Saturday, November 23, 2024

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Chia 2 mũi giáp công linh hoạt để chống dịch ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam”

Theo PTT Vũ Đức Đam, TPHCM, Bình Dương và các khu vực dịch Covid-19 lây nhiễm cao, đậm đặc, lây lan rộng, cần có các giải pháp mới, cách làm mới cho phù hợp với “2 mũi giáp công”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Chia 2 mũi giáp công linh hoạt để chống dịch ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam”

Phân loại trong 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện Chỉ thị 16 thành 2 nhóm

Sáng 18/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cần phân loại trong 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện Chỉ thị 16 thành 2 nhóm.

Cụ thể, những tỉnh tương đối an toàn, dịch còn ít (khu vực Nam sông Hậu và Bình Phước) tiếp tục thực hiện theo chiến lược “Ngăn chặn – Phát hiện – Truy vết – Khoanh vùng- Dập dịch và Điều trị”, giống như các địa phương đang kiểm soát được dịch.

Những địa phương như TPHCM, Bình Dương và những khu vực dịch lây nhiễm cao, đậm đặc, lây lan rộng thì cần có những giải pháp mới, cách làm mới cho phù hợp với “2 mũi giáp công”.

Một mũi tập trung lực lượng tại những “vùng đỏ”, có mức độ nguy cơ dịch bệnh rất cao để nhanh chóng bóc F0 ra khỏi cộng đồng, từng bước làm sạch, thu hẹp ổ dịch, giảm xuống “vùng vàng” dần tiến tới “vùng xanh”.

Mũi còn lại thực hiện tầm soát, sàng lọc kết hợp các biện pháp đồng bộ, giữ chặt “vùng xanh” an toàn; cô lập những “vùng vàng”, làm sạch để trở thành “vùng xanh”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý tại các vùng dịch, ổ dịch, tuỳ tình huống để sử dụng xét nghiệm nhanh kết hợp với xét nghiệm RT-PCR để bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, “không dàn hàng ngang”.

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo nhận định ở miền Bắc, đến giờ phút này cơ bản dập được dịch ở Bắc Ninh, Bắc Giang. Các tỉnh, thành phố khác đang kiểm soát được tình hình.

Khu vực miền Trung còn một vài tỉnh như Phú Yên, Khánh Hoà, Đà Nẵng tình hình đang phức tạp, có những ổ dịch mới, phải tập trung lực lượng để khoanh vùng, dập dứt điểm. Tình hình dịch cơ bản vẫn kiểm soát được trên cả nước.

Tình hình dịch ở TPHCM và một số tỉnh lân cận, nhất là ở Bình Dương vẫn diễn biến rất phức tạp, nếu không tập trung kiểm soát thật tốt có thể dẫn tới hệ thống y tế bị quá tải.

Nguy cơ hiện hữu là dịch từ TPHCM sẽ lây lan rộng ra các tỉnh khác. Vì vậy, Thủ tướng đã quyết định thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 với 19 tỉnh, thành phố phía Nam.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM, các địa phương khu vực phía Nam tiếp tục có xu hướng diễn biến phức tạp.

Hiện ngành Y tế đang chuẩn bị tích cực, ưu tiên giảm số ca bệnh nặng, hạn chế tử vong, đặc biệt đối với các ca mắc có bệnh nền, bệnh mãn tính.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Chia 2 mũi giáp công linh hoạt để chống dịch ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam”
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Đình Nam.

Liên quan đến dịch bệnh tại TP.HCM, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ đã trao đổi với lãnh đạo TP.HCM, quyết định thành lập Bệnh viện Hồi sức tích cực Covid-19 (đặt tại Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh cơ sở 2) có công suất 1.000 giường, với cơ chế điều hành của bệnh viện Trung ương hạng đặc biệt.

Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy được chỉ định sang làm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức tích cực Covid-19.

Bộ Y tế ưu tiên tối đa trang thiết bị vật tư, y tế, những nhân lực tinh túy nhất để đưa về bệnh viện này, tối ưu hóa điều trị các trường hợp thở máy trên toàn thành phố, quyết giữ cho bằng được mặt trận này”, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến với tất cả các tỉnh, thành phố để chuẩn bị sẵn sàng cho “kịch bản xấu và xấu hơn”. Tất cả các bệnh viện hạng 2, hạng 3 (tuyến huyện và tương đương) buộc phải thiết lập hệ thống oxy trung tâm, chuẩn bị các giường hồi sức.

Các bệnh viện tuyến tỉnh thiết lập tối thiểu 50 giường cấp cứu hồi sức tích cực để điều trị bệnh nhân nặng theo phân tầng điều trị. Ngoài ra Bộ Y tế thành lập các trung tâm hồi sức tích cực Trung ương tại các khu vực.

“Đợt dịch này, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đang chuẩn bị cho “kịch bản xấu và xấu hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Lái xe trong 19 tỉnh phía Nam không cần giấy xét nghiệm âm tính Covid-19

Về việc đảm bảo luồng xanh cho vận tải, lưu thông hàng hóa, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, một trong những ách tắc nhất liên quan đến yêu cầu lái xe, người đi trên xe phải có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, mỗi địa phương có yêu cầu loại xét nghiệm khác nhau (xét nghiệm RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh), thời gian hiệu lực khác nhau (3, 5 hoặc 7 ngày)…

“Bộ Giao thông Vận tải đề nghị phải có hướng dẫn thống nhất cho tất cả các địa phương thực hiện”, ông Tuấn nêu.

Trả lời việc này Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, Bộ Y tế chấp nhận kết quả xét nghiệm RT-PCR và xét nghiệm nhanh, do tất cả các cơ sở y tế từ cấp xã trở lên và các bệnh viện (cả công và tư nhân) thực hiện và đóng dấu xác nhận.

“Các tài xế hoàn toàn được miễn phí khi thực hiện xét nghiệm nhanh tại các điểm này. Kết quả có hiệu lực trong 3 ngày”, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo bàn và thống nhất giao Bộ Y tế hướng dẫn việc lưu thông hàng hóa trong nội bộ 19 tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị 16 không yêu cầu lái xe, người đi trên xe có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 nhưng phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Các phương tiện phải được khử khuẩn, lái xe phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K, được bố trí chỗ riêng, không tiếp xúc với người khác… Các xe chạy qua lại giữa các địa phương cần có mã QR-Code để đảm bảo thông suốt.

Hoàng Đan

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG