Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng cả hệ thống chính trị đều tăng cường xuống tận cơ sở, nhưng chỗ này, chỗ khác vẫn còn xuất hiện người dân tụ tập.
Sáng 17-7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã họp trực tuyến với lãnh đạo TP.HCM về công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Lo nhất là khâu điều trị bệnh nặng để hạn chế tử vong
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, cho biết tình hình dịch bệnh tại TP đang diễn biến phức tạp.
Số trường hợp F1, F0 ngày càng tăng, không chỉ ở nơi phong tỏa mà còn ở ngoài cộng đồng, khu công nghiệp có đông công nhân.
Trong khi đó, các cơ sở điều trị nhiều nơi tại TP.HCM đã có dấu hiệu quá tải, thiếu nhân lực, trang bị y tế. TP cũng đã nhận được sự ủng hộ tích cực của Bộ Y tế để tăng cường nguồn nhân lực, chuẩn bị bệnh viện dã chiến và trang thiết bị.
Ông Nguyễn Văn Nên cũng đề nghị Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 có cơ chế mua và nhập nhanh nhất các trang thiết bị vì một số thiết bị trong nước không đủ cung ứng, nhất là khâu hồi sức cấp cứu.
Theo ông Nguyễn Văn Nên, việc lo nhất của TP.HCM là khâu điều trị bệnh nặng để hạn chế tử vong, chuẩn bị tình huống nếu có tử vong thì lo lắng chu đáo theo điều kiện cụ thể của từng nơi.
Về việc thực hiện Chỉ thị 16, người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cho biết cả hệ thống chính trị đều tăng cường xuống tận cơ sở, nhưng chỗ này, chỗ khác vẫn còn xuất hiện người dân tụ tập, nhất là ở điểm phân phối lương thực, thực phẩm.
“Chúng ta rà soát, truy vết, xét nghiệm để tìm F0 nhưng những nơi khác lại lây nhiễm thì công tác chống dịch sẽ khó kết thúc như thời gian đề ra” – ông Nên nói.
Do vậy, ông đề nghị lãnh đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, phân công cho lực lượng tự quản, giám sát từng địa bàn để ngăn chặn việc tụ tập đông người. Khi ai đến khu phong tỏa, cách ly mà có thể dẫn đến tụ tập thì phải có kiểm soát cụ thể.
Nếu nơi nào không thực hiện nghiêm thì xử lý nghiêm khắc hơn. Thậm chí là cách chức, đề nghị cách chức người không chấp hành, thực hiện đúng quy định, chỉ đạo phòng chống dịch.
Phải đưa F0 đến các bệnh viện gần nhất và nhanh nhất
Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết mối quan tâm lớn nhất của TP hiện nay là tập trung điều trị F0 nặng và ngăn chặn, giảm tử vong.
Theo ông Phong, chiều hôm qua, ông đã làm việc với Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM phụ trách điều trị để khẩn trương rà soát quy trình tiếp nhận F0, đặc biệt là chuyển F0 trở nặng về các bệnh viện điều trị COVID-19.
Ông Phong yêu cầu Sở Y tế xây dựng bản đồ khu cách ly tạm thời tại các bệnh viện; bệnh viện dã chiến điều trị F0 không có triệu chứng hoặc nhẹ; bệnh viện điều trị F0 nặng và bệnh viện hồi sức tích cực.
Cùng đó, ứng dụng công nghệ thông tin để thiết lập hệ thống quản lý điều phối F0 trên toàn địa bàn do Trung tâm cấp cứu 115 vận hành. Mục tiêu là kịp thời điều phối F0 đến các bệnh viện gần nhất và nhanh nhất.
Theo ông Phong, do số F0 tăng nhanh gây áp lực cho ngành y tế nên đã thiết lập Bệnh viện Hồi sức COVID-19 để điều trị bệnh nhân nặng với 1.000 giường trên cơ sở chuyển đổi công năng một phần Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (TP Thủ Đức).
Hiện TP.HCM cũng đang có cơ sở điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới với 300 giường và Bệnh viện Chợ Rẫy với 300 giường. Tuy nhiên, Sở Y tế cũng ý kiến với TP.HCM đề nghị Bộ Quốc phòng và báo cáo Chính phủ xin thiết lập thêm bệnh viện chữa trị bệnh nhân mắc COVID-19 nặng tại Bệnh viện 175. Đến sáng nay, Bộ Quốc phòng đã chấp thuận đề xuất này.
Bên cạnh những vấn đề trên, ông Phong cũng cho biết thêm, hiện nay có tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly, khu phong tỏa, người dân còn giao lưu với nhau.
“TP đã kiên quyết yêu cầu các địa phương giám sát, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm” – ông Phong nói và yêu cầu các địa phương phải tăng cường Tổ COVID-19 cộng đồng kiểm tra, giám sát tại những khu vực này.
Từ 6 giờ ngày 16-7 đến 6 giờ ngày 17-7, TP.HCM phát hiện hơn 2.800 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Phần lớn số ca bệnh nằm trong khu cách ly, phong tỏa (81,34%); 420 ca phát hiện qua khám sàng lọc tại bệnh viện.
TP.HCM hiện đang điều trị cho 20.800 trường hợp dương tính; 306 ca thở máy và 8 trường hợp phải can thiệp ECMO.
Đến nay, TP đã lấy 1,9 triệu mẫu xét nghiệm PCR, trong đó có 250.000 mẫu đang chờ kết quả. Test nhanh đã thực hiện với số lượng khoảng 1,2 triệu.
Tùng Lâm
Theo: Cánh cò