Cuộc điện đàm kéo dài trong khoảng 10 phút, do phía Mỹ chủ động.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin “đã cùng bàn chuyện hợp tác giải quyết tình hình nguy hiểm ở Triều Tiên”, trong cuộc điện đàm ngày 14-12, Politico dẫn thông báo từ Nhà Trắng. Hai lãnh đạo nói chuyện trong khoảng 10 phút. Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster không tham gia cuộc điện đàm này.
Trong khi đó, Tass dẫn thông cáo của Điện Kremlin, rằng “Theo ý của Mỹ, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm. Các vấn đề quan trọng của quan hệ song phương, cũng như tình hình ở các điểm nóng căng thẳng toàn cầu đã được bàn, với trọng tâm là bàn cách giải quyết vấn đề hạt nhân bán đảo Triều Tiên”. Hai bên thống nhất sẽ duy trì liên lạc, Điện Kremlin cho biết.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị APEC ở Đà Nẵng ngày 11-11
Nhà Trắng cũng cho biết trong cuộc điện đàm ông Trump đã cám ơn ông Putin vì đã “thừa nhận sự tiến triển tốt của kinh tế Mỹ trong cuộc họp báo thường niên của mình” trước đó cùng ngày. Trong cuộc họp báo, về Triều Tiên, ông Putin kêu gọi các bên chấm dứt các hành động làm leo thang căng thẳng và Nga không công nhận Triều Tiên là quốc gia hạt nhân. Ông Putin không đề cập đến cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ và đã gọi ông Trump bằng tên Donald.
Cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng bán đảo Triều Tiên đang ở mức cao nguy hiểm, vì các chương trình vũ khí hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên và cả vì các cuộc tập trận quân sự của Mỹ cùng các đồng minh.
Trong năm nay Triều Tiên đã một lần thử hạt nhân cùng hàng loạt lần thử tên lửa, trong đó có ba lần thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Mới nhất, ngày 29-11 Triều Tiên thử tên lửa ICBM thế hệ mới nhất Hwasong-15 rơi sát lãnh thổ Nhật. Đáng chú ý, theo các chuyên gia, tên lửa này có tầm bắn tiêu chuẩn 13.000 km, có thể bắn tới đất Mỹ. Trước đó vào tháng 8 và tháng 9 Triều Tiên cũng đã hai lần bắn tên lửa bay ngang lãnh thổ Nhật.
Ngược lại, Mỹ và các đồng minh Hàn Quốc, Nhật cũng thường xuyên tập trận chung. Đầu tháng 12, Mỹ và Hàn Quốc thực hiện cuộc tập trận không quân lớn nhất từ trước tới nay với hàng trăm máy bay chiến đấu. Mới đây, ba nước Mỹ-Nhật-Hàn cũng đã cùng tập trận chung truy tìm tiêu diệt tên lửa.
Theo Politico, cuộc điện đàm này cho thấy ông Trump vẫn xem ông Putin là một đồng minh tiềm năng, đặc biệt trong đối phó với Triều Tiên, vẫn có ý định sẽ tiếp tục hợp tác với ông Putin, bất kể cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016.
Vài ngày trước Ngoại trưởng Mỹ Rex Tilleson nói sẵn sàng đàm phán trực tiếp vô điều kiện và bất cứ lúc nào với Triều Tiên. Tuy nhiên Nhà Trắng nói lời ông Tillerson không phải là chính sách của Mỹ, giờ chưa phải là lúc thích hợp cho đàm phán, rằng muốn đàm phán Triều Tiên phải thay đổi thái độ.