Trang SCMP đăng tải thông tin, Abdul Rahim – người đàn ông ở tỉnh Nam Sulawesi – đã đăng tải một video lên mạng xã hội, trong đó anh ta cho biết đã tiêm 14 mũi vaccine Sinovac do Trung Quốc sản xuất, thay cho những người do dự về việc tiêm ngừa nhưng muốn có giấy chứng nhận tiêm chủng.
Trước khi nhận tiêm hộ, Abdul Rahim đã tiêm 2 mũi, tức là anh ta nhận tổng cộng 16 liều vaccine. Abdul Rahim kể rằng anh ta được trả từ 7 đến 56 USD cho mỗi mũi tiêm.
Theo South China Morning Post, cảnh sát địa phương và Bộ Y tế Indonesia đang điều tra lời Abdul Rahim nói trong video và sẽ quyết định xem có buộc tội Abdul Rahim hay không.
Theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, bất kỳ ai “cản trở việc thực hiện kiểm soát đại dịch” có thể bị phạt tù đến một năm và có thể bị phạt tiền. Ba người trong số Abdul Rahim nhận tiêm hộ nói với cảnh sát rằng họ lo lắng về tác dụng phụ.
Video của Abdul Rahim nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội Indonesia nhưng có nhiều người không cho đó là chuyện gây sốc. Dicky Budiman, nhà dịch tễ học tại Trường Đại học Griffith – Úc, cho biết: “Đó không phải là điều ngạc nhiên, vì tâm lý do dự và kháng cự tiêm vaccine vẫn tồn tại ở Indonesia. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến tốc độ của chương trình tiêm phòng COVID-19 chậm lại”.
Ông Budiman cho rằng các quan chức y tế quản lý vaccine ở Indonesia cần kiểm tra gắt hơn trong xác minh danh tính cũng như khiếu nại nếu thấy bất thường.
Người dân Indonesia phải cung cấp bản sao giấy tờ tùy thân có ảnh để được tiêm phòng. Thế nhưng, các phòng khám ở một số khu vực dường như không tuân thủ, chẳng hạn như trường hợp của Rahim và Donald kể trên.
Bảo Trâm (Theo SCMP)
Theo: Cánh cò