Lợi dụng những ràng buộc của giáo lý, giáo luật, thời gian qua, các thế lực chống đối liên tục tiến hành các hoạt động chống phá Việt Nam.
“Đạo Cao Đài ở Việt Nam: nhiều thách thức, ít triển vọng”, “Báo cáo hàng năm của USCIRF cho thấy, cố tình lấn chiếm thánh thất, đất đai, tài sản của họ, buộc họ tham gia, phục tùng nhóm Cao Đài do Nhà nước ủng hộ nếu không muốn bị trừng phạt”, “USCIRF phải tiếp tục áp lực Việt Nam tôn trọng tự do tôn giáo và các quyền con người căn bản”… Đó là những thông tin sai trái liên quan đến hoạt động của đạo Cao Đài tại Việt Nam đang được các “nhà bình loạn” đưa ra.
Đạo Cao Đài tên gọi đầy đủ là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ độ, ra đời năm 1926 tại ấp Long Trung, xã Long Thành, huyện Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh. Đạo Cao Đài do một số công chức, tư sản, địa chủ, trí thức sáng lập và phát triển chủ yếu ở các tỉnh, thành phố Nam Bộ. Từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã công nhận tổ chức tôn giáo đối với 10 Hội thánh Cao Đài, 21 tổ chức Cao Đài hoạt động độc lập và cấp đăng ký hoạt động tôn giáo đối với 01 pháp môn Cao Đài. Theo thống kê sơ bộ, Đạo Cao Đài hiện nay có hơn 13 ngàn chức sắc, 26 ngàn chức việc, hơn 1,24 triệu tín đồ chính thức, khoảng 2,6 triệu tín đồ (cả chính thức và không chính thức), hơn 1300 cơ sở tôn giáo. Những số liệu trên là minh chứng rõ nhất cho thấy Đạo Cao Đài luôn được tôn trọng và bảo đảm quyền phát triển.
Trong những năm qua, các đối tượng xấu luôn tìm mọi cách để tấn công, phá hoại khối đoàn kết tôn giáo. Hoạt động chống phá diễn ra trên nhiều phương diện, khía cạnh khác nhau. Các đối tượng xấu công kích phá hoại mối quan hệ giữa người theo tôn giáo và người không theo tôn giáo, giữa các tôn giáo với nhau và ngay cả trong cùng một tôn giáo. Đồng thời, những kẻ này ra sức công kích, xuyên tạc đánh lận bản chất, mục đích, ý nghĩa của hoạt động quản lý nhà nước về tôn giáo. Đích đến của những kẻ này là vu khống Việt Nam không có tự do tôn giáo, từ đó tạo cớ cho các thế lực bên ngoài can thiệp, tác động vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Cần khẳng định rõ, luận điệu cho rằng Đạo Cao Đài tại Việt Nam “nhiều thách thức, ít triển vọng” là hoàn toàn sai trái. Và dĩ nhiên, thông tin “nhà chức trách Việt Nam hợp lực với nhóm Cao Đài do Nhà nước ủng hộ để quấy rối, sách nhiễu các tín hữu Cao Đài chơn truyền” cũng chỉ là chiêu trò được các đối tượng xấu đưa ra để tạo cớ tấn công chính quyền.
Cũng như các quan hệ xã hội khác, việc hoạt động của các tôn giáo phải tuân thủ đúng quy định pháp luật của quốc gia sở tại. Không thể có tôn giáo nằm ngoài pháp luật, vượt trên pháp luật. Đây là vấn đề được pháp luật quốc tế thừa nhận. Trong tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 đã quy định những nội dung về tự do tôn giáo, trong đó có yêu cầu: “Khi hưởng thụ các quyền và tự do của mình, mọi người chỉ phải tuân thủ những hạn chế do luật định, nhằm mục đích bảo đảm sự công nhận và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác, cũng như nhằm đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”. Trong Công ước về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 cũng ghi nhận: “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”. Tại Việt Nam, tổ chức tôn giáo phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi hoạt động. Đây là tiền đề để bảo vệ các quyền tự do tôn giáo, chặn đứng các hoạt động lợi dụng tôn giáo vào mục đích xấu. Vậy hà cớ gì các “nhà dân chủ” cứ cố cổ suý, “khóc mướn” cho cái gọi là “tổ chức tôn giáo nằm ngoài nhà nước”?
Nói thẳng, các đối tượng xấu đang tích cực sử dụng “tấm áo” tôn giáo để ru ngủ, mê hoặc người dân. Không khó để nhận thấy, những kẻ này đang ra sức truyền bá các tôn giáo “lạ”; Hình thành các tổ chức, hội nhóm tôn giáo nằm ngoài sự quản lý của Nhà nước. Việc làm này không phải là để thúc đẩy quyền tự do tôn giáo mà chỉ là một thủ đoạn chính trị để chống phá Việt Nam. Sau màn kịch “tự do tôn giáo” là mưu đồ quy tụ lực lượng, hình thành tổ chức chính trị đối lập với Đảng cộng sản ngay trong nước, khi đủ điều kiện sẽ tiến hành chống phá về mặt chính trị.
Những tôn giáo chân chính luôn được tôn trọng, bảo đảm phát triển. Ngược lại, những hoạt động “nguỵ tôn giáo” chắc chắn sẽ bị ngăn chặn, đẩy lùi.
Bảo An
Theo: Hội Cờ đỏ