thống Nga Vladimir Putin rất tự tin khi khẳng định thế giới đơn cực của Mỹ đã thật sự chấm dứt. Ông cũng đã nhắc nhở những người cố chấp vẫn còn giữ niềm tin rằng mọi thứ rồi sẽ quay trở lại thời điểm trước xung đột tại Ukraine đều là sai lầm. “Thật sai lầm khi cho rằng chờ đợi giai đoạn hỗn loạn qua đi và mọi thứ sẽ quay lại bình thường như trước. Không thể nào!” – Tổng thống Nga nhấn mạnh và cho biết những chuyển biến mà thế giới đang trải qua là căn bản và không thể đảo ngược được. Các trung tâm quy tụ quyền lực mới đã xuất hiện, và nó sẽ không dễ gì bị đánh đổ; hơn nữa, rồi sẽ có một xu hướng mới được hình thành, các quốc gia rồi sẽ có xu hướng không xem Mỹ là đối tượng ưu tiên duy nhất nữa; giống như một sân chơi giờ đây đã có nhiều cá mập hơn, và các nước nhỏ hơn có thể cho mình một lựa chọn, Mỹ, Nga hoặc Trung Quốc hoặc thậm chí là khôn khéo chọn cách đứng ngoài. Thế giới đa cực lợi cho ai? Tới nay, việc một thế giới đa cực và phân hóa có thể giúp thế giới này tốt đẹp hơn không thì vẫn chưa thể khẳng định. Nhưng một điều chắc chắn là Nga và Trung Quốc là hai nước đứng ra tạo lập cuộc chơi, cho nên mọi lợi ích trước tiên đều sẽ là do họ hưởng. Đặc biệt là với Nga, trong tình hình mới này, Nga đã không còn bị Mỹ vây ép, cũng không còn bị Mỹ đe dọa về an ninh như những gì đã xảy ra ở Ukraine. Cho nên Mỹ càng không thể nào ngăn cản Moscow mở rộng vây cánh của mình trên trường quốc tế. Đó là lý do vì sao mà Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF) năm 2022 có chủ đề là “Cơ hội mới trong thế giới mới”. Trong những năm trước, các phiên họp của SPIEF tập trung vào các chủ đề định hướng đầu tư như tư nhân hóa và phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO); nhưng năm nay, chủ đề chính thức của SPIEF là “Cơ hội mới trong thế giới mới”. Chủ đề của các phiên họp là nhằm tìm ra những cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế Nga, cải thiện quan hệ thương mại với các cường quốc trong khối BRICS (bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi). Phiên họp còn sẽ có sự tham gia của các nước đồng minh của Nga như Cuba, Venezuela. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập cũng tham gia. Các nước thân thiện và ủng hộ Nga đang dần lộ diện, họ ngày càng gắn kết và mạnh dạn hợp tác với Nga hơn. Năm nay đã như thế, thì năm sau và những năm tiếp theo sẽ như thế nào? Dường như khi Nga giải quyết xong vấn đề an ninh, thì xây dựng vây cánh sẽ là chính sách được ưu tiên hàng đầu sắp tới đây. Nước Nga đang trên đà lấy lại vị thế của mình, nên mọi chuyện xảy ra ở Ukraine chỉ mới là bắt đầu; liệu mục tiêu của họ có phải là giành lấy vai trò dẫn dắt như đã từng có dưới thời Liên Bang Xô Viết hay không? Liệu Nga sẽ trở thành một cường quốc đơn thuần về kinh tế và quân sự hay sẽ là một cường quốc về cách mạng tư tưởng như Liên Xô. Chúng ta vẫn phải chờ câu trả lời từ Tổng Thống Nga Vladimir Putin. Huy Hoàng
Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG