Saturday, November 23, 2024

G7 không chấp nhận thanh toán bằng đồng rúp, Nga nói khí đốt không phải miễn phí

Ngày 28-3, Điện Kremlin ‘nói thẳng’ với phương Tây ‘không trả tiền thì không có khí đốt’ sau khi nhóm G7 bác yêu cầu của Nga phải thanh toán bằng đồng rúp. Sự bất đồng này có nguy cơ gây gián đoạn nguồn cung năng lượng toàn cầu.

Một trạm khí tự nhiên hóa lỏng ở Panigaglia, Ý – Ảnh: NYT

Nhóm G7 tuyên bố việc thanh toán khí đốt nhập từ Nga bằng đồng rúp là “không thể chấp nhận”. Nhưng thực tế cho thấy để giải quyết vấn đề năng lượng, châu Âu không thể chỉ dùng những tuyên bố như vậy.

Xét về vai trò của Nga trong hệ thống năng lượng toàn cầu, cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng về năng lượng.

Lãnh đạo Cơ quan Năng lượng quốc tế FATIH BIROL cảnh báo

Không có gì là miễn phí

“Tất cả bộ trưởng năng lượng G7 nhất trí đây là sự vi phạm đơn phương và rõ ràng các thỏa thuận hiện tại… Chúng tôi kêu gọi tất cả công ty liên quan không tuân theo đòi hỏi của (Tổng thống Nga) Vladimir Putin”, Bộ trưởng Kinh tế Đức, nước đang giữ chức chủ tịch G7, Robert Habeck, nói ngày 28-3.

Trước đó, Pháp cũng nói sẽ không thực hiện yêu cầu của Nga.

Tuần trước, Moscow yêu cầu các nước “không thân thiện” phải trả tiền khí đốt cho Nga bằng đồng rúp nhằm đáp lại các trừng phạt của Mỹ và đồng minh đang khiến kinh tế và đồng rúp của Nga bị ảnh hưởng nặng nề.

Ngân hàng trung ương, chính phủ và Công ty Gazprom – nhà cung cấp đến 40% khí đốt nhập khẩu của châu Âu – sẽ trình các đề xuất về cơ chế chi trả mới lên ông Putin trước ngày 31-3.

“Chúng tôi không cung cấp khí đốt miễn phí”, người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin nói. Trả lời Đài PBS ngày 28-3 khi được hỏi liệu Nga có cắt nguồn khí đốt với những nước không trả tiền không, ông Peskov đáp “không trả tiền thì không có khí đốt”, dù vẫn nói thêm là chưa “chốt” việc này.

Gazprom cũng xác nhận dòng khí đốt vẫn đang chảy từ Nga sang châu Âu thông qua Ukraine. “Trong hoàn cảnh bây giờ, rất khó để chúng tôi làm từ thiện cho châu Âu”, ông Dmitry Peskov nói.

Phát biểu ngày 28-3, ông Habeck vẫn nói cứng khi cho rằng đòi hỏi của Nga cho thấy “ông Putin đã bị dồn đến chân tường”.

Đức cũng như các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang gấp rút giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga, đặt mục tiêu đầy tham vọng: giảm 2/3 và tiến tới ngừng hoàn toàn nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga vào năm 2027. Nhưng mọi việc không đơn giản như vậy.

Nguồn: Axios – Đồ họa: TẤN ĐẠT

Tiến thoái lưỡng nan

Trong năm 2021, Nga xuất sang EU khoảng 155 tỉ m3 khí đốt. Cuối tuần trước, Mỹ tuyên bố sẽ tìm cách “bơm” khoảng 15 tỉ m3 LNG cho EU trong năm nay và tăng lên 50 tỉ m3/năm vào năm 2030.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng châu Âu sẽ khó tìm được nguồn năng lượng thay thế trong ngắn hạn. Ngày 28-3, những lo ngại về nguồn cung từ Nga đã đẩy giá khí đốt bán sỉ ở Anh và Hà Lan tăng thêm 20%, theo Reuters.

Trước đó, tuyên bố của Nga về việc chi trả bằng đồng rúp đã khiến giá khí đốt ở châu Âu vọt lên hơn 30% trong ngày, trong lúc đang phải vật lộn với giá dầu tăng.

Việc thay đổi không đơn giản chỉ là tìm nguồn cung khác, châu Âu còn phải đầu tư hạ tầng, hạn chế tiêu thụ năng lượng nội địa…

Báo New York Times dẫn ý kiến của các chuyên gia năng lượng cho biết để xây dựng các trạm vận chuyển LNG giữa hai bờ Đại Tây Dương phải mất từ 2 – 5 năm. Nếu không có khí đốt từ Nga, châu Âu sẽ phải tích trữ một lượng LNG kỷ lục ngay từ mùa hè năm nay để vượt qua mùa đông năm sau.

Tương tự, việc bù đắp bằng dầu cũng buộc phải đầu tư vào hạ tầng và có thể ảnh hưởng đến mục tiêu cắt giảm khí thải của châu Âu.

“Nếu EU hấp tấp quyết định ngừng nhập khí đốt của Nga, nó có thể làm suy yếu đáng kể các nền kinh tế châu Âu ở thời điểm mà sức mạnh kinh tế là mấu chốt không chỉ để đối phó với Nga mà còn để tham gia sự cạnh tranh có hệ thống với Trung Quốc”, các chuyên gia của Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR) nhận định trong bài viết ngày 24-3 về tình thế tiến thoái lưỡng nan của châu Âu hiện nay.

Không thể thay thế nguồn cung Nga

Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), một thành viên chủ chốt của OPEC+, nhấn mạnh không nước nào có thể thay thế nguồn cung dầu từ Nga, nước hiện sản xuất khoảng 10 triệu thùng/ngày và là nhà xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới.

“Gạt chính trị sang một bên, chúng ta cần lượng dầu đó (từ Nga)… trừ khi có ai sẵn sàng cung cấp một lượng dầu như vậy, nhưng chúng tôi không thấy ai có thể thay thế Nga”, Đài RT dẫn lời Bộ trưởng năng lượng Suhail al-Mazrouei của UAE nói ngày 28-3.

Để so sánh, theo kế hoạch mà Cơ quan Năng lượng quốc tế đề xuất tuần trước nhằm giảm nhu cầu dầu của thế giới xuống 2,7 triệu thùng/ngày trong vòng bốn tháng, các nước sẽ phải thực hiện các biện pháp như giảm tốc độ tối đa trên đường cao tốc, cấm sử dụng xe hơi vào chủ nhật, cho làm việc từ xa 3 ngày/tuần, khuyến khích đi tàu cao tốc thay máy bay…

Khai Tâm

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG