Saturday, November 23, 2024

Thêm dấu hiệu đáng lo về biến chủng Delta

Có một số dấu hiệu ban đầu cho thấy những người đã tiêm vắc-xin COVID-19 khi nhiễm biến chủng Delta vẫn có thể lây bệnh cho người khác dễ dàng như những người chưa tiêm, các nhà khoa học thuộc Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) cho biết.

Phân tích dữ liệu sẵn có, các nhà khoa học của PHE khẳng định lượng virus trong những người nhiễm biến chủng Delta đã được tiêm vắc-xin vẫn tương đương lượng virus trong những người chưa tiêm phòng. PHE nói rằng, nghiên cứu này chỉ là “phân tích mang tính khám phá ban đầu” và nhấn mạnh cần thêm một số nghiên cứu nữa trước khi đưa ra những nhận định chính xác hơn.

Dữ liệu mà PHE chia sẻ cho thấy, trong những ca nhiễm biến chủng Delta phải nhập viện tại Anh kể từ tháng 7 đến nay, có 55,1% trong tổng số 1.467 bệnh nhân chưa tiêm phòng, trong khi 34,9% đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin. Các chuyên gia nhấn mạnh việc những người đã tiêm phòng vẫn phải nhập viện không có nghĩa là vắc-xin ngừa COVID-19 không có tác dụng. “Dù vắc-xin tạo ra mức độ bảo vệ cao nhưng không đến mức 100% và sẽ không giúp tất cả mọi người tránh mắc COVID-19. Khi càng có thêm người tiêm vắc-xin, chúng ta sẽ thấy một tỷ lệ tương đối cao hơn số người đã tiêm vẫn phải nhập viện”, PHE nói trong kết luận đưa ra ngày 6/8.

Thêm dấu hiệu đáng lo về biến chủng Delta
Vắc-xin vẫn là cách bảo vệ con người tốt nhất trước đại dịch COVID.

Nhiều quốc gia như Úc, Nhật Bản, Ý… cũng đang đối phó với tình trạng số ca mắc tăng nhanh vì biến chủng Delta. Tại Pháp, người biểu tình tiếp tục đổ xuống đường trong cuối tuần thứ tư liên tiếp để phản đối quy định bắt buộc các nhân viên y tế phải tiêm vắc-xin COVID-19 và người dân phải có giấy chứng nhận tiêm chủng mới được vào nhiều địa điểm công cộng.

Kết luận của PHE phù hợp với công bố trước đó một tuần của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ để giải thích cho hướng dẫn sửa đổi khuyến cáo người dân đeo khẩu trang trở lại.

Với khả năng lây lan nhanh gấp đôi những biến chủng khác, Delta đã trở thành biến chủng thống trị toàn cầu, kéo dài đại dịch sau khi đã giết chết hơn 4,3 triệu người. Gần 75% người dân Anh đã tiêm hai mũi vắc-xin, và PHE nói rằng khi càng có nhiều người tiêm thì số người đã tiêm vẫn phải nhập viện cũng tăng lên.

Bên cạnh đó, PHE cho biết một biến chủng khác là B.1.621 (được phát hiện lần đầu ở Colombia) đang có dấu hiệu tránh phản ứng miễn dịch ở những người đã tiêm vắc-xin hoặc từng mắc COVID-19. PHE dán nhãn cho biến chủng này là “đang điều tra”, nhưng không tuyên bố nó là “biến chủng gây quan ngại” – sự phân loại có thể dẫn đến những phản ứng chính sách y tế mạnh mẽ hơn. “Có bằng chứng ban đầu trong phòng thí nghiệm cho thấy vắc-xin và kháng thể do mắc COVID-19 trước đây kém hiệu quả trong việc ngăn sự xâm nhập của biến thể B.1.621. Tuy nhiên, số liệu vẫn hạn chế và cần thêm nghiên cứu. Chưa có bằng chứng cho thấy nó lây lan dễ dàng hơn biến chủng Delta”, PHE viết và cho biết đã có 37 ca nhiễm B.1.621 được phát hiện ở Anh.

Trong khi đó, một nghiên cứu của Thuỵ Điển kết luận rằng những người mắc COVID-19 dễ bị đau tim và đột quỵ. Kết luận được đưa ra sau khi các nhà nghiên cứu so sánh 86.742 bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 trong năm 2020 với 348.481 người không nhiễm. Trong tuần đầu tiên sau khi mắc COVID-19, nguy cơ đau tim tăng 3 – 8 lần và nguy cơ đột quỵ do tắc nghẽn mạch máu tăng 3 – 6 lần. Nguy cơ đó giảm dần nhưng vẫn duy trì trong ít nhất 4 tuần sau đó, các nhà khoa học tại Đại học Umea viết trong bài đăng trên tạp chí The Lancet.

Ác mộng của y tá, bác sĩ

Khi Mỹ đối mặt với tình trạng số ca mắc COVID-19, nhập viện và tử vong tăng mạnh do biến chủng Delta, nhiều nhân viên y tế dùng mạng xã hội để kể về thực tế nghiệt ngã mà họ phải đối mặt. Đối với một số người, bày tỏ là để giải toả cảm xúc đau buồn, còn một số người khác coi đó là trách nhiệm chia sẻ những thực tế tàn khốc nhằm thuyết phục những ai còn hoài nghi về đại dịch.

Nichole Atherton nói rằng cô cảm thấy không thể chịu được nữa. Phòng chăm sóc tích cực của bệnh viện ở Mississippi nơi cô làm việc đã bất lực khi để các bệnh nhân COVID-19 chết một cách từ từ, đau đớn và cô đơn. Đến tháng 7 năm nay, cô lại chứng kiến làn sóng bệnh nhân ốm nặng nữa, dù hầu hết trước đó có thể tự cứu mình bằng cách tiêm vắc-xin.

“Nhiều người tranh luận về khẩu trang, vắc-xin và tự do. Tôi thì chỉ không muốn nhìn ai chết thêm nữa. Tôi thấy khuôn mặt họ trong những cơn ác mộng của mình. Và tôi cảm giác như mọi thứ chẳng thể chấm dứt”, y tá 39 tuổi nói trong video đăng lên mạng xã hội.

“Tôi chỉ muốn mọi người biết rằng điều đó là sự thật, rất đáng sợ và rất khó khăn với chúng tôi. Làn sóng đầu tiên đã rất đau buồn vì mọi người không thể làm gì ngoài tránh xa người thân yêu. Nhưng lần này họ đã có lựa chọn”, Atherton nói với Reuters.

Số ca mắc mới mỗi ngày ở Mỹ đã chạm mức cao kỷ lục trong 6 tháng, hiện vượt 100.000ca/ngày, CNN đưa tin ngày 8/8. Tỷ lệ này cao gấp 5 lần so với thời điểm cách đây gần 1 tháng, theo thống kê của Reuters. Giới chức y tế Mỹ nói rằng đợt bùng phát lần này hầu như là do những người chưa tiêm vắc-xin. Dù vắc-xin vẫn khan hiếm ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng tình trạng người dân không chịu tiêm phòng vẫn tiếp diễn ở Mỹ. Dù dư thừa vắc-xin, Mỹ mới tiêm đủ mũi cho 49% trong tổng số 330 triệu dân. Các bác sĩ, y tá và lãnh đạo bệnh viện tại 6 bang của Mỹ cho biết lực lượng nhân viên y tế đã kiệt sức và mất tinh thần khi các phòng bệnh tràn ngập bệnh nhân hầu như chưa tiêm phòng.

(Theo Reuters)

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG