Friday, November 22, 2024

Thủ tướng dự lễ khánh thành công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam

Chiều ngày 5/3, tại huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1, dự án của ý Đảng, lòng dân, của trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam, có hiệu quả trực tiếp cho vùng hưởng lợi hơn 384 nghìn ha thuộc địa bàn 5 tỉnh.

Khánh thành dự án của ý Đảng, lòng dân, của trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam - Ảnh 1.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Công trình thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé thể hiện sự thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, từ tư duy chống đỡ sang tư duy chủ động. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng dự lễ khánh thành có: Nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình; Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành; Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải; Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng; Bí Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang; Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong.

Được khởi công tháng 10/2019 với tổng mức đầu tư 3.309,5 tỷ đồng, dự án được xây dựng tại huyện An Biên và Châu Thành (tỉnh Kiên Giang), thực hiện theo Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững  Đồng bằng sông Cửu Long và quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

Thuỷ lợi Cái Lớn-Cái Bé mở lối phát triển nông nghiệp phía tây

Đây là dự án lớn, kỹ thuật đặc biệt phức tạp, vùng hưởng lợi và tác động rộng lớn. Trước đây, các công trình thuỷ lợi dùng để điều tiết nguồn nước thường chỉ ngăn nước mặn, giữ nước ngọt nhưng với dự án thuỷ lợi này, việc điều tiết mặn ngọt sẽ được làm linh động để phù hợp cho sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Nhiệm vụ của hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1 được xác định là kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn – lợ, ngọt – lợ luân phiên) cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên 384.120 ha (gồm các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng), trong đó đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản là 346.241 ha.

Khánh thành dự án của ý Đảng, lòng dân, của trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam - Ảnh 2.
Công trình Cái Lớn – Cái Bé trải qua 16 năm nghiên cứu, chuẩn bị, xây dựng mới hoàn thành, có hiệu quả trực tiếp cho vùng hưởng lợi hơn 384 nghìn ha đất nông nghiệp vùng ĐBSCL. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hệ thống này kết hợp tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng, chống thiên tai, giảm ngập úng khi mặt đất hạ thấp (do lún sụt đất); giảm thiệt hại do thiên tai (hạn, mặn) vào mùa khô cho các mô hình sản xuất trong vùng; góp phần cấp nước ngọt trong mùa mưa cho vùng sản xuất mặn, ngọt huyện An Minh, An Biên (tỉnh Kiên Giang) với những năm mưa ít và tiêu thoát cho vùng hưởng lợi của dự án trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Công trình cũng kết hợp phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong khu vực.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quá trình chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị kỹ thuật đã thực hiện rất kỹ lưỡng, đảm bảo chặt chẽ, khoa học, tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng. Điều đặc biệt có ý nghĩa là toàn bộ công tác từ thiết kế, thi công, quản lý đều do người Việt Nam thực hiện.

Khánh thành dự án của ý Đảng, lòng dân, của trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam - Ảnh 4.
Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ qua các thời kỳ rất quan tâm, có quyết tâm lớn đối với việc phát triển khu vực ĐBSCL và đạt một số kết quả. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng, xúc động thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ khánh thành công trình thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé.

Thủ tướng đánh giá đây là công trình của ý Đảng, lòng dân, công trình của trí tuệ, bản lĩnh người Việt Nam, khẳng định tinh thần phấn đấu vươn lên trong khó khăn vì mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Đồng thời, thể hiện sự thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, từ tư duy chống đỡ sang tư duy chủ động.

Thủ tướng nhấn mạnh những đặc thù của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, truyền thống lịch sử văn hóa, rất anh hùng trong chiến tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, chiếm 12% diện tích tự nhiên của cả nước và gần 20 triệu người dân.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, ĐBSCL đã đạt nhiều thành tựu phát triển, hiện là trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây, lúa gạo lớn nhất cả nước (đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước)…

Khánh thành dự án của ý Đảng, lòng dân, của trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam - Ảnh 5.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghi thức khánh thành công trình thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, khu vực này cũng có rất nhiều thách thức. Đây là khu vực chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu trên cả nước. Tiềm năng phát triển lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp, đầu tư còn có mức độ.

Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ qua các thời kỳ rất quan tâm, có quyết tâm lớn đối với việc phát triển khu vực ĐBSCL và đạt một số kết quả. Tuy nhiên, sắp tới, việc phát triển ĐBSCL phải có bước đột phá hơn nữa với tầm nhìn dài hạn theo tinh thần chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển nhanh nhưng bền vững, tạo sinh kế ổn định, cuộc sống ấm no cho người dân. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL – quy hoạch vùng đầu tiên trên cả nước được phê duyệt theo Luật Quy hoạch.

Tinh thần chung của Chính phủ về phát triển ĐBSCL phải tháo gỡ bằng được các nút thắt về hạ tầng giao thông (nhất là hệ thống cao tốc), y tế, giáo dục, thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi số và chuyển đổi năng lượng.

Cùng với đó, phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ĐBSCL với tinh thần coi con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và động lực phát triển. Kết nối các tỉnh, địa phương vùng ĐBSCL để sản xuất lớn, đẩy mạnh chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để cụ thể hóa chủ trương của Đảng; đầu tư nguồn lực và tận dụng tối đa sức mạnh của người dân, của các địa phương trong vùng, tranh thủ trí tuệ của các nhà khoa học, chuyên môn, quản lý… để phát triển ĐBSCL.

Nhắc tới kinh nghiệm của cha ông về kỹ thuật canh tác nông nghiệp “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, Thủ tướng nhấn mạnh, công trình Cái Lớn – Cái Bé trải qua 16 năm nghiên cứu, chuẩn bị, xây dựng mới hoàn thành. Thủ tướng biểu dương nỗ lực, quyết tâm rất cao của các cơ quan, địa phương, sự ủng hộ, phân tích, đánh giá của các nhà khoa học, sự vào cuộc của nhân dân (hơn 400 hộ phải di dời nhường mặt bằng cho dự án), sự quyết tâm của các nhà thầu, đơn vị tư vấn, những người trực tiếp làm việc trên công trường trong điều kiện dịch bệnh hơn 2 năm qua.

Sắp tới, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tiến hành các thủ tục thanh quyết toán đúng quy định, minh bạch, chống tiêu cực; tiếp tục đầu tư xây dựng những hạng mục còn thiếu, chưa đồng bộ; xây dựng cơ sở dữ liệu và quy trình vận hành phù hợp, khoa học để khai thác, vận hành hiệu quả công trình; nghiên cứu triển khai dự án giai đoạn 2.

Thủ tướng lưu ý cần tiếp tục phát triển sinh kế, tạo việc làm cho người dân trong khu vực; chăm lo an sinh xã hội cho người dân đã nhường mặt bằng cho dự án, bảo đảm đời sống người dân tại nơi ở mới ít nhất phải bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ và năm sau cao hơn năm trước.

Thủ tướng cũng lưu ý khai thác hiệu quả những thay đổi về cảnh quan do công trình mang lại, cùng những lợi thế về tự nhiên, văn hóa lịch sử… để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong vùng.

Thủ tướng tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước, sự vào cuộc của người dân và doanh nghiệp, chúng ta sẽ thực hiện được mục tiêu phát triển ĐBSCL nhanh và bền vững, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu.

Thủ tướng đề nghị các tỉnh, địa phương trong vùng tập trung nghiên cứu, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và chung tay chung sức, tăng cường liên kết phát triển theo hướng sản xuất lớn, quy hoạch, phát triển bài bản các vùng nguyên liệu, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất lao động, giải quyết bài toán sau thu hoạch nông sản để hàng hóa của vùng đi sâu, đi nhiều hơn vào các thị trường khó tính, nâng cao giá trị sản phẩm…. Tinh thần là chuyển đổi tư duy phát triển, không chỉ giải quyết vấn đề trước mắt mà còn tính tới tương lai lâu dài, làm từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp…

Khánh thành dự án của ý Đảng, lòng dân, của trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam - Ảnh 7.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thực hiện dự án. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Dự án vẫn hoàn thành vượt tiến độ và tiết kiệm chi phí đầu tư.

Để hệ thống thủy lợi phát huy tối đa hiệu quả, phục vụ đa mục tiêu, trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tiếp tục nghiên cứu đầu tư giai đoạn 2, mở rộng vùng hưởng lợi của dự án, hoàn thiện quy trình vận hành hệ thống. Đồng thời, xây dựng mô hình tổ chức quản lý các công trình thủy lợi liên tỉnh trong vùng ĐBSCL đảm bảo thống nhất, an toàn. Song song đó, các giải pháp phi công trình, nâng cao năng lực cộng đồng, cải thiện sinh kế cho người dân cũng sẽ được quan tâm thực hiện đồng bộ.

Đây cũng sẽ là công trình truyền cảm hứng, sự tự tin cho đội ngũ những nhà khoa học, doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục xây dựng những dự án hệ thuỷ lợi hiện đại, đa chức năng, đa giá trị, phục vụ Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thực hiện dự án.

Khánh thành dự án của ý Đảng, lòng dân, của trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam - Ảnh 8.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng nhớ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

* Tiếp đó, Thủ tướng và đoàn công tác đã tới dâng hương tưởng nhớ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại đền thờ ở thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Trong sổ lưu niệm, Thủ tướng viết: Nguyễn Trung Trực, người Anh hùng dân tộc với ý chí đấu tranh anh dũng và sự hy sinh bất khuất là tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm, là niềm cảm phục và tự hào của người dân Việt Nam.

Tưởng nhớ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung trực, chúng ta nguyện chung sức, đồng lòng cùng nhau bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Khánh thành dự án của ý Đảng, lòng dân, của trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam - Ảnh 9.
Thủ tướng và đoàn công tác nghe giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hà Văn

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG