Đừng vì những livestream gây sốt trên mạng xã hội khiến bản thân nổi tiếng mà cho rằng mình có sức mạnh hơn người, có thể dùng livestream để tấn công bất kỳ người nào mình không ưa…
Livestream, một hình thức phát video trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội đang dần trở nên thịnh hành ở Việt Nam. Thực chất, đây là một trong những tính năng hỗ trợ bán hàng online trên facebook rất hiệu quả, tính năng này cho phép người dùng phát trực tiếp video lên facebook tới bạn bè, khách hàng…
Tuy nhiên, việc lợi dụng hình thức livestream với các mục đích khác nhau để đưa lên sóng các video có nội dung vi phạm chuẩn mực đạo đức đang là vấn đề nhức nhối hiện nay. Sau làn sóng cổ suý, tung hô các livestream có nội dung kích động bạo lực của Khá bảnh, Dương Minh Tuyền thì gần đây, cơn sốt livestream lại chuyển hướng sang các video có nội dung nhắm vào đời tư, nhân thân của các văn, nghệ sĩ, người nổi tiếng, điển hình là livestream của bà Nguyễn Phương Hằng.
Để tăng độ nóng cho các buổi livestream của mình, bà Phương Hằng đã sử dụng hình thức diễn thuyết, bằng tài ăn nói, lập luận với một số tài liệu mà bà cho là “căn cứ tố cáo tiêu cực” nhắm vào một số văn, nghệ sĩ nổi tiếng. Chính sự nổi tiếng của những văn, nghệ sĩ này mà khi có thông tin tố cáo tiêu cực trên mạng xã hội đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm, cao điểm như livestream của bà Phương Hằng hồi cuối tháng 5-2021 thu hút hơn nửa triệu người xem cùng lúc, lập kỷ lục lượt người xem livestream trên mạng xã hội.
Một buổi livestream gây sốt mạng xã hội của bà Nguyễn Phương Hằng.
Khi lượt người xem tăng tỷ lệ thuận với sự ảnh hưởng của video mà họ chia sẻ, khi livestream chứa nội dung tiêu cực, chưa được kiểm chứng thì mức độ lan truyền, ảnh hưởng trong đời sống xã hội là không thể đong đếm. Livestream bà Phương Hằng tố cáo nghệ sĩ Hoài Linh cùng một số nhân vật hôm 25-5-2021, sự lan toả của video này tăng chóng mặt, những nội dung chia sẻ trong video được người dùng mạng và cả người không dùng mạng cũng biết tới. Từ đây đặt ra vấn đề livestream và đưa nội dung như thế nào lên livestream để đảm bảo đúng luật định, không bước qua “lằn ranh” pháp luật cấm? Chúng tôi thấy cần nhận thức rõ mấy điểm sau:
Thứ nhất, livestream là một tính năng phát huy nhiều lợi thế trong cuộc sống hiện đại, là minh chứng thể hiện tự do ngôn luận nhưng không có nghĩa livestream một cách tuỳ tiện. Livestream của bà Phương Hằng tố cáo việc tiêu cực của một số nghệ sĩ về nhân thân, đời tư, thậm chí tố cáo cả Chủ tịch UBND tỉnh. Với sự khéo léo hùng biện của mình cùng một số tài liệu đưa ra, bà Hằng cho rằng những cá nhân bà tố cáo là “có đủ bằng chứng thuyết phục”, do đó bà có quyền tố cáo những người này trên mạng xã hội, việc tố cáo đó là thể hiện quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận.
Tuy nhiên, cần thấy những tài liệu mà bà Hằng đưa ra là tài liệu bà tự thu thập và tự bà khẳng định là “đủ bằng chứng”, trong khi để gọi là bằng chứng kết luận một cá nhân, tổ chức nào đó sai phạm phải là kết luận của cơ quan có thẩm quyền. Không có chuyện tự mình tố cáo rồi tự mình suy diễn nói rằng đó là đúng, là được quyền. Chính vì sự tự ý tố cáo kiểu như vậy nên hồi tháng 4/2021, bà Hằng đã bị Sở Thông tin – Truyền thông TP.Hồ Chí Minh xử phạt 7,5 triệu đồng liên quan đến việc đưa thông tin làm tổn hại uy tín của UBND tỉnh Bình Thuận và cá nhân Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận.
Như nội dung tại livestream ngày 25/5, người xem có cảm tưởng bà Hằng “có đủ bằng chứng” tố cáo những cá nhân sai phạm. Ngay sau đó, Thanh tra Sở Thông tin – Truyền thông TP. Hồ Chí Minh đã làm việc với đại diện theo ủy quyền của bà Nguyễn Phương Hằng về những phát ngôn được phát trực tiếp trên tài khoản Facebook và kênh YouTube, xác định video có nội dung không chuẩn mực, phản cảm, gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội và cá nhân khác. Bà Nguyễn Phương Hằng cam kết sẽ rút kinh nghiệm, đồng thời sẽ cẩn trọng hơn trong phát ngôn khi sử dụng những từ ngữ làm ảnh hưởng đến người khác.
Rõ ràng, việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội là một dịch vụ bình thường, mọi người dùng đều có thể sử dụng để trao đổi, tương tác. Tuy nhiên, trong quá trình livestream, người dùng không được phát ngôn hoặc có những từ ngữ phản cảm, xúc phạm danh dự người khác, cũng không thể quy kết người này, người kia theo kiểu “quan toà” bởi với tài liệu, bằng chứng thu thập được chưa phải là căn cứ kết luận người khác. Ngay cả khi tài liệu được xác thực thì việc sử dụng nó như thế nào, ở mức độ nào, tố cáo bằng hình thức nào cũng đều có quy định và có giới hạn chứ không phải cứ có tài liệu là tung hô, thích nguyền rủa, chửi bới, miệt thị thế nào cũng được.
Thứ hai, người đọc thường có tâm lý tò mò về việc khuất tất, tiêu cực của người khác, đối với quan chức hay người nổi tiếng thì mức độ quan tâm, tò mò lại càng cao. Đồng thời, thường dễ tin, dễ nghe khi xem hay nghe ai đó nói, đưa ra lý lẽ tưởng như thuyết phục. Chẳng hạn, về livestream của bà Phương Hằng hôm 25/5, với hơn nửa triệu lượt người xem cùng lúc và rất nhiều người sau đó đã chia sẻ trên trang cá nhân của mình, tỏ ra tin, bị cuốn hút bởi khả năng ăn nói, hùng biện của bà Hằng. Điều này tác động vào tâm lý, ý thức, từ đó tin rằng nội dung tố cáo trên video là đúng, tin rằng các sai phạm, nhân thân, góc khuất… của những nhân vật, nghệ sĩ bị tố cáo trong video cũng là đúng. Điều này gây hậu quả rất khó lường bởi một livestream tức thời có thể “đánh sập” hình ảnh, sự nghiệp của cá nhân khác.
Thứ ba, với cá nhân người thực hiện các livestream như bà Phương Hằng, hơn ai hết cần nắm rõ các quy định luật pháp, các việc cần làm và không nên làm. Không phải vì những livestream gây sốt trên mạng xã hội khiến bản thân nổi tiếng, từ đó cho rằng mình có sức mạnh hơn người, có thể dùng livestream để tấn công bất kỳ ai, bất kỳ người nào mình không ưa. Cái đó rất nguy hiểm bởi khi mình được cộng đồng mạng đẩy “lên mây” thường bị ảo tưởng sức mạnh, không biết vị trí thực của mình và vượt qua lằn ranh pháp luật.
Trước cơn sốt livestream có nội dung tiêu cực trên mạng xã hội, vừa qua, Bộ Thông tin – Truyền thông đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý các vi phạm. Theo Bộ Thông tin – Truyền thông, thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng một số người lợi dụng các tính năng của mạng xã hội như livestream, chia sẻ hình ảnh, video clip, trao đổi theo nhóm (group chat)… để đăng tải nội dung vi phạm pháp luật.
Trong đó chủ yếu là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép… gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Trước thực trạng này, Bộ Thông tin – Truyền thông đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Thông tin – Truyền thông, Công an tỉnh, thành phố tăng cường rà quét, phát hiện kịp thời những nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội, chủ động xử lý nghiêm người vi phạm trên địa bàn. Đối với những trường hợp không xác định được danh tính, nhân thân của người vi phạm thì các địa phương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Công an để có biện pháp ngăn chặn, xử lý phù hợp.
Quyền nhân thân được quy định rõ trong Bộ luật Dân sự, mọi hành vi vi phạm, tuỳ mức độ đều có các chế tài tương ứng. Đừng huyễn hoặc tự cho mình quyền tự do ngôn luận để xâm phạm, miệt thị người khác trước đông đảo cộng đồng mạng bởi làm việc gì cũng phải theo đúng chuẩn mực, tuân thủ pháp luật. Đồng thời, đừng coi nhẹ yếu tố đạo đức bởi phải đặt mình vào hoàn cảnh người khác, phải tự hỏi rằng giả sử mình bị người khác tố cáo như vậy trên mạng xã hội thì sẽ như thế nào, hậu quả ra sao? Những tài liệu, bằng chứng đưa ra đã đủ để coi chứng lý chưa và có phải cứ có bằng chứng, tài liệu thì lên mạng nói gì cũng được, miệt thị gì cũng được không? Với người có học thức, người có vị trí, người có ảnh hưởng lớn trong xã hội càng phải nhận thức rõ điều đó.
Nguyễn Thành
Nguồn: Công an nhân dân
Theo: Hội Cờ đỏ