rong xã hội ngày nay không hiếm kẻ bất tài nhưng lại sẵn sàng nhảy vào bình phẩm về ý tưởng của người khác một cách “vô văn hóa”.
Xin bắt đầu bằng câu chuyện nổi bật nhất thời gian gần đây chính là Phó Giáo sư – Tiến sĩ Bùi Hiền, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội với ý tưởng cải cách chữ viết, giảm số lượng chữ cái từ 38 xuống còn 31. Ý tưởng này được nêu trong một hội thảo.
Ông Hiền nghỉ hưu đã lâu, tuổi cũng đã cao và không hề có ý định đánh bóng tên tuổi hay tranh đoạt gì với ai, nhưng khi thông tin được ai đó tung ra thì nó ngay lập tức bị được công bố trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, kèm theo nhiều bình luận tiêu cực.
Dùng từ xấu xí mạt sát người khác để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt?
Theo nghiên cứu của Phó Giáo sư-Tiến sĩ Bùi Hiền, nếu áp dụng bảng chữ cái mới, việc học và ghi chép tiếng Việt sẽ đơn giản hơn, thống nhất hơn. Thậm chí, theo tính toán của cá nhân ông, nếu áp dụng thành công đề xuất của ông thì chúng ta có thể tiết kiệm 8% lượng giấy ghi chép hiện nay. Kèm theo đó là một bản dịch thử theo đề xuất của ông.
Chỉ mới xem qua bản dịch thử, chưa cần hiểu ngọn ngành câu chuyện là gì, đám đông bắt đầu phản đối, thậm chí nhục mạ ông bằng những ngôn từ không thể tệ hại hơn. Đây là điều đáng buồn cho cách đối xử với một nhà khoa học, một công trình khoa học còn đang hình thành. Và có lẽ với cách phản ứng “bầy đàn” như vậy thì rất có thể nghiên cứu của Phó Giáo sư Bùi Hiền sẽ chết yểu khi nghiên cứu còn dang dở. Nhiều ý tưởng khác cũng sẽ rơi vào trạng thái chết yểu như vậy!
Một bộ phận người Việt xấu xí đang tự cho mình cái quyền phán quyết về bất cứ vấn đề nào chỉ trong vòng vài giây thời gian. Trong thời đại thông tin, người ta có thể kì cạch ngồi gõ hàng loạt những ngôn từ xấu xí nhất để ném vào một chủ đề mà họ không có thời gian để đọc nhiều. Nhiều khi chỉ lướt qua tiêu đề là họ có thể phán quyết ngay một vấn đề mang tầm vĩ mô. Không ai chịu nghe, không ai chịu hiểu đó là một công trình khoa học đang được nghiên cứu.
Cảm xúc bị cuốn theo đám đông la ó, khinh miệt và để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt người ta dùng đủ ngôn từ xấu xí nhất để ném đá một nhà giáo già có nhiều năm nghiên cứu khoa học. Hầu hết dồn dập vào tranh cãi một quan điểm riêng và rồi tự bức xúc về một vấn đề mà bản thân nó còn chưa thực sự trở thành một vấn đề trong xã hội. Và rồi người ta đem chủ đề ra cười nhạo, dè bỉu và khoái trá với những ngôn từ mà họ dành cho công trình của một nhà khoa học.
Không lẽ thể kỷ 21, thời kỳ của cách mạng 4.0 mà người Việt đang có cách hành xử như thời kỳ trung cổ?
Galile có thể đã bị thiêu sống với lý thuyết trái đất quay quanh mặt trời. Edinson có lẽ bị coi là tâm thần khi nghĩ ra ánh sáng ma mị của bóng đèn điện. Edward Jenner đã vượt qua tiêu chuẩn y đức thời kỳ đó mới có thể tìm ra vaccine…
Tất cả những công trình khoa học đều có thể bắt nguồn từ những ý nghĩ “điên rồ nhất”, vượt qua khỏi suy nghĩ thông thường của thời điểm đó. Thế nên không quá khi nói rằng một bộ phận người Việt đang tự hạ thấp bản thân mình khi chính họ tự cho mình cái quyền nhảy xổ vào người khác như những loài động vật hoang dại.
Và tất nhiên trong câu chuyện của Phó Giáo sư Hiền hay nhiều ý tưởng khác (bị chết yếu) có cả bàn tay của những kẻ “ném đá giấu tay”.
Một trường hợp khác là chiếc điện thoại Bphone của BKAV bị ném đá, bị dè bỉu không thương tiếc. Họ quên rằng đó là nỗ lực của người Việt, một doanh nghiệp Việt, và nếu không có điều kiện ủng hộ ở một góc độ nào đó thì ít nhất cũng đừng tỏ thái độ dè bỉu. Trước đó, vụ game Flappy Bird của nhà phát triển trò chơi Nguyễn Hà Đông bị “chết yểu” là một trong những minh chứng rõ nhất cho thấy sức công kích khủng khiếp của dư luận xã hội.
Một phiên bản game được phát triển bởi người Việt đang trở thành hiện tượng thế giới nó bị bóp nghẹt bởi chính người Việt. Điều kỳ lạ là chính những người luôn dè bỉu ý tưởng mới thì cũng luôn than vãn Việt Nam “chưa sản xuất nổi con ốc vít”… Vậy bản thân họ đã làm được gì? Chắc chắn là không gì cả, bởi đó là những người chỉ ngồi chờ sẵn để hưởng lợi từ thành quả của người khác.
Thậm chí, trong xã hội ngày nay cũng không hiếm kẻ bất tài, vô dụng, không làm nổi việc gì hữu ích cho xã hội, cộng đồng… nhưng lại sẵn sàng nhảy vào bình phẩm về các ý tưởng, sản phẩm của người khác một cách “vô văn hóa”, và coi như đó là “thành quả” đóng góp cho xã hội.
Trở lại với ý tưởng cải cách chữ viết, ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, Phó Giáo sư Bùi Hiền có thể thảnh thơi tận hưởng cuộc sống an nhàn. Nhưng không, ông vẫn làm việc hết sức nghiêm túc cho nghiên cứu của mình trong suốt hai thập kỷ. Dù có thể nghiên cứu của ông chưa thể áp dụng vì chưa phù hợp ở thời điểm hiện nay, nhưng dù sao cũng rất đáng trân trọng vì mục tiêu tốt đẹp mà ông hướng đến.
Xin được trích lại lời của Phó Giáo sư Bùi Hiền khi nói về công trình nghiên cứu tâm huyết của mình: “Tôi đâu làm cho nhà nước, lấy tiền của nhà nước của nhân dân đâu mà tôi phải sợ trả lại tiền bạc hay gì đó. Sau khi nghiên cứu này hoàn chỉnh, đưa ra được giới khoa học chấp nhận, nhà nước chấp nhận… thì lúc bấy giờ mới đưa ra nhân dân để lấy ý kiến xem cái này tốt hay xấu rồi có quy trình để triển khai chứ đâu phải như các báo đưa tin ngay hôm nay chữ cũ, ngày mai chữ mới, không đầu, không cuối khiến người ta bị sốc”.
Cơn giận dữ của dư luận và cách thức người ta tạo ra cuộc tranh cãi đang phản ánh những vấn đề hiện hữu trước mắt của cuộc sống, đó là sự xuống cấp rất rõ trong văn hóa tranh luận, giao tiếp giữa con người với con người.
Và, thật đáng tiếc họ đã dùng sự hằn học, những từ xấu xí nhất của tiếng Việt để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt.
Lại Cường