Saturday, November 23, 2024

Thủ tướng: Chống dịch Covid-19 còn trường kỳ, không để khủng hoảng y tế

Kết luận hội nghị triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng nêu rõ không để khủng hoảng y tế, không để khủng hoảng kinh tế – xã hội.

Thủ tướng: Chống dịch Covid-19 còn trường kỳ, không để khủng hoảng y tế
Thủ tướng phát biểu tại cuộc họp

Ngày 30.7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố để thực hiện ngay các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và nhấn mạnh dứt khoát không để khủng hoảng y tế, không để khủng hoảng kinh tế – xã hội.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã trình bày về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid -19 theo Nghị quyết của Quốc hội.

Theo đó, ngoài việc tiếp tục triển khai các giải pháp, nhiệm vụ hiện đang áp dụng, dự thảo giao quyền chủ động cho các địa phương áp dụng hoặc áp dụng linh hoạt các Chỉ thị 15, 16 tùy tình hình thực tế. Đồng thời, có các giải pháp chấn chỉnh để thực hiện nghiêm quy định của các chỉ thị này, khắc phục các hạn chế như tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”.

Về công tác y tế, ngoài những việc cần tiếp tục triển khai như đẩy mạnh “ngoại giao vắc xin”, tìm kiếm nguồn cung vắc xin, một nội dung rất quan trọng được dự thảo Nghị quyết nhấn mạnh là giao Bộ Y tế hướng dẫn với thời hạn nhất định để áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta đã nỗ lực hết sức mình để đối phó dịch bệnh và đã đạt được một số thành tựu bước đầu, có nhiều tín hiệu tích cực, công tác phòng chống dịch bệnh đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh diễn biến còn phức tạp, đặc biệt là ở TP.HCM và các tỉnh xung quanh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An và một số địa phương ở miền Nam, miền Trung

Thủ tướng nêu rõ những hạn chế, bất cập trong công tác chống dịch thời gian qua. Trong đó, hạn chế, bất cập lớn nhất là khâu tổ chức thực hiện. Vẫn còn có nơi, có lúc có biểu hiện rất lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi chưa có dịch hoặc khi dịch đã đi qua; mất bình tĩnh, lo sợ, hoảng hốt, lúng túng, bị động, mất kiên trì khi dịch bùng phát. Do đó, chính quyền các cấp phải ban hành biện pháp nhất quán, thực hiện nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả, không chập chờn, không nửa vời.

Trên phạm vi cả nước trong lúc này, cần tập trung ưu tiên số một cho nhiệm vụ chống dịch, kiểm soát được dịch bệnh thì mới phát triển được kinh tế – xã hội. Cùng với đó, bám sát thực tiễn, tận dụng tối đa khả năng có thể để khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh, những nơi an toàn có điều kiện thì mở rộng sản xuất. Một mục tiêu quan trọng khác được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh là dứt khoát không để khủng hoảng y tế, không để khủng hoảng kinh tế – xã hội, không để khủng hoảng truyền thông.

Thay đổi chính sách ưu tiên về vắc xin

Theo Thủ tướng, phải xác định cuộc chiến đấu này còn rất trường kỳ, lâu dài, vất vả, kể cả khi có vắc xin cũng không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, phải chuẩn bị tâm thế, nguồn lực, biện pháp phù hợp, bình tĩnh, sáng suốt, kiên trì, linh hoạt, cương quyết, quyết liệt nhưng rất mềm dẻo, phù hợp với từng nơi, từng lúc. Căn cứ tình hình thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.

Khi thực hiện cách ly, giãn cách, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ nhưng phải đáp ứng 3 yêu cầu: hỗ trợ tối đa người dân về lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc; đáp ứng các yêu cầu y tế của người dân ở mọi lúc, mọi nơi; đáp ứng các nhu cầu thiết yếu, chính đáng, hợp pháp của người dân.

Thủ tướng yêu cầu TP.HCM và các tỉnh đang bùng phát dịch phải có giải pháp giảm tối đa ca tử vong. Phong tỏa, cách ly phải triệt để, kết hợp với các chính sách, biện pháp để kiềm chế đỉnh dịch và kéo số ca mắc đi xuống. Ngoài các biện pháp chung, các địa phương này thực hiện một số biện pháp riêng, đặc thù theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế.  TP.HCM và các tỉnh có diễn biến xấu về dịch bệnh phải tăng cường các bệnh viện hồi sức cấp cứu với mức độ cao hơn, việc chuẩn bị và khi thực hiện phải sớm hơn, cao hơn. Tăng cường huy động hơn nữa nguồn lực tư nhân về cơ sở y tế, khách sạn, nhà hàng, các nguồn lực của doanh nghiệp…, nhất là tại một số nơi được xem như trong tình trạng khẩn cấp; đẩy mạnh hơn nữa hợp tác công tư về cơ sở vật chất y tế, mua sắm trang thiết bị…

Thủ tướng nêu rõ yêu cầu thay đổi chính sách ưu tiên về vắc xin. Theo đó, ngoài các lực lượng tuyến đầu, tình nguyện, các tổ Covid-19 cộng đồng, người cao tuổi, còn có những người tham gia vào các chuỗi cung ứng sản xuất.

Thủ tướng cũng thúc giục phải quyết liệt hơn nữa trong thực hiện chiến lược vắc xin, đặc biệt là đẩy mạnh ngoại giao vắc xin, hợp tác công tư để mua được nhiều nhất, nhanh nhất có thể; tổ chức tiêm kịp thời, hiệu quả, an toàn, không để lãng phí vắc xin và thời gian.

Cùng với đó, Thủ tướng lưu ý rút gọn các thủ tục về hành chính để tập trung thúc đẩy nhanh chóng, mạnh mẽ, kịp thời việc nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất và công nhận vắc xin trong nước để có thể làm chủ. Đồng thời khuyến khích các đơn vị nghiên cứu, nhập khẩu, sản xuất thuốc phục vụ phòng chống dịch; tăng cường chuyển giao công nghệ, sản xuất máy thở.

Chí Hiếu

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG