MỹNhiều người cố tình nhiễm Omicron để có kháng thể từ vaccine và virus song chuyên gia khuyến cáo đây là hành vi nguy hiểm do nCov “rất khó lường”.
Giống với nhiều người New York, Domenica D’Ottavio đã mắc Covid-19 trong lễ Giáng sinh. Đầu cô đau nhức, toàn thân tê mỏi. Cô cũng bị ho và sốt cao. Tuy nhiên D’Ottavio cảm thấy tinh thần nhẹ nhõm. “Bạn không nhận ra nó cho đến khi đã khỏi bệnh và không còn sợ hãi quá nhiều”, cô nói.
D’Ottavio đã tiêm chủng đầy đủ, vẫn thận trọng đeo khẩu trang và xét nghiệm trước khi về thăm mẹ. Song cô cũng hào hứng lên kế hoạch cho chuyến du lịch “hậu Covid” đến Florida vào dịp sinh nhật của em gái, đến các quán bar mà không e ngại. Cô thậm chí uống chung cốc với một người bạn vừa khỏi Covid-19.
“Tất cả chúng tôi đều nghĩ mình như những siêu anh hùng, có thể làm bất cứ điều gì”, cô kể lại.
Theo cơ sở dữ liệu của New York Times, Mỹ hiện ghi nhận gần 800.000 ca mắc mới mỗi ngày, phần lớn do biến chủng Omicron đang lây lan nhanh. Số ca nhiễm thực tế có thể cao hơn vì rất nhiều bệnh nhân không báo cáo. Dù nhiều F0 đang hồi phục, Omicron vẫn gây ra rủi ro cho người chưa tiêm chủng, tạo áp lực lớn lên bệnh viện và nhân viên y tế.
Tuy nhiên, ở người đã được tiêm hai hoặc ba liều vaccine, nhiễm Omicron là trải nghiệm nhẹ nhàng hơn. Họ cho rằng mình được tiêm thêm mũi “vaccine tự nhiên”, thúc đẩy hệ miễn dịch trong thời gian ngắn. Các nhà khoa học gọi đây là “miễn dịch lai” – sự kết hợp của kháng thể từ vaccine và cả nhiễm virus đột phá.
Số lượt tìm kiếm cụm từ “siêu miễn dịch” trên Google tại Mỹ đã tăng 550% trong ba tháng qua, riêng “miễn dịch lai” tăng 230%.
Bác sĩ và chuyên gia đồng ý hiện tượng này tạo thêm một lớp bảo vệ chống virus. Song họ khuyến cáo người dân thận trọng, lưu ý rằng độ bền kháng thể thay đổi tùy vào thể trạng từng người và có thể suy yếu theo thời gian.
“Đây là loại miễn dịch hiệu quả nhất. Nhưng tôi không cho rằng nó có thể ngăn chặn hoàn toàn virus trong bất kể tình huống nào”, Shane Crotty, nhà virus học tại Viện Miễn dịch La Jolla, cho biết.
Các chuyên gia cũng cảnh báo người dân không nên cố tình lây nhiễm nCoV để đạt được miễn dịch lai. Tiến sĩ Celine Gounder, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Bệnh viện Bellevue, nhận định: “Tôi thực sự lo lắng khi mọi người cố ý mắc bệnh để có ‘trạng thái bình thường mới’ này. Virus khó đoán định, ngay cả người trẻ tuổi cũng có thể bị bệnh nặng. Họ sẽ phải nhập viện nếu có điều bất ổn xảy ra”.
Ngoài ra, nhiễm nCoV đột phá vẫn có thể để lại di chứng, còn gọi là Covid-19 kéo dài.
Tiến sĩ Peter Chin-Hong, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học California, San Francisco, cho biết lây nhiễm nCoV đột phá có thể đóng vai trò như liều vaccine thứ 4. Miễn dịch lai cũng xảy ra với người mắc Covid-19 trước khi tiêm chủng.
Lần đầu một người tiêm vaccine hay nhiễm virus, cơ thể mất một khoảng thời gian để phản ứng lại. Tuy nhiên hệ miễn dịch có trí nhớ dài hạn. Nó đáp ứng nhanh hơn, tạo nhiều kháng thể hơn vào lần tiêm hoặc nhiễm virus tiếp theo.
Nghiên cứu gần đây cho thấy nhân viên y tế tiêm chủng nhiễm nCoV đột phá có lượng kháng thể cao hơn đáng kể so với nhóm đối chứng, không mắc bệnh tự nhiên. Phát hiện này cho thấy cơ chế phòng vệ của cơ thể với virus mạnh hơn sau đợt nhiễm nCoV đột phá, theo Fikadu Tafesse, nhà miễn dịch học tại Đại học Y tế Khoa học Oregon.
Song mức độ hiệu quả của kháng thể sau nhiễm nCoV đột phá ở từng người rất khác nhau. Người già, bệnh nhân suy giảm miễn dịch hoặc mắc bệnh nền sẽ tạo ra ít kháng thể hơn. Hiện chưa rõ mức độ nghiêm trọng của nhiễm nCoV đột phá có tỷ lệ thuận với lượng kháng thể hay không. Theo tiến sĩ Akiko Iwasak, chuyên gia miễn dịch Đại học Yale, bệnh nhân triệu chứng nghiêm trọng có thể tiếp xúc với lượng virus lớn hơn, từ đó kích hoạt nhiều kháng thể hơn. F0 không triệu chứng có phản ứng miễn dịch yếu, dễ tái nhiễm.
“Hơi sớm để trở lại cuộc sống như năm 2019, trước đại dịch. Điều này khá hên xui vì bạn không biết mình đã tạo ra bao nhiêu kháng thể”, tiến sĩ Iwasaki nói.
Theo tiến sĩ Adam Ratner, giám đốc bộ phận bệnh truyền nhiễm nhi khoa tại Bệnh viện Nhi Hassenfeld, trong một khoảng thời gian nhất định, người hồi phục sau nhiễm nCoV đột phá “gần như an toàn với virus”.
Tuy nhiên các chuyên gia chưa rõ miễn dịch từ đợt mắc bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng sẽ kéo dài bao lâu. Họ cảnh báo người bệnh vẫn có thể nhiễm các biến chủng mới trong tương lai. Jennifer Gommerman, chuyên gia miễn dịch tại Đại học Toronto, cho biết nhiều người từng tiêm chủng, nhiễm đột phá Delta vẫn tái nhiễm Omicron.
Thục Linh (Theo NY Times)
Theo: Cánh cò