Một biến thể virus corona gây dịch COVID-19 với số lượng đột biến nhiều bất thường đang khiến các nhà khoa học kinh ngạc và chính phủ nhiều nước lo lắng. Biến thể mới được phát hiện ở Nam Phi và có tên là Omicron (WHO đặt tên rạng sáng 27/11).
Trong vòng vài giờ, Anh, Israel, Nhật Bản và Singapore đã hạn chế việc đi lại từ Nam Phi và một số quốc gia lân cận vì mối đe dọa của biến thể mới.
Thị trường chứng khoán ở Nhật Bản cũng lung lay vì thông tin về biến thể mới, trong lúc giới chức Úc và New Zealand tuyên bố đang trong thế sẵn sàng hành động.
WHO đặt tên biến thể này là Omicron
“Dựa trên những bằng chứng cho thấy có sự thay đổi bất lợi trong dịch tễ học về dịch COVID-19, WHO coi B.1.1.529 là biến thể đáng quan ngại và đặt tên là Omicron”, thông báo rạng sáng 27-11 (giờ Việt Nam) của WHO nêu rõ.
Theo trang web của WHO truy cập sáng 27-11, Omicron là biến thể đáng lo ngại thứ năm theo phân loại của WHO, sau các biến thể Alpha, Beta, Gamma và Delta.
Tổ chức này tỏ ra thận trọng khi chú thích các ghi nhận sớm nhất về ca mắc Omicron xuất hiện tại nhiều nước, không xác định nguồn gốc tại một nước cụ thể.
Sự xuất hiện của biến thể Omicron đã gây lo ngại và báo động toàn cầu vì số lượng đột biến nhiều vượt trội so với các biến thể nguy hiểm trước đó như Delta, Beta.
“Bước nhảy vọt trong tiến hóa”
Biến thể B.1.1.529 “có số lượng đột biến rất cao” và đứng đằng sau sự gia tăng theo cấp số nhân các ca nhiễm mới gần đây tại Nam Phi. Các trường hợp nhiễm biến thể mới cũng được phát hiện ở Botswana và đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc).
Bộ Y tế Botswana cho biết 4 ca mắc biến thể tại nước này là người trưởng thành đã tiêm chủng đầy đủ và được phát hiện khi làm xét nghiệm trước khi xuất cảnh.
Hong Kong ghi nhận 2 ca ở phòng đối diện nhau trong một khách sạn được chỉ định làm nơi cách ly cho người nhập cảnh. Một người trong số này đến từ Nam Phi vào tuần trước.
Hiện vẫn chưa rõ B.1.1.529 đã xuất hiện như thế nào nhưng Nam Phi đang là nơi có nhiều ca nhiễm biến thể mới nhất với 22 ca, tập trung tại thành phố Johannesburg.
Các nhà khoa học Nam Phi cảnh báo biến thể này sẽ nhanh chóng chiếm phần lớn số ca nhiễm, khi học sinh được nghỉ học và các gia đình chuẩn bị cho những chuyến du lịch.
“Biến thể này đã làm chúng tôi ngạc nhiên và là một bước nhảy vọt trong tiến hóa vì nhiều đột biến hơn chúng tôi nghĩ”, nhà virus học Tulio de Oliveira nói trong một cuộc họp báo được tổ chức gấp rút ngày 25-11. Biến thể B1.1.529 có một “chùm đột biến rất bất thường”, với hơn 30 đột biến trong protein gai.
Trên thụ thể ACE2 – loại protein giúp tạo ra điểm xâm nhập cho virus lây nhiễm vào tế bào người – biến thể mới có 10 đột biến. Để so sánh, biến thể Beta chỉ có 3 đột biến, còn biến thể Delta có 2.
Ông Richard Lessells, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Nam Phi, lưu ý biến thể mới có những điểm tương đồng với biến thể Lambda và Beta.
“Tất cả những điều này khiến chúng tôi lo ngại rằng biến thể này có thể không chỉ lây lan nhanh hơn mà còn có thể xâm nhập vào các bộ phận của hệ thống miễn dịch và sự bảo vệ mà chúng ta có trong hệ thống miễn dịch”, báo New York Times trích lời ông Lessells.
Gấp rút dựng hàng rào đối phó
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi cho biết họ sẽ sớm gặp các chuyên gia Nam Phi để thảo luận về biến thể này. Mối quan tâm lớn nhất hiện tại là liệu các đột biến này có giúp virus né tránh được vắc xin và tăng mức độ lây nhiễm hay không.
Nhà khoa học người Nam Phi Penny Moore tỏ ra bi quan khi cho rằng việc vô hiệu hóa biến thể là “phức tạp” bởi số lượng đột biến nó sở hữu. “Biến thể này chứa nhiều đột biến mà chúng ta không hề biết”, bà Moore lo lắng.
“Cần thêm các dữ liệu nhưng chúng ta phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa ngay bây giờ” – Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid nêu quan điểm trên Twitter ngày 26-11.
Trước dòng tweet này, Vương quốc Anh đã ban lệnh tạm thời cấm nhập cảnh với người đến từ Nam Phi, Namibia, Botswana, Zimbabwe, Lesotho và Eswatini.
Hàng loạt nước từ Âu sang Á đã nối gót Anh dẫn đến sự phản ứng từ Nam Phi. “Quyết định của Anh là vô cùng gấp rút vì Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn chưa đưa ra khuyến nghị nên làm gì tiếp theo”, Chính phủ Nam Phi thể hiện sự thất vọng.
Bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về COVID-19, lo ngại việc có nhiều đột biến có thể tác động đến cách thức hoạt động của virus. “Sẽ mất một vài tuần để chúng tôi hiểu được tác động của biến thể này đối với vắc xin”, vị chuyên gia WHO nói thêm.
WHO: Chưa nên áp hạn chế đi lại
Tại họp báo tối 26-11 (giờ Việt Nam), WHO kêu gọi các nước cẩn trọng khi cân nhắc áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại, trong khi đợi các chuyên gia nghiên cứu về biến thể mới B.1.1.529.
“Các nhà nghiên cứu đang tìm cách để hiểu hơn về các đột biến và ý nghĩa của chúng đối với mức độ lây nhiễm và độc lực của biến thể này, cũng như tác động của chúng đối với chẩn đoán, điều trị và vắc xin”, Hãng tin AFP dẫn lời người phát ngôn Christian Lindmeier của WHO nói, cho biết việc nghiên cứu có thể mất vài tuần.
Theo ông Lindmeier, WHO khuyến nghị các nước tiếp tục có cách tiếp cận khoa học và căn cứ theo rủi ro khi áp các biện pháp hạn chế đi lại. “Chúng tôi cảnh báo vào thời điểm này chưa nên thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại”, ông Lindmeier nói.
Người phát ngôn WHO cho rằng mọi người nên tiếp tục đeo khẩu trang mọi lúc có thể, tránh tụ tập đông người, giữ phòng thông thoáng và vệ sinh tay.
Ông Lindmeier cho biết các chuyên gia và cố vấn của WHO đang thảo luận với các nhà nghiên cứu Nam Phi.
“WHO triệu tập cuộc họp để hiểu rõ hơn về các mốc thời gian của những nghiên cứu đang tiến hành và xác định xem biến thể này nên được coi là biến thể đáng quan tâm hay biến thể đáng lo ngại”, người phát ngôn của WHO nói.
Ngọc Anh
Theo: Cánh cò