Cả nước đang điều trị gần 1.000 bệnh nhân tiên lượng nặng và rất nặng, trong 5-7 ngày nữa tiếp tục tăng, do số ca nhiễm mới đang tăng.
“Thời gian tới, đặc biệt là 5-7 ngày nữa, tình hình diễn biến phức tạp”, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tại cuộc làm việc đột xuất của Chính phủ với Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19, ngày 19/7.
Bộ trưởng dẫn chứng tại một số tỉnh thành phía Nam, như TP HCM, số ca mắc trung bình trong 7 ngày qua khoảng 1.500 mỗi ngày, có xu hướng gia tăng từng ngày. Thành phố có 72 chuỗi lây nhiễm/ổ dịch. Các ca nhiễm xuất hiện ở tất cả quận huyện và 309/312 phường. Quận Bình Tân ghi nhận số ca nhiễm nhiều nhất, tập trung chủ yếu tại phường An Lạc.
Còn tỉnh Bình Dương, trong 7 ngày gần đây số ca nhiễm vẫn ở mức cao, trung bình 140 ca một ngày. Tỉnh ghi nhận 9 chuỗi lây nhiễm với 11 ổ dịch liên quan đến TP HCM và 7 ổ dịch được phát hiện qua giám sát cộng đồng.
Tỉnh Long An ghi nhận 29 chuỗi lây nhiễm. Trong đó 17 chuỗi cơ bản đã được kiểm soát, còn lại vẫn đang diễn biến. Trong 7 ngày qua số ca mắc mới có xu hướng gia tăng và xuất hiện các ổ dịch mới.
Tỉnh Đồng Nai 9 chuỗi lây nhiễm, trong đó nhiều ca mắc nhất là chuỗi liên quan đến TP HCM như chợ đầu mối Hóc Môn và chợ Bình Điền.
Về nhân lực, Bộ Y tế đã điều động hỗ trợ TP HCM và các tỉnh trong khu vực hơn 6.400 cán bộ, y bác sĩ và nhân viên y tế. Hơn 9.000 người đang sẵn sàng chi viện thêm. Bộ cũng đã huy động lượng lớn trang thiết bị, thuốc, vật tư, chuẩn bị năng lực sản xuất, cung cấp khí oxy… cho công tác xét nghiệm, điều trị bệnh nhân Covid-19.
“Không để bệnh nhân thiếu máy thở, không để thiếu trang thiết bị, dụng cụ phòng hộ đối với nhân viên y tế”, ông Nguyễn Thanh Long nêu quan điểm.
Về năng lực sử dụng oxy hiện nay, theo Bộ trưởng, 993 cơ sở y tế đủ đáp ứng yêu cầu điều trị 66.000 ca nhiễm cần đến thở oxy. Hiện năng lực sản xuất của các nhà máy oxy cả nước rất lớn, tổng công suất đạt hơn 851.000 m3 khí mỗi ngày (tương đương 1.300 tấn một ngày) và có thể tăng 50-100% công suất. Hiện, Bộ Y tế đã họp với 17 nhà máy trên cả nước, yêu cầu tăng công suất, dự trữ oxy và khả năng phân phối.
Về đáp ứng các yêu cầu liên quan đến bảo đảm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị, Bộ Y tế đã xin ý kiến Chính phủ ban hành Nghị quyết về mua sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, tình hình dịch bệnh rất phức tạp, diễn biến rất nhanh. Ông lưu ý Bộ Y tế phải chuẩn bị ở mức cao hơn, không để bị động, lúng túng, thiếu hụt nhân lực y tế; dự báo chính xác tình hình để Chính phủ điều hành kịp thời.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng tham gia cung ứng hàng hóa, hỗ trợ sản xuất theo tinh thần “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân sản xuất”. Bộ Công an đảm bảo an ninh trật tự trong thực hiện giãn cách. Các bộ liên quan đẩy nhanh sản xuất vaccine trong nước…
Đối với các tỉnh thành, Thủ tướng đề nghị Bí thư, Chủ tịch UBND chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch.
Lê Nga
Theo: Cánh cò