Trong bối cảnh xung đột Ukraine leo thang, Trung Quốc đang phải rất nỗ lực để đi dây thăng bằng giữa Nga và phương Tây.
Trung Quốc đang phải bảo đảm quan hệ với cả 2 phía
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir hình thành mối quan hệ mà họ gọi là “không giới hạn”. Tuy nhiên, khi cuộc chiến tranh ở Ukraine ngày càng phức tạp thì áp lực lên ông Tập cũng ngày càng gia tăng.
Kể từ khi Nga phát động cuộc tấn công quân sự nhằm vào Ukraine, Trung Quốc đã công khai bày tỏ thái độ trung lập và tránh bày tỏ sự lên án hoặc ủng hộ quá mức. Bắc Kinh đã gửi viện trợ nhân đạo cho Ukraine trong khi thể hiện đồng cảm với các quan ngại an ninh của Nga. Giới chức Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại về một cuộc chiến đã tàn phá nhiều thành phố và đẩy hơn 2 triệu người dân đi tị nạn. Đồng thời, họ quy trách nhiệm cho Mỹ và NATO về việc gây leo thang căng thẳng.
Mục đích của Trung Quốc là duy trì quan hệ sâu sắc với Nga mà không khiến phương Tây xa cách với Trung Quốc. Điều này thì thực sự không đơn giản chút nào. Chiến tranh càng kéo dài thì rủi ro tác động kinh tế và chính trị từ xung đột đó càng lớn.
Trong các năm gần đây, Trung Quốc đã nỗ lực tận dụng quan hệ căng thẳng giữa Tổng thống Mỹ Trump với châu Âu và khối quân sự NATO, bằng cách vun đắp mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Đức, Pháp, và Anh. Đây cũng là một chỉ dấu cho thấy nhà lãnh đạo Tập Cận Bình coi Mỹ như một thế lực toàn cầu đang suy yếu vào thời kỳ châu Á trỗi dậy. Bắc Kinh cũng tăng cường thương mại và đầu tư với Ukraine. Đương kim Tổng thống Ukraine Zelensky từng ca ngợi Trung Quốc đóng vai trò cầu nối sang châu Âu.
Mặc dù Trung Quốc đã xác định quan hệ của mình với Nga là đối tác chiến lược, trên thực tế, Trung Quốc hiện đang có thực lực lớn hơn Nga về nhiều phương diện (nhất là kinh tế), đồng thời đang hiện diện mạnh mẽ ở Trung Á – điều này ít nhiều tạo cho Nga sự bất an.
Lãnh đạo Nga và Trung Quốc đã gặp gỡ vào đầu tháng 2/2022 và mô tả mối quan hệ giữa 2 nước là toàn diện và mang tính chất hai bên cùng có lợi.
Áp lực thường trực lên Trung Quốc
Mới đây giới chức và truyền thông Mỹ cho rằng phía Nga đang muốn Trung Quốc viện trợ cho họ về mặt quân sự và kinh tế trong bối cảnh Nga dồn sức cho “chiến dịch đặc biệt” ở Ukraine và gặp phải các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây. Thông tin này đã bị cả Nga lẫn Trung Quốc bác bỏ.
Tuy nhiên, nếu Trung Quốc lựa chọn ủng hộ về vật chất cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraine, họ có khả năng sẽ phải đối mặt với nhiều hậu quả. Chẳng hạn, Trung Quốc phản đối các lệnh trừng phạt đối với Nga, trong khi Trung Quốc nhấn mạnh nhiều đến chủ quyền quốc gia…
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm 14/3 đã gặp nhà ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Rome (Italy) để thảo luận chiến tranh ở Ukraine, tình hình Triều Tiên, và vấn đề Đài Loan.
Một quan chức Mỹ tiết lộ, trong cuộc gặp đó, phía Mỹ đã nêu trực diện các mối quan ngại của họ về việc Trung Quốc ủng hộ Nga lần này.
Mingjiang Li – một phó giáo sư tại Đại học Công nghệ Nam Dương ở Singapore chuyên về chính sách đối ngoại của Trung Quốc cho rằng Trung Quốc sẽ phải “rất thận trọng để không rơi vào thế hứng chịu các đòn trừng phạt thứ cấp nếu họ mạo hiểm hỗ trợ Nga”.
Xét tới các lợi ích đa dạng của Bắc Kinh, Ukraine đã bày tỏ hy vọng Trung Quốc sẽ đóng vai trò bên kiến tạo hòa bình, sau khi vài vòng đàm phán giữa các quan chức Ukraine và Nga đã không đạt được một lệnh ngừng bắn. Mới đây, hai bên đã phải bước vào vòng đàm phán thứ 4.
Theo Li, một giải pháp nhanh chóng cho xung đột ở Ukraine có thể giảm áp lực địa chính trị lên Trung Quốc.
Nền kinh tế Trung Quốc cũng đứng trước rủi ro hứng chịu các đợt sốc lạm phát thời chiến, khi giá năng lượng, nông sản, và các vật liệu thô vốn đã tăng mạnh. Những khó khăn xuất hiện vào thời điểm đặc biệt nhạy cảm, khi Trung Quốc chuẩn bị bước vào giai đoạn công tác nhân sự chiến lược cho 5 năm tới.
Nếu Trung Quốc đi quá sát Nga vào lúc này, họ sẽ khiến châu Âu và Mỹ xa cách hơn, từ đó gây các tác động tiêu cực lên đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc vào tháng 3/2022, giới chức Trung Quốc đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% trong năm nay – mục tiêu thấp nhất trong hơn 3 thập kỷ. Tuy nhiên, đây vẫn là một con số đầy tham vọng và cho thấy chính phủ Trung Quốc quyết tâm sử dụng chính sách tiền tệ để củng cố kinh tế.
Mặc dù vậy, Li đánh giá “ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc vẫn là không gây tổn hại đáng kể cho Nga, dù rằng điều này xung khắc nhất định với các mục tiêu khác của Trung Quốc”.
Trung Hiếu
Theo: Cánh cò