Saturday, November 23, 2024

Người dân trong khu phong tỏa ‘tuyệt đối’ không ra khỏi nhà trừ trường hợp cấp cứu

Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu tăng cường kiểm soát khu phong tỏa, khu cách ly… đảm bảo phòng dịch theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 12 của Thành ủy TP.HCM.

Ngày 23.7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã ký ban hành văn bản về việc tăng cường mạnh mẽ các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội toàn TP theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 12 của Thành ủy TP.HCM.

Theo đó, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 và tăng cường một số biện pháp. Cụ thể, tăng cường kiểm soát các khu phong tỏa, khu cách ly.

Đối với các khu phong tỏa:

+ Trên cơ sở đánh giá vị trí, sổ dân, số ca nhiễm và các yếu tố nguy cơ dịch tễ, ảnh hưởng đến sự lây nhiễm dịch bệnh, các địa phương xác định phạm vi phong tỏa phù hợp (không quá hẹp để bỏ sót trường hợp F0, F1, nhưng cũng không quá rộng để ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân).

+ Thực hiện triệt để “người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình”; tuyệt đối không được tiếp xúc trực tiếp với các hộ gia đình xung quanh. Người dân chỉ được phép ra khỏi nhà khi có yêu cầu cấp cứu y tế. Chính quyền tổ chức mang nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng nhà hoặc hình thức “đi chợ thay”.

+ Thành lập Tổ công tác quản lý tại các khu phong tỏa (sau đây gọi tắt là Tổ quản lý), trong đó có sự tham gia của lực lượng công an, quân sự, Thanh niên Xung phong, các đoàn thể và nhất là Tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống Covid-19 tại cộng đồng (sau đây gọi tắt là Tổ Covid-19 cộng đồng) để tăng cường quản lý, giám sát, hỗ trợ việc thực hiện quy định về giãn cách của các hộ gia đình trong khu vực phong tỏa.

Chính quyền địa phương phối hợp lực lượng công an, quân sự thường xuyên tổ chức tuần tra, giám sát việc thực hiện triệt để yêu cầu giãn cách giữa người với người, nhất là các khu nhà trong các hẻm nhỏ, chằng chịt, đông người, mật độ dân số cao.

Người dân trong khu phong tỏa ‘tuyệt đối’ không ra khỏi nhà trừ trường hợp cấp cứu
UBND TP.HCM yêu cầu phải tăng cường kiểm soát khu cách ly, khu phong tỏa.

+ Đối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu trợ giúp lương thực, thực phẩm cho người dân tại các khu vực này, đề nghị liên hệ Tổ quản lý để có biện pháp đưa đến từng hộ dân, không để người dân tự ra ngoài nhận trực tiếp. UBND TP.HCM giao Chủ tịch UBND phường chỉ đạo Tổ Covid-19 cộng đồng phối hợp lực lượng Thanh niên xung phong TP và tình nguyện viên của Thành Đoàn hỗ trợ điều phối, cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân tại các khu phong tỏa.

Đối với các khu cách ly, người đang thực hiện cách ly phải tuyệt đối chấp hành quy định, không được ra khỏi phòng và không được tiếp xúc trực tiếp với người khác (trừ trường hợp cấp cứu y tế).

Giám sát chặt chẽ việc cách ly tại nhà đối với các ca F0, F1. Cụ thể, đối với các gia đình có ca F0, F1 được cách ly tại nhà, thực hiện nghiêm theo hướng dẫn của ngành y tế, tuyệt đối không ra khỏi nhà (trừ trường hợp cấp cứu y tế); lương thực, thực phẩm thiết yếu sẽ được chính quyền hỗ trợ, cung cấp tại nhà.

Các nhóm đối tượng được phép hoạt động cần làm gì?

Cũng theo yêu cầu của UBND TP, các cơ quan, đơn vị nhà nước tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như: trực chiến đấu, trực chống dịch, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở.

Dừng toàn bộ tất cả các cuộc họp không cần thiết, số lượng người làm việc cụ thể tại công sở do Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quyết định và không quá 1/3 tổng số người lao động để đảm bảo duy trì các nhiệm vụ của đơn vị và chỉ đạo của TP; Nghiên cứu tổ chức làm việc luân phiên cách ngày hoặc buổi trong ngày.

Riêng lực lượng vũ trang, ngành y tế TP đảm bảo 100% quân số và các đơn vị đặc thù có văn bản gửi Sở Nội vụ trình UBND TP quyết định.

Ngân hàng, chứng khoán bảo đảm hoạt động mức độ duy trì công suất tối thiểu để cung ứng kịp thời dịch vụ cần thiết. Riêng đối với các chi nhánh hoặc phòng giao dịch, có thể tổ chức hoạt động luân phiên, bố trí nhân sự làm việc trực tiếp theo ca kíp, thực hiện nghiêm giãn cách; khuyến khích các đơn vị áp dụng phương thức “3 tại chỗ” để phòng tránh nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào đơn vị.

Các tổ chức, doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ thiết yếu: y tế (trừ các hoạt động thẩm mỹ thực hiện tại các cơ sở: bệnh viện (BV), phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa), dược phẩm, lương thực, thực phẩm, cung cấp suất ăn công nghiệp cho các BV, các khu cách ly, các BV dã chiến thu dung điều trị, các DN đang thực hiện phương án “3 tại chỗ”; các bếp ăn từ thiện; cung cấp điện, nước, xăng dầu, gas, bưu chính, viễn thông, vệ sinh công cộng, duy tu các lĩnh vực giao thông đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị, vận chuyển hàng hóa thiết yếu; kho bạc nhà nước, dịch vụ tang lễ; các đơn vị đang phục vụ công tác hậu cần trong phòng, chống dịch; các cơ sở lưu trú (khách sạn) đang thực hiện hỗ trợ các đội ngũ y bác sĩ lưu trú và phục vụ cách ly cho các chuyên gia và một số dịch vụ thiết yếu khác do cấp có thẩm quyền quy định được hoạt động theo yêu cầu phục vụ và bảo đảm an toàn.

Các DN kinh doanh vận tải hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân và công tác phòng chống dịch bệnh; vận tải nguyên vật liệu, thành phẩm, thiết bị, phụ tùng phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu; các DN dịch vụ logistic; các DN sản xuất đã đăng ký và bảo đảm công tác an toàn, tuân thủ nghiêm nguyên tắc “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường – 2 địa điểm”.

Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện theo quy định của DN được cho phép hoạt động; kiên quyết dừng ngay lập tức và xử phạt nghiêm đối với các trường hợp hoạt động không bảo đảm các yêu cầu công tác phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16 và Chỉ thị 12.

Hồng Anh

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG