Cho đến nay, biến thể Omicron đã xuất hiện ở 38 quốc gia sau khi ca nhiễm đầu tiên được báo cáo ở châu Phi vào ngày 24-11.
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn nhiều thắc mắc vẫn chưa có lời đáp: Điều gì tiếp theo sẽ xảy ra? Virus SARS-CoV-2 có tiếp tục phát triển các chủng mới không? Liệu con người có nhanh chóng chiến thắng được đại dịch?
Hàng loạt câu hỏi về sự tiến hóa của virus đã được nhà báo David Fickling của Hãng tin Bloomberg đặt ra với giáo sư Peter White, lãnh đạo Phòng thí nghiệm White tại Đại học New South Wales.
Điều gì tạo nên sự tiến hóa của virus?
Theo giáo sư White, virus có tốc độ tạo ra đa dạng di truyền, hoặc đột biến nhanh hơn vi khuẩn. Nếu một vi khuẩn e.coli đậu trên một chút đường và bắt đầu nhân lên, vi khuẩn sẽ nhân từ 1 sang 2, sau đó là 4, 8, 16, 32 và nó tăng dần theo cấp số nhân.
Nhưng nếu virus xâm nhập vào một tế bào, nó sẽ thông báo: “Được rồi, tôi đang ở trong tế bào và bắt đầu nhân từ 1 lên ngay 100.000 và cứ thế tăng tiến như vũ bão”.
Vì vậy trong vòng vài giờ nếu bạn bị nhiễm một vài phần tử virus, nó có thể tạo ra hàng tỉ bản sao. Khi bạn hắt hơi, sẽ có hàng triệu con virus từ mũi của bạn bay ra. Công việc của nó là tìm vật chủ tiếp theo. Virus sẽ đột biến trong cơ thể vật chủ. Đó là lý do tại sao chúng tiến hóa để tồn tại.
Một điều mà giáo sư White muốn nhấn mạnh, đó là sự tái tổ hợp giữa các chủng virus. Ông phát hiện trong trận dịch viêm dạ dày norovirus vào năm 2012 có sự tái tổ hợp của hai chủng trước đó: một nửa bộ gene của nó là từ New Orleans (Mỹ) và một nửa là từ virus ở Hà Lan.
Trong bệnh cúm, sự tái tổ hợp giữa các chủng virus xảy ra mọi lúc. Đây là cách đại dịch năm 1957 và 1968 xuất hiện. Đó là sự đột biến trên quy mô lớn khi các chủng virus hoán đổi bộ gene với nhau.
Tiêm vắc xin và giãn cách xã hội, hiệu quả tới đâu?
Theo giáo sư White, các biện pháp can thiệp khác nhau như vắc xin, thuốc kháng virus và giãn cách xã hội gây áp lực phần nào đến sự thoái lui của virus.
Tuy nhiên nếu đó là áp lực chọn lọc đối với bộ gene thì nó sẽ thúc đẩy sự tiến hóa của virus.
Nói dễ hiểu nhất, nếu chúng ta tạo ra một loại thuốc chống lại các enzym cụ thể của virus, nhưng không đủ mạnh để triệt tận gốc thì virus sẽ tạo ra các đột biến. Bởi nếu không đột biến, thuốc sẽ tiêu diệt nó.
“Nếu 100% dân số thế giới được tiêm vắc xin chống lại chủng Alpha và sau đó virus đột biến. Lúc đó, các kháng thể mà cơ thể chúng ta tạo ra sẽ không liên kết với protein đột biến của biến thể mới. Nếu vắc xin yếu đi, chúng ta phải nhanh chóng cải tiến vắc xin để chặn đầu biến thể mới”, giáo sư White nhận định.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia người Úc, các biện pháp giãn cách xã hội chỉ có thể tạo ra một loại virus dễ lây lan hơn. Theo giáo sư White, giãn cách xã hội không phải là mỗi người sống trên một hoang đảo, nên sự tiếp xúc chớp nhoáng cũng làm lây lan tiếp diễn dù chậm hơn.
Ông kết luận rằng nếu càng tiêm chủng vắc xin nhiều, chúng ta càng có nhiều cơ hội ngăn chặn nhiều biến thể mới xuất hiện.
Khai Tâm
Theo: Cánh cò