Số lượng vaccine hiện tại đủ bao phủ cho dân số, đồng thời triển khai tiêm mũi 3 vào cuối năm 2021, đầu năm 2022, theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.
Cuối phiên thảo luận tại Quốc hội chiều nay, 8.11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã trao đổi, giải trình một số vấn đề được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.
Theo người đứng đầu ngành y tế, đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp, gây ra những tổn thất về sức khỏe, tính mạng và kinh tế của tất cả các quốc gia trên thế giới.
Làn sóng dịch hiện nay với biến chủng Delta đã làm đảo lộn kết quả phòng chống dịch bệnh của các nước trên thế giới. Từ khi phát hiện ca Covid-19 đầu tiên vào tháng 1.2020, Việt Nam đã trải qua 3 đợt dịch và đang trong đợt thứ tư. Có một thực tế là đợt dịch lần sau bao giờ cũng diễn biến phức tạp hơn đợt dịch trước đó.
Với sự nỗ lực, đoàn kết và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đặc biệt là sự hưởng ứng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, đến nay, các địa phương ở tâm dịch như TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… đã kiểm soát được số ca nhiễm, ca tử vong; dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc được kiểm soát và cả nước đang từng bước thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 3 đến 12 tuổi Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, báo cáo của Chính phủ đã thẳng thắn nêu lên những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong công tác phòng chống dịch như công tác dự báo có lúc chưa sát với thực tiễn; việc chỉ đạo điều hành có nơi, có lúc còn lúng túng, bị động; tổ chức thực hiện tại các địa phương thiếu nhất quán, nhất là việc đi lại của người dân; hệ thống y tế bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng khi đáp ứng với đại dịch…
“Để đối phó với đại dịch chưa có trong tiền lệ, các quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam đều phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm; phải liên tục điều chỉnh các chính sách, chiến lược cho phù hợp”, ông Long nhìn nhận.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đánh giá chiến lược vắc xin đã được triển khai có hiệu quả, trên tất cả lĩnh vực từ mua, nhập khẩu, nghiên cứu sản xuất trong nước, tổ chức chiến dịch tiêm chủng… Đến nay, Việt Nam đã có những thỏa thuận, đơn hàng, hợp đồng lên tới 200 triệu liều; đã tiếp nhận khoảng 125 triệu liều.
Cả nước đã tiêm được hơn 90 triệu liều với hơn 83,8% số người từ 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều và hơn 40% số người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ 2 liều vắc xin.
“Số lượng vắc xin hiện tại đã đảm bảo bao phủ đủ liều vào cuối năm nay; đồng thời triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ 3 vào cuối năm nay và đầu năm sau”, Bộ trưởng Y tế thông tin, đồng thời cho biết hiện Việt Nam là 1 trong 20 nước trên thế giới có số liều vắc xin tiêm chủng nhiều nhất, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và là 1 trong nhóm 3 nước có tốc độ tiêm nhanh nhất thế giới tính theo số liều tiêm theo ngày và theo tuần.
Cùng với nguồn vắc xin nhập khẩu, hiện Việt Nam đang thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vắc xin trong nước với 2 vắc xin đang thử nghiệm giai đoạn 3; 1 vắc xin đang thử nghiệm giai đoạn 2 cùng với các thỏa thuận chuyển giao công nghệ với các quốc gia trên Thế giới để từng bước chủ động vắc cin trong nước.
Đối với hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cùng thừa nhận còn nhiều khó khăn, hạn chế và chưa đáp ứng năng lực phòng, chống dịch, nhất là khi xảy ra tình huống đại dịch như trong thời gian vừa qua.
Ông Long cho biết trong thời gian tới, Chính phủ, Bộ Y tế sẽ tập trung củng cố, hoàn thiện tổ chức mạng lưới; cơ cấu lại hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; tăng cường đầu tư, thúc đẩy đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới cơ chế tài chính và mở rộng việc cung ứng dịch vụ y tế cơ sở.
Tùng Lâm
Theo: Cánh cò