Ngày 15/7, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP.HCM vẫn tiếp tục diễn biến khó lường. Nhưng khác với những ngày trước, người dân đã nhận thức rõ ràng hơn nhiều nguy cơ mất kiểm soát tình hình, nên cũng tuân thủ nghiêm túc hơn các quy định hạn chế ra đường theo Chỉ thị 16. Điều đáng nói, giữa lúc người dân TP.HCM đang thể hiện trách nhiệm công dân và ý thức cộng đồng, chung tay cùng chính quyền chống dịch, thì những kẻ ở trời Tây lại “múa phím” về cái mà họ gọi là “quyền tự do” và chuyện “đúng luật” của Chỉ thị 16.
Trang mạng RFA – Đài Á Châu Tự do – vừa qua đã dẫn lời những người được RFA phong làm “luật gia”, mà theo họ là những quy định giãn cách, hạn chế đi lại của Chỉ thị 16 là “không có giá trị pháp luật”, và bằng cách này, các “luật gia” kêu gào rằng lệnh hạn chế ra đường và việc xử phạt người vi phạm là lạm quyền và “giới hạn quyền tự do của công dân”.
Ở đây, chúng ta không cần phải tranh cãi về độ tin cậy của các “luật gia” về cái mà họ gọi là “quyền tự do” hay là vấn đề “đúng luật” hay không, vì ngay cả Chỉ thị của Thủ tướng còn bị “dìm hàng” thành “không có giá trị pháp luật” cũng quá đủ để nói lên trình độ hiểu biết của họ. Nhưng đối với những người vốn mang tư tưởng xúc xiểm và kích động như các “luật gia” tại RFA, có lẽ mỗi chúng ta không cần tốn hơi sức mà cố gắng giúp họ hiểu luật, bởi cũng như những kẻ bài xích vaccine (antivax), lý lẽ vốn chẳng phải là thế mạnh của những người này. Điều mà chúng ta có thể làm, đó là nhắc cho họ nhớ về cái cách mà các quốc giakhác đã làm trước đại dịch COVID-19.
Chỉ cách đây vài tháng, Ấn Độ đã trải qua làn sóng bùng phát dịch COVID-19 tồi tệ nhất trong lịch sử, với hơn 31 triệu ca nhiễm và hơn 400.000 người đã tử vong. Đối phó với tình hình, chính quyền Ấn Độ đã ban hành lệnh đóng cửa có quy mô còn lớn hơn cả Trung Quốc. Người dân vi phạm lệnh cấm ra đường không chỉ bị phạt bằng những quyết định hành chính như TP.HCM, mà đã bị phạt… thụt xì dầu, viết bản kiểm điểm, thậm chí bị bằng đánh gậy, bị bắt tạm giam.
Còn tại Thái Lan, lực lượng cảnh sát nước này trong đợt đóng cửa đã phải trang bị súng và công cụ trấn áp tại các chốt kiểm soát, hòng kiểm soát tình hình. Và RFA cùng các “luật gia” cũng đừng quên, tại Philippines, đã có người bị cảnh sát bắn chết vì vi phạm lệnh cách ly và đe dọa lực lượng chức năng…
Cũng xin đừng quên, tại Mỹ, các phe phái chính trị cũng đã lợi dụng con bài “tự do” để kích động người dân chống đối kịch liệt lệnh cách ly, giãn cách của chính phủ. Bị dắt mũi bởi chiêu trò “quyền tự do”, hàng ngàn người đã đổ ra đường bất chấp lời kêu gọi hạn chế đi lại, giãn cách xã hội, thậm chí là đã nhổ nước bọt vào thực phẩm để lây nhiễm bệnh dịch. Hậu quả như thế nào, chắc hẳn RFA và các luật gia không thể nào không nhớ.
Vì chính lý do này, chúng ta có quyền hỏi rằng những người đang bày trò than khóc về “quyền tự do” đang thực sự muốn gì, nếu không phải là phá hoại công sức của người dân và chính quyền? Người dân không cần thứ “tự do” vô tổ chức có thể đạp đổ công sức suốt hàng tháng trời của cả thành phố, và càng không cần thứ “tự do” có thể mang lại cái chết cho hàng trăm ngàn người.
Hạnh Văn
Theo: Hội Cờ đỏ