Phó giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng khẳng định TP.HCM vẫn chưa có chủ trương cách ly F0 tại nhà và tình hình chưa đến mức phải sử dụng phương án này.
Chiều 10/7, TP.HCM họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19. Trước bối cảnh số ca bệnh tăng cao, phóng viên đã đặt câu hỏi cho lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM về việc thành phố có dự định cách ly, điều trị F0 không có triệu chứng tại nhà.
“Khi F0 phải tự điều trị là vỡ trận rồi đó”
Trả lời vấn đề này, ông Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết đây là cách làm được nhiều nước áp dụng nhưng Việt Nam chưa có chủ trương này.
“Chúng ta vẫn quyết tâm phát hiện sớm F0 để cách ly. Hoàn toàn có thể thực hiện được. Khi F0 phải tự điều trị là vỡ trận rồi đó. Còn ở đây, trong thời gian gian giãn cách cần làm quyết liệt và không đến nỗi phải sử dụng cách này”, ông Thượng nói.
Về vấn đề chuyển đổi công năng các bệnh viện, Phó giám đốc Sở Y tế giải thích bệnh nhân Covid-19 có thể chuyển nặng vì 2 nguyên do: Bệnh Covid-19 diễn biến nặng, tổn thương phổi nặng hoặc F0 là người mắc những bệnh lý nền khác rất nặng. Do đó, ngành y tế đang chuẩn bị phương án cấp cứu, điều trị cho 2 loại bệnh này.
Thành phố đang chọn bệnh viện đa khoa để chuyển đổi công năng thay vì bệnh viện chuyên khoa. Lý do là để bệnh nhân mắc Covid-19 nhưng có bệnh khác vẫn có thể điều trị.
Ông Thượng dẫn chứng vừa qua, có một trường hợp bệnh nhân Covid-19 bị bệnh thận nặng. Bệnh viện Thống Nhất chẩn đoán thủng ruột và chuyển đến Bệnh viện điều trị Covid-19 Trưng Vương. Đến nay, bệnh nhân này được điều trị thành công.
Lãnh đạo Sở Y tế cho biết 80% người mắc Covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Trong số đó, 5% có dấu hiệu chuyển nặng. Trong 5% này, khoảng 30% sẽ chuyển rất nặng.
Chuẩn bị 1.000 giường hồi sức
Để chuẩn bị ứng phó cho tình huống xấu, Sở Y tế TP.HCM đang lên kế hoạch cho kịch bản tiếp nhận 50.000 ca bệnh. Đến nay, 36.000 giường đã sẵn sàng.
Ngành y tế đã triển khai Bệnh viện Dã chiến 1, 2, 3, 4 và đang chuẩn bị Bệnh viện Dã chiến 5, 6, 7, 8 với tổng số khoảng 30.000 giường. Trong số này có 1.000 giường hồi sức.
Thông tin rõ hơn, ông Thượng cho biết theo gợi ý của Bộ Y tế, ngành y tế TP.HCM đã triển khai thêm giường hồi sức chuyên sâu với 4 trung tâm ứng cứu tiếp nhận, quy mô 1.000 giường nhằm ứng phó với số ca mắc ngày còn tăng.
Ngoài 300 giường tại Bệnh viện Chợ Rẫy và 300 giường tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, TP sẽ huy động Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện Nhân dân 115 tham gia.
Ông Thượng cho hay trước đây, ngành y tế chỉ để Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tham gia gián tiếp vì đây là hai bệnh viện tuyến cuối, có nhiều bệnh nhân nặng nên nếu không may xảy ra ca nhiễm thì “rất không hay”.
Tuy nhiên, do dịch diễn biến phức tạp, Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ thiết lập 200 giường hồi sức chuyên sâu đặt tại Bệnh viện huyện Bình chánh. Bệnh viện Nhân dân Gia Định được phân công 150 giường hồi sức, thiết lập tại Bệnh viện quận Gò Vấp. Tất cả nhân lực của bác sĩ, y tá, điều dưỡng sẽ được huy động từ Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Nhân dân Gia Định sang 2 cơ sở trưng dụng để chuyên làm hồi sức.
Thu Hằng
Theo: Cánh cò