Ngày 17/6, Ngoại trưởng Australia, bà Penny Wong, đã đến thăm quần đảo Solomon. Đây là chuyến đi lần thứ 3 tới Thái Bình Dương của bà sau ba tuần tuyên thệ nhậm chức kể từ tháng trước.
Chia sẻ với truyền thông, bà Wong cho biết: “Trong lần gặp này, Australia cam kết làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác với Quần đảo Solomon, cùng nhau đối mặt với những thách thức chung và cùng đạt được các mục tiêu chung bao gồm cả các vấn đề về biến đổi khí hậu”. Australia mong muốn thảo luận về những biện pháp lâu dài để hai bên có thể đạt được những tiến bộ trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19, phát triển kinh tế và các chính sách ưu tiên cho sự dịch chuyển lao động, cũng như giải quyết các lợi ích an ninh chung trong khu vực”.
Vậy câu hỏi được đặt ra là: Điều gì đang xảy ra với Đảng cầm quyền Australia kể từ khi dự thảo an ninh giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon bị rò rỉ?
Theo nhà nghiên cứu Euan Graham thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (trụ sở tại Singapore), Trung Quốc trong khoảng 5 năm trở lại đây đã thuê hoặc mua lại nhiều cơ sở cảng biển và kế hoạch mở rộng đến Nam Thái Bình Dương. Đây là một phần trong chiến lược lâu dài của Bắc Kinh khi họ tìm cách trở thành cường quốc thống trị khu vực. Do đó, bất chấp lập luận cứng rắn của lãnh đạo Solomon cùng quan chức Trung Quốc, diễn biến mới khiến một số quốc gia trong khu vực cảnh giác trước khả năng Bắc Kinh đang đặt những viên gạch đầu tiên cho căn cứ sau này.
Xét về mặt địa lý, Quần đảo Solomon cách Australia chỉ khoảng 2.000 km và sự hiện diện của Trung Quốc tại đây không chỉ đặt ra mối đe dọa tiềm tàng đối với Australia mà còn mở ra cơ hội để Bắc Kinh can thiệp vào các hoạt động của Australia nếu xảy ra xung đột trên eo biển Ðài Loan hoặc ở Biển Ðông và biển Hoa Ðông. Ngoài mục tiêu cạnh tranh quân sự, “thành tích” trên còn giúp Trung Quốc vượt qua liên minh Australia – Mỹ trong cuộc tranh giành ảnh hưởng ở Nam Thái Bình Dương. Vị trí địa lý trọng yếu từng biến quốc đảo trở thành chiến trường đẫm máu trong Thế chiến thứ II giờ đây lại khiến Quần đảo Solomon trở thành nơi tranh giành quyền lực lớn nhất trên thế giới.
Quần đảo Solomon cách Australia chỉ khoảng 2.000 km và sự hiện diện của Trung Quốc tại đây không chỉ đặt ra mối đe dọa tiềm tàng đối với Australia. (Ảnh: CNA)
Có thể thấy, Quần đảo Solomon và Australia từ lâu đã liên kết với nhau. Kể từ Thế chiến thứ II, Australia là nhà tài trợ và đối tác phát triển lớn nhất, đồng thời cũng là đối tác an ninh duy nhất của quần đảo cho đến nay. Trong gần hai thập kỷ qua, Australia được coi là bên bảo trợ an ninh chính cho Quần đảo Solomon. Nước này dẫn dắt Phái bộ Hỗ trợ Đa quốc gia cho Quần đảo Solomon (RAMSI) khôi phục ổn định sau những xung đột phe phái ở quốc đảo trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, quan hệ giữa Quần đảo Solomon và Australia thay đổi kể từ khi Thủ tướng Sogavare đắc cử nhiệm kỳ thứ tư vào năm 2019. Vài tháng sau đó, ông quyết định cắt quan hệ ngoại giao lâu đời giữa Quần đảo Solomon và đảo Đài Loan để thiết lập quan hệ với Trung Quốc.
Australia đưa quân đội đến hỗ trợ Solomon để đảm bảo an ninh.
Vào tháng 3/2022, khi Australia chưa hết choáng váng với việc Trung Quốc ký thỏa thuận an ninh với Quần đảo Solomon thì nước này ngay lập tức phải đối mặt với nhiều mối lo ngại trước khả năng Trung Quốc có thể thiết lập căn cứ quân sự tại nơi cách Australia chưa đầy 2.000 km. Thủ tướng Australia – ông Scott Morrison khẳng định căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Solomon là “lằn ranh đỏ” của Australia. Ông đã bị Đảng đối lập chỉ trích vì không ngăn được Trung Quốc ký thỏa thuận ở một khu vực mà theo truyền thống, Australia có ảnh hưởng rất lớn.
Các nhà phân tích nói rằng Chính phủ Australia đã bị chấn động và có khả năng bị bất ngờ bởi động thái trên. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này không phải là chưa từng được cảnh báo. Năm năm trước, xuất phát từ việc chính quyền Solomon thời điểm đó đã tăng các khoản vay và nhận đầu tư của Trung Quốc, Australia đã cảm nhận được rằng Trung Quốc đang lấn sang “sân sau” của mình. Điều đó đã thúc đẩy Australia đẩy lui nỗ lực của Trung Quốc, bằng chính sách “Tăng tốc” – điều chỉnh sự tập trung của mình vào “gia đình Thái Bình Dương” và đẩy mạnh viện trợ.
Trung Quốc đã ký hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon.
Từ đây, các nhà phân tích nhận định rằng, việc Trung Quốc nâng vị thế lên thành đối tác an ninh với Quần đảo Solomon, ngang bằng với Australia, cho thấy rõ ràng chính sách can thiệp của Australia đã thất bại như thế nào. Dù chưa rõ tác động của hiệp ước này đối với Australia sẽ ra sao, nhưng tình hình hiện tại cũng là một lời cảnh tỉnh cho Australia về cách họ kết nối với khu vực.
Tiến sĩ Mark Harrison, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Tasmania (Australia) cho rằng thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Quần đảo Solomon là “thảm họa” đối với Australia: “Australia đã đánh giá sai hoàn toàn tác động từ sự trỗi dậy của Trung Quốc vào đầu những năm 2010, việc xem xét chính sách ngoại giao thì lại diễn ra quá chậm chạp và phiến diện”.
Và cuối cùng, phát biểu với đài ABC, chính Ngoại trưởng Penny Wong cũng phải ngậm ngùi thừa nhận rằng, việc Trung Quốc và Quần đảo Solomon ký kết thỏa thuận hợp tác an ninh là “thất bại tồi tệ nhất trong chính sách đối ngoại của Australia ở Thái Bình Dương kể từ Thế chiến thứ II”, và “những rủi ro mà Australia phải đối mặt đã trở nên lớn hơn rất nhiều”.
Trước đó, bà Wong đã có các chuyến thăm đến Fiji, cũng như Samoa và Tonga. Việc Ngoại trưởng Australia liên tiếp có 3 chuyến thăm tới các nước Thái Bình Dương là biểu hiện về sự thay đổi trong cách tiếp cận cũng như thiện chí của chính quyền Canberra đối với việc việc làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước trong khu vực.
Không khó để thấy rằng thúc đẩy quan hệ với khu vực Thái Bình Dương đang là yêu cầu cấp thiết nhất của Australia vào thời điểm này. Điều này có thể nhận thấy rất rõ thông qua việc ngay trong bài phát biểu đầu tiên ngay sau khi nhậm chức Thủ tướng thứ 31 của Australia, ông Anthony Albanese đã đề cập những vấn đề mà Australia sẽ thúc đẩy hợp tác với khu vực trong thời gian tới. Tiếp sau đó, trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng Australia, bà Penny Wong cũng dành riêng để gửi đến các quốc đảo Thái Bình Dương.
Thủ tướng Samoa Fiame Naomi Mata’afa (trái) họp báo chung với Ngoại trưởng Australia Penny Wong (phải). Nguồn: SMH
Hiện tại, ưu tiên đầu tiên của Australia trong quan hệ với khu vực đó là thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, vấn đề luôn được các quốc gia Thái Bình Dương cho là đang rất nghiêm trọng và ảnh hưởng không chỉ đến sinh kế mà cả sự tồn tại của các nước này. Thủ tướng Albanese cho biết Australia sẽ đóng vai trò dẫn dắt khu vực trong vấn đề này.
Lĩnh vực thứ hai đó tăng nguồn vốn viện trợ phát triển cho khu vực. Trong chiến dịch vận động tranh cử, Công đảng cam kết sẽ tăng viện trợ cho khu vực Thái Bình Dương thêm hơn 500 triệu AUD và hôm qua (26/5), trong tuyên bố đưa ra khi đang ở thăm Fiji, Ngoại trưởng Penny Wong cũng khẳng định trong những năm tới Australia sẽ tiếp tục đóng vai trò là nhà tài trợ quan trọng cho khu vực. Thứ ba đó là quốc phòng và hàng hải. Thứ tư là thúc đẩy việc đưa người lao động Thái Bình Dương đến Australia làm việc và đẩy mạnh hợp tác trong nhiều vấn đề khác như phục hồi sau đại dịch hay giao lưu nhân dân.
Thông điệp mà Australia muốn gửi đến khu vực thông qua các động thái này chính là việc khẳng định Australia là quốc gia trong khu vực, cùng là thành viên gia đình Thái Bình Dương, vì vậy việc hợp tác giữa Australia với các nước này chỉ khiến mọi thứ tốt đẹp hơn chứ không tạo ra sự xáo trộn trong khu vực vì tương lai của Australia và khu vực gắn liền với nhau.
Lan Hoa (Theo CNA, SMH)