Mới đây, trang mạng Việt Tân đã mượn lời một nhân vật tưởng tượng nào đó để bày tỏ sự “bức xúc” về việc Việt Nam bỏ phiếu chống nghị quyết đình chỉ Nga ra khỏi Hội đồng nhân quyền của Liên Hợp Quốc.
Cuộc chiến Nga – Ukraine hiện tại đang kéo mọi quốc gia trên thế giới vào vòng xoáy của những chiêu bài mà phe này chống phá phe kia. Nhiều quốc gia không liên quan đến cuộc chiến, lại có quan hệ tốt đẹp với cả Nga và Ukraine như Việt Nam cũng bị bắt buộc phải tham gia các hoạt động bỏ phiếu vì mục tiêu triệt hạ chính trị giữa các cường quốc. Với sức ép căng thẳng hàng ngày như vậy, phải nói lãnh đạo Việt Nam đã phải hết sức kiên định, khéo léo, chọn đúng chính nghĩa là lẽ phải của thời đại và lợi ích dân tộc để đưa ra những quyết định đúng đắn. Thủ tướng Anh Churchill từng nói đại ý với mỗi quốc gia thì “không có bạn bè vĩnh viễn cũng không có kẻ thù vĩnh viễn mà chỉ có lợi ích dân tộc là vĩnh viễn”. Đây là một nhà lãnh đạo nổi tiếng ở phương Tây và thực tế nhiều nước phương Tây cũng “ứng dụng” triệt để quan điểm này.
Khi đứng trước lựa chọn phải trừng phạt, “cắt đứt” với nước Nga, nội bộ các nước phương Tây trở nên chia rẽ vì lợi ích của chính họ. Hungary tuyên bố không trừng phạt Nga, không cho vận chuyển vũ khí vào Ukraine vì lý do họ cần khí đốt Nga. Serbia thì tuyên bố không bao giờ trừng phạt Nga vì Nga từng ủng hộ họ khi bị NATO ném bom. Nước Đức vẫn mua dầu và khí đốt của Nga đều đều từ đầu cuộc chiến, bất chấp bị các nước như Ba Lan chỉ trích. Pháp thì tuyên bố duy trì đối thoại với Nga để mong trở thành một bên “kiến tạo hòa bình”, bất chấp bị Ba Lan chỉ trích. Những ví dụ này cho thấy ngay cả khi có lý do rõ rệt để “chống Nga” thì các nước phương Tây cũng đều phải đặt lợi ích của mình lên trên hết, thứ mà họ quen gọi bằng thuật ngữ “lằn ranh đỏ”.
Việt Nam luôn kiên định con đường của mình là một người bạn đáng tin cậy của mọi quốc gia trên thế giới bằng chính sách ngoại giao đa phương hóa. Khi là người bạn đáng tin cậy thì phải lắng nghe bạn trong mọi hoàn cảnh. Quan điểm, lập trường của Việt Nam về tình hình xung đột ở Ukraine là hết sức khách quan và rất rõ ràng. Đó là kêu gọi Nga và Ukraine chấm dứt hành động sử dụng vũ lực, nối lại đối thoại và tìm kiếm giải pháp lâu dài cho các bất đồng, tính đến lợi ích của các bên. Chính vì vậy, Việt Nam đã bỏ phiếu trắng về nghị quyết của Liên Hợp Quốc chống Nga để “bảo đảm lợi ích của các bên” trong đó có Nga. Và mới đây nhất Việt Nam bỏ phiếu chống cho nghị quyết đòi loại Nga ra khỏi Hội đồng nhân quyền bởi Nghị quyết này được xây dựng từ những thông tin chưa được “kiểm chứng khách quan, minh bạch, với sự hợp tác của các bên liên quan”.
Nhưng những quyết định bỏ phiếu này luôn bị Việt Tân và một số đối tượng ra sức rêu rao, chống phá, chửi rủa. Thế nhưng nếu có ai hỏi những đối tượng này lý do vì sao họ muốn bỏ phiếu khác thì chắc hẳn họ cũng chỉ biết nói như con vẹt: là vì Mỹ và phương Tây bỏ phiếu như thế, “cả thế giới” bỏ phiếu như thế. Trên thực tế thì toàn thế giới có vài chục quốc gia bỏ phiếu giống Việt Nam và nhiều chục quốc gia khác bỏ phiếu trắng, ý là không muốn tham gia. Việt Tân còn giả vờ “bức xúc” bằng luận điệu: “chính quyền bỏ phiếu trái ý 98 triệu dân Việt Nam”. Nhưng thực tế thì Việt Tân là một tổ chức khủng bố, luôn tìm cách đánh bom, chống phá Việt Nam thì cớ gì dám coi mình là một trong gần 100 triệu người dân Việt Nam.
Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Bản lĩnh Việt Nam luôn kiên cường và kiên định trong mọi hoàn cảnh. Trong lịch sử, chúng ta từng đối mặt và đánh bại hàng triệu quân giặc xâm lược để giữ gìn hòa bình của đất nước. Và ngày nay, chúng ta cũng đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có của thời đại, trong thời điểm mà giữ vững được bản lĩnh và những quyết định của mình luôn là một việc khó khăn, nhưng chúng ta đã và đang làm được. Đó là bản lĩnh của một đất nước hùng cường, có vị thế và chiếm được lòng tin của bạn bè trên thế giới. Đó cũng là lý do mà những kẻ chống phá, cơ hội và thù ghét Việt Nam như Việt Tân cùng các đối tượng khác luôn phải cảm thấy “bức xúc”, “khó chịu”.
An Diễm
Theo: Hội Cờ đỏ