Friday, November 22, 2024

Tin xấu liên tục ập tới Tổng thống Biden

Tin xấu liên tiếp ập tới Tổng thống Biden vào tuần qua: Lạm phát cao nhất trong 4 thập niên, Tòa án Tối cao Mỹ chặn chính sách chống dịch quan trọng và rào cản bỏ phiếu ở quốc hội.

Một tuần khó khăn đối với ông Joe Biden đã chỉ rõ giới hạn đối với quyền lực của tổng thống Mỹ, khi ông cảm thấy mình không còn nhiều quyền lực để kiểm soát đại dịch, ngăn chặn lạm phát hoặc giành chiến thắng tại Thượng viện với tỷ lệ 50/50.

Điều này khiến công chúng chú ý tới các quyết định chiến lược quan trọng của tổng thống. Ngay từ đầu, ông Biden đã theo đuổi dự luật viện trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD dù một số nhà kinh tế học đã cảnh báo sẽ thúc đẩy lạm phát. Ông quyết tâm đưa ra chính sách bắt buộc tiêm vaccine vốn có nhiều nghi vấn về mặt pháp lý và nổ ra một cuộc tranh cãi chính trị.

Ông cũng đề nghị thay đổi quy tắc bỏ phiếu tại Thượng viện, trong đó ông cần thuyết phục các thành viên đảng Dân chủ ôn hòa đảo ngược lập trường.

Wall Street Journal nhận định tổng thống đang gặp bất lợi khi tìm cách triển khai quyền lực và khả năng thuyết phục của mình ngay trong một căn phòng ông đã cống hiến trong suốt 36 năm.

“Thời kỳ khủng hoảng”

Ngay trước khi đoàn xe của Tổng thống Biden đến Điện Capitol vào hôm 13/1 để trò chuyện với các thành viên đảng Dân chủ, Thượng nghị sĩ Kyrsten Sinema đã lên tiếng phản đối thay đổi các quy tắc bỏ phiếu ở Thượng viện mà nhà lãnh đạo Mỹ đang kêu gọi.

Và sau khi lắng nghe ông Biden phát biểu trong bữa trưa, Thượng nghị sĩ Joe Manchin đã nhấn mạnh lại điều ông nói trong nhiều tháng: “Tôi sẽ không ủng hộ việc làm loại bỏ hay làm suy yếu ‘Filibuster’”.

Tại Thượng viện Mỹ, “Filibuster” là quy định việc thông qua dự luật phải nhận được đa số áp đảo 60/100 phiếu, thay vì đa số quá bán 51/100 phiếu. Quy định này là nhằm khuyến khích đạt được các thỏa thuận lưỡng đảng.

Các thành viên đảng Cộng hòa, một số người từ đảng Dân chủ và cử tri những ngày qua đã chỉ trích ông Biden đang chơi những quân bài mà ông không chắc chắn. Điều này thể hiện rõ qua xếp hạng tỷ lệ chấp thuận của ông – giảm từ 53% kể từ khi nhậm chức xuống mức thấp 42%, theo số liệu tổng hợp các cuộc thăm dò dư luận của FiveThirtyEight.

Chính sách chống dịch quan trọng của ông Biden không được Tòa án Tối cao tán thành. Ảnh: Bloomberg.

Ví dụ, sau vài tháng đầu phân phối thành công khiến độ bao phủ vaccine trên toàn nước Mỹ đạt trên 60%, hiện tỷ lệ tiêm chủng đang chững lại. Với việc ban hành quy định bắt buộc tiêm vaccine – một biện pháp được nhiều chuyên gia y tế công cộng và hầu hết thành viên đảng Dân chủ ủng hộ, ông lại khơi mào một cuộc tranh cãi chính trị.

Nhiều nhà tuyển dụng chưa hiểu rõ về quy định, trong khi nhiều người lại cảm thấy xúc phạm vì “nó vi phạm quyền tự do cá nhân”. Cuối cùng, quy định này vấp phải thất bại về mặt pháp lý khi Tòa án Tối cao Mỹ không tán thành.

Báo cáo mới nhất công bố vào cuối tuần trước cho thấy nền kinh tế đã tạo ra 199.000 việc làm vào tháng 12/2021, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,9%.

Tuy nhiên, vài ngày sau, tin tức lạc quan này đã bị lu mờ bởi giá tiêu dùng chạm mức cao nhất vào tháng 12/2021 kể từ năm 1982. Điều này đã củng cố lập luận của những người phản đối việc ông Biden bơm 1.900 tỷ USD hỗ trợ cho nền kinh tế đang phục hồi vào mùa xuân năm 2021.

“Ông ấy có bài phát biểu ca ngợi về chiến thắng, sau đó vài ngày chúng ta lại ghi nhận con số lạm phát tồi tệ nhất”, Stephen Moore – người từng là cố vấn kinh tế cho cựu Tổng thống Donald Trump – cho biết. “Tôi nghĩ đây là thời điểm khủng hoảng cho nhiệm kỳ tổng thống của ông ấy”.

Sau khi dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD được thông qua thành công, ông Biden lại không thể nhận được sự ủng hộ với hai chương trình nghị sự khác: Dự luật “Xây dựng lại tốt hơn” trị giá khoảng 2.000 tỷ USD và những thay đổi trong luật bỏ phiếu mà đảng Dân chủ cho là cần thiết để đối đầu đảng Cộng hòa. Hàng tháng trời đàm phán lặp đi lặp lại vẫn không hề lay chuyển ý kiến của ông Manchin hay bà Sinema.

Rất ít đồng nghiệp của ông Biden tại Thượng viện đổ lỗi cho ông vì sự đình trệ này. Nhưng họ không ngần ngại thể hiện đòn giáng mạnh vào tinh thần của đảng Dân chủ vốn đã rệu rã vì những tiến triển chậm chạp.

“Chúng tôi phải dừng lại vì ông Machin và bà Sinema cản trở”, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders nói. “Tôi rất lo sợ rằng nhiều thành viên đảng Dân chủ đang trở nên mất tinh thần”.

Cần thể hiện sự quyết tâm

Tổng thống Biden đã tìm cách thu hút các thành viên trong đảng bằng một bài phát biểu mạnh mẽ vào đầu tuần này trước kỳ nghỉ liên bang.

Trong bài phát biểu tại thành phố mang tính biểu tượng Atlanta, bang Georgia, quê hương của Martin Luther King – người tranh đấu vì các quyền công dân của người Mỹ – tổng thống nói về sự ủng hộ của ông đối với quyền bỏ phiếu, và thay đổi “Filibuster” chính là cách để đạt được điều này.

Ông cho rằng những người phản đối sự thay đổi theo chủ nghĩa tách biệt.

Điều này là chưa đủ để thuyết phục bà Sinema hay ông Manchin. Tuy nhiên, đối với một số người, mong muốn thay đổi của ông Biden lại trái ngược với lời hứa khi tranh cử của tổng thống khi ông cam kết sẽ thống nhất nước Mỹ sau nhiệm kỳ đầy hỗn loạn của ông Trump.

Bài phát biểu nhận những lời chỉ trích của Lãnh đạo Phe thiểu số Thượng viện Mỹ Mitch McConnell. Ông than thở bài phát biểu này “không phù hợp với cách ứng xử của một tổng thống” và có thể đánh chìm ngay cả những hy vọng mong manh nhất về sự hợp tác từ phía đảng Cộng hòa trong một số vấn đề.

Một đồng minh của ông Biden, Thượng nghị sĩ Dick Durbin, nói rằng tổng thống có thể đã “đi quá xa trong cách truyền đạt”.

Tổng thống Biden phát biểu tại Atlanta đầu tuần này. Ảnh: Reuters.

Vào đêm trước kỷ niệm một năm nhậm chức – 19/1 – ông Biden sẽ tổ chức một cuộc họp báo tại Nhà Trắng. Đây là cách mà nhiều tổng thống đã sử dụng thông qua truyền hình để những người ủng hộ và phản đối cảm thấy mối quan tâm của họ đã được lắng nghe và sẵn sàng thay đổi lập trường. Hiện chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy tổng thống sẽ thực hiện bất cứ biện pháp quyết liệt nào.

Xuất hiện sau cuộc gặp với các thượng nghị sĩ hôm 13/1, ông Biden nói với các phóng viên rằng ông sẽ tiếp tục đấu tranh để thay đổi luật bỏ phiếu miễn là “tôi còn thở, chừng nào tôi còn ở lại Nhà Trắng”.

Trong khi đó, các quan chức Nhà Trắng báo hiệu ông Biden có thể theo đuổi một phiên bản rút gọn của đề xuất “Xây dựng trở lại tốt hơn” trong thời gian tới để thu hút hai Thượng nghị sĩ Sens Sinema và Manchin. Tuy nhiên, triển vọng thành công cho trường hợp này cũng vẫn mong manh.

Đối với ông Sanders, sự cố gắng bây giờ chính là vấn đề.

“Tôi nghĩ họ có thể hiểu tại sao chúng tôi lại không thể hoàn thành một việc gì đó”, ông nói về các cử tri bỏ phiếu cho đảng Dân chủ. “Nhưng tôi không nghĩ họ sẽ hiểu hoặc thông cảm cho việc chúng tôi không đứng lên đấu tranh và chống lại đảng Cộng hòa”.

Quan chức Nhà Trắng cho biết tổng thống vẫn quyết tâm giành được sự ủng hộ cho các kế hoạch của ông. Đây là luận điểm mà ông Biden đưa ra sau khi kết thúc tuần với sự kiện quảng bá dự luật cơ sở hạ tầng mới, bao gồm kế hoạch chi 27 tỷ USD trong 5 năm để sửa chữa các cây cầu.

“Có rất nhiều lời bàn tán và thất vọng về những điều chúng tôi chưa hoàn thành”, người này nói. “Tôi muốn nói thêm rằng chúng tôi sẽ hoàn thành nhiều đầu việc trong số này”.

Khai Tâm

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG