Ngày 11.9.2001, thế giới rúng động trước thông tin những tên khủng bố cướp 4 máy bay, gây ra các vụ tấn công ở Mỹ khiến gần 3.000 người thiệt mạng.
Trong những ngày này, hàng loạt hãng truyền thông lớn trên thế giới và nhất là ở Mỹ đều liên tiếp đăng tải những loạt bài, thước phim tài liệu về vụ khủng bố ngày 11.9.2001.
Tròn 20 năm trôi qua, nỗi ám ảnh của vụ tấn công khủng bố gây kinh hoàng ở Mỹ vẫn hiện rõ mồn một trong ký ức của nhiều thế hệ.
Diễn biến kinh hoàng
Theo tờ USA Today, thảm kịch bắt đầu từ việc nhóm khủng bố Al-Qaeda với tổng cộng 19 tên không tặc cướp 4 chiếc máy bay thương mại và điều khiển chúng hướng đến các mục tiêu được định sẵn.
Vụ tấn công đầu tiên là chuyến bay số 11 của hãng American Airlines đâm vào tòa tháp bắc của WTC lúc 8 giờ 46 phút (giờ địa phương).
Hơn 15 phút sau đó, chiếc máy bay thứ 2 mang số hiệu 175 cũng nhằm thẳng hướng tòa tháp nam của WTC. Chiếc máy bay này hãng hàng không United Airlines chở theo 56 hành khách và 9 phi hành đoàn đã lao thẳng vào khoảng tầng 77 – 85 của tòa tháp nam.
Sức nóng, khói bụi từ đám cháy kinh khủng đến mức khoảng 200 người đã hoảng loạn và nhảy khỏi tòa nhà.
Đến 9 giờ 37 sáng, chiếc máy bay thứ 3 mang số hiệu 77 của hãng American Airlines lao thẳng vào Lầu Năm Góc, trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ. Vụ va chạm làm tòa nhà phía nam gần như gãy làm đôi và khiến 59 người trên máy bay, 125 người bên dưới thiệt mạng.
Trong khi đó, tòa tháp nam của WTC sụp đổ trong vòng 10 giây, sau 56 phút bốc cháy, khiến hơn 800 người thiệt mạng.
Không lâu sau đó, chiếc máy bay thứ 4 đâm thẳng xuống cánh đồng ở Shanskville (bang Pennsylvania) lúc 10 giờ 3 phút, sau khi nhiều hành khách và phi hành đoàn lao vào khoang lái giằng co với bọn không tặc. Chiếc máy bay này được cho là đang bay đến thủ đô Washington và nhắm vào Nhà Trắng hoặc tòa nhà Quốc hội Mỹ.
Vào 10 giờ 28 phút, sau 102 phút bốc cháy, tòa tháp bắc của WTC bắt đầu sụp đổ kèm theo cột khói đen cuồn cuộn bốc lên, khiến hơn 1.600 người thiệt mạng.
Thương vong kỷ lục
Lần đầu tiên trong lịch sử, Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ (FAA) ra lệnh đóng cửa tất cả các phi trường trên cả nước và mọi chuyến bay đều phải hạ cánh khẩn cấp.
Nhiều khu vực quan trọng như Nhà Trắng, tòa nhà Quốc hội, trụ sở Liên Hiệp Quốc đều được sơ tán. Theo thống kê, các vụ tấn công khủng bố trên khiến tổng cộng 2.996 người thiệt mạng và hơn 6.000 người bị thương.
Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất do nước ngoài thực hiện trên lãnh thổ Mỹ, hơn cả trận Trân Châu Cảng (Hawaii) năm 1941 khiến 2.403 người thiệt mạng.
Tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới
Đây là một khu phức hợp gồm 7 toà nhà tại khu Hạ Manhattan, thành phố New York. Các toà nhà chủ yếu dùng làm văn phòng và là khu kinh doanh, thương mại. Điểm nhấn của công trình được hoàn thành từ đầu thập niên 1970 này là 2 toà tháp cao khoảng 400 m, mục tiêu của những tên khủng bố. Toà tháp đôi này từng bị tấn công khủng bố bằng bom ở dưới tầng hầm vào năm 1993. Vụ nổ làm nứt toác một lỗ lớn bằng 7 tầng toà nhà nhưng không khiến nó đổ sập. Có 6 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương. Nhiều tên khủng bố bị bắt vì liên quan đến vụ đánh bom. WTC giờ đây trở thành Đài Tưởng niệm và Bảo tàng quốc gia 11.9, toà nhà cao khoảng 540 m cũng được xây dựng tại đây với tên Trung tâm Thương mại Một thế giới. Các khu tưởng niệm cũng được dựng ở Lầu Năm Góc và Shanksville để tưởng nhớ nạn nhân của các vụ không tặc ngày 11.9.2001.
Chứng cứ do Mỹ thu thập sau đó đã thuyết phục nhiều nước rằng tổ chức khủng bố al-Qaeda đã lên kế hoạch và tiến hành tấn công.
Trước đó, trùm khủng bố Osama bin Laden, thủ lĩnh al-Qaeda đã tuyên chiến chống lại nước Mỹ. Động thái này được cho là đã tạo động lực cho 19 tên không tặc người Ả Rập Xê Út, UAE, Ai Cập và Li Băng tiến hành cuộc khủng bố.
Tình báo Mỹ ở đâu?
Sự thất bại của CIA trong việc phát hiện các dấu hiệu cảnh báo của âm mưu 11.9 đã trở thành một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất trong lịch sử tình báo. Đã có những ủy ban, cuộc thẩm định, điều tra nội bộ và hơn thế nữa.
Một số ý kiến cho rằng CIA đã bỏ lỡ các dấu hiệu cảnh báo rất rõ ràng, trong khi một số lại cho rằng rất khó để xác định các mối đe dọa trước đó, và CIA đã làm mọi thứ có thể.
Ở một góc độ khác, BBC dẫn lời nhà báo Anh Mathew Syed cho rằng cơ quan tình báo quan trọng nhất của Mỹ có thể đã bị “mù” liên quan sự đa dạng, vì hầu như CIA chỉ tuyển nam giới, da trắng, người Anglo-Saxon, người Mỹ theo đạo Tin lành.
“Trước một vấn đề phức tạp, không ai có tất cả các câu trả lời. Tất cả chúng ta đều có điểm mù, khoảng trống trong sự hiểu biết. Điều này có nghĩa là, nếu bạn tạo ra một nhóm người có chung quan điểm và hoàn cảnh tương tự, họ sẽ chia sẻ những điểm mù giống nhau”, theo BBC.
Trên thực tế, nhiều sự kiện diễn ra trước đó đã để ngỏ khả năng vụ 11.9 có thể xảy ra, gồm vụ đánh bom ở WTC năm 1993, các vụ đánh bom đại sứ quán Mỹ tại Kenya và Tanzania vào năm 1998 và tàu chiến USS Cole bị tấn công tại Yemen vào năm 2000.
CIA thậm chí đã theo dõi một số tên không tặc trong vụ 11.9 từ trước và coi đó là những mối đe dọa, nhưng đã không đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề.
Mỹ đã giải mật đến đâu?
Vào năm 2015, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) giải mật báo cáo sau khi hoàn thành điều tra về thất bại của tình báo trước vụ tấn công khủng bố 11.9. Báo cáo dài gần 500 trang đề cập chi tiết đến một danh sách “những vấn đề mang tính hệ thống”. Theo CNN, báo cáo kết luận CIA và các nhân viên cơ quan này đã không hoàn thành trách nhiệm của họ một cách thoả đáng, nhưng không thấy nhân viên CIA nào vi phạm luật và hay có hành vi sai trái dẫn đến các lỗi về thu thập thông tin tình báo. Dù một số nhân viên tình báo nghi ngờ “một vài” quan chức Ả Rập Xê Út có thể đã ủng hộ bin Laden, báo cáo nhận thấy không có đủ thông tin để xác nhận.
Đến năm 2016, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ giải mật một tài liệu 28 trang về những mối liên hệ bị hoài nghi giữa Ả Rập Xê Út và bọn không tặc. Tuy nhiên, tài liệu này không có thêm thông tin đáng chú ý nào so với những báo cáo điều tra được đưa ra trước đó, dù cựu thượng nghị sĩ Bob Graham cho rằng hồ sơ tiếp tục làm tăng nghi ngờ về vai trò của Ả Rập Xê Út với những tên không tặc.
Trong diễn biến mới nhất, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 3.9 ra lệnh trong vòng 6 tháng phải giải mật những tài liệu còn lại từ cuộc điều tra của chính phủ nước này về vụ tấn công khủng bố trên.
Tổng thống Biden đưa ra quyết định trên trước sức ép từ gia đình của nhiều nạn nhân trong vụ tấn công khủng bố do mạng lưới al-Qaeda tiến hành cách đây 20 năm, theo AFP.
Các gia đình nạn nhân lâu nay lập luận những tài liệu mật liên quan có thể chứa bằng chứng cho thấy chính quyền Ả Rập Xê Út có mối liên hệ với không tặc đã điều khiển máy bay đâm vào tòa nhà WTC và trụ sở Lầu Năm Góc.
Trong khi đó, Ủy ban 11.9 do Quốc hội Mỹ thành lập khẳng định không có bằng chứng cho thấy chính quyền Ả Rập Xê Út hay một số quan chức cấp cao nước này tài trợ cho al-Qaeda.
Khánh An
Theo: Cánh cò