Trang SCMP đưa tin, mặc dù Thượng Hải đã được gỡ bỏ phong tỏa, nhưng cuộc sống của cư dân thành phố vẫn không hề dễ dàng. Đặc biệt là khi họ cần tuân theo nhiều quy tắc phòng dịch chặt chẽ, trong đó ác mộng phải kể đến chính là việc liên tục xét nghiệm.
Theo lời kể của Helena Shu – Giám đốc điều hành ByteDance, cô đã rất vui mừng khi được gặp lại bạn bè. Sau hai tháng phong tỏa và chính quyền kiểm soát được số ca nhiễm, người dân lại được tự do ra khỏi nhà.
Tuy nhiên, niềm hứng thú ấy nhanh chóng bị dập tắt khi cô phải xếp hàng 30 phút để xét nghiệm Covid-19. Kể từ khi Thượng Hải mở cửa trở lại vào cuối tháng trước, người dân phải xuất trình kết quả xét nghiệm Covid-19 được thực hiện trong vòng 72 giờ để vào các địa điểm hoặc đi phương tiện giao thông công cộng.
Shu cho biết cô thậm chí còn phải xét nghiệm để đi lấy hàng ở gần nhà. “Các đợt xét nghiệm Covid-19 vô tận không phải để kiểm tra tình trạng sức khỏe của tôi mà là ‘tấm vé’ để tôi được ra ngoài đường. Điều này thật nực cười”, Helena Shu nói thêm.
Hình ảnh người dân Trung Quốc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19
Phong tỏa có thể đã kết thúc, nhưng “bình thường mới” đồng nghĩa với việc người dân phải tuân thủ hệ thống xét nghiệm và quét mã phức tạp. Và mọi thứ không chỉ diễn ra ở mỗi Thượng Hải mà còn cả ở nhiều nơi khác trên khắp Trung Quốc, theo SCMP.
Trang SCMP cho biết, bản đồ trực tuyến hiển thị hàng chục nghìn gian xét nghiệm trên khắp Trung Quốc. Giới chức tìm cách đảm bảo rằng ở tất cả thành phố lớn, người dân ở bất cứ vị trí nào cũng có thể bắt gặp một gian xét nghiệm chỉ với 15 phút đi bộ.
Đầu tháng 4, chỉ riêng tại Thượng Hải đã có hơn 500 gian xét nghiệm. Tuy nhiên, với yêu cầu kiểm tra chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính liên tục, cảnh tượng người dân xếp hàng dài tại các gian này là điều không khó bắt gặp.
Lấy mẫu Covid-19 tại khu dân cư Thượng Hải
Người dân Trung Quốc cho biết họ luôn cảm thấy lo lắng khi kết quả xét nghiệm sắp hết hạn vì mọi người cần bỏ rất nhiều thời gian để xếp hàng.
Mặc dù kết quả xét nghiệm có giá trị trong 72 giờ, nhưng Shu Chan, một người dân Thượng Hải cho biết, cô bắt đầu bồn chồn sau khoảng 48 giờ và cảm thấy muốn xét nghiệm mỗi khi đi ngang qua khu vực có gian xét nghiệm “để đề phòng”. Cô so sánh cảm giác này giống như muốn đảm bảo thực phẩm không quá hạn sử dụng.
Shu nói rằng cô phải lên kế hoạch và xét nghiệm trước ít nhất 12 giờ nếu muốn ra ngoài, bởi sẽ mất thời gian để kết quả hiện trên ứng dụng mã sức khỏe. Cô cũng cần phải quét mã trong một ứng dụng khác để lên tàu điện ngầm, và các mã khác nhau để vào trung tâm mua sắm, rồi tới siêu thị bên trong trung tâm mua sắm.
Không chỉ ở Thượng Hải, mà hầu hết các thành phố trên khắp Trung Quốc đều đang chịu cảnh ác mộng tương tự. Tuy vậy, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ nới lỏng quy định xét nghiệm.
Người dân ngán ngẩm khi phải xếp hàng dài để lấy mẫu xét nghiệm
Đầu năm nay, tỉnh Hà Nam cho biết họ có kế hoạch đào tạo hơn 50.000 nhân viên lấy mẫu xét nghiệm. Ở mỗi thành phố phía đông như Hàng Châu, Ninh Ba và Ôn Châu có hơn 10.000 nhân viên.
Các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Hàng Châu đều cần nhân viên lấy mẫu và nhân viên giám định. Tại đây có dán nhiều biển quảng cáo tuyển dụng với mức lương hàng tháng từ 5.000 NDT (748 USD) đến 15.000 NDT.
Ở Chaoyang, thuộc tỉnh Liêu Ninh, nơi ghi nhận một trường hợp dương tính trong vài tháng qua, tất cả người dân phải xét nghiệm mỗi 15 ngày. Nhưng họ cũng phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính được thực hiện trong vòng 48 giờ để vào địa điểm công cộng, và phải tự trả tiền cho các xét nghiệm này.
Việc lấy mẫu xét nghiệm khiến người dân Trung Quốc cảm giác như sống trong “ác mộng”
“Chỉ để ra ngoài mua một ít hành lá, tôi phải trả 20 NDT để xét nghiệm Covid-19″, sinh viên Zhang Ru nói. Zhang nói rằng để tránh tốn thêm chi phí, cô cố gắng ở nhà và sắp xếp các cuộc hẹn trong 48 giờ sau những lần xét nghiệm bắt buộc miễn phí.
Cư dân Thượng Hải cũng sẽ phải tự trả tiền xét nghiệm Covid-19 từ ngày 1/7. Một số người trẻ cho biết họ sẵn sàng làm vậy.
“Tôi không quan tâm liệu mình có cần trả tiền hay không”, nhiếp ảnh gia Roman Zhang nói. “Tôi không quan tâm tôi có mắc Covid-19 hay không. Tôi chỉ quan tâm đến việc liệu tôi có thể có một cuộc sống bình thường ở đây hay không”.
Bảo Trâm (Theo SCMP)