350 cán bộ, sinh viên của Trường Đại học Y Hà Nội tình nguyện vào Bình Dương hỗ trợ địa phương chống dịch Covid-19. Đây là các giảng viên và sinh viên năm cuối thuộc nhiều chuyên ngành đào tạo.
Chiều 5-7, Trường Đại học Y Hà Nội đã tổ chức tiễn các cán bộ, học viên và sinh viên tình nguyện của lên đường chi viện cho Bình Dương chống dịch Covid-19, với sự tham dự của đại diện Trung ương Đoàn, Thành đoàn Hà Nội.
GS-TS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội, cho biết 350 cán bộ, học viên của Trường gồm 11 giảng viên chuyên ngành hồi sức cấp cứu, nội khoa, nhi khoa, kỹ thuật y học, điều dưỡng; 339 sinh viên năm cuối thuộc các hệ bác sĩ y khoa, cử nhân điều dưỡng, y tế công cộng, y học cổ truyền. Đặc biệt, trong số này có 30 sinh viên hệ y học dự phòng từng tham gia chống dịch ở Bắc Ninh vừa hết cách ly cũng tình nguyện lên đường.
“Các cán bộ, sinh viên này đã được tiêm 2 mũi vắc-xin Covid-19 và đều có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi lên đường. Nhà trường cũng đã tổ chức đào tạo, tập huấn bài bản về truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm và chăm sóc điều dưỡng bệnh nhân Covid-19 cho đoàn cán bộ, sinh viên. Khác với các lần hỗ trợ trước, lần này đoàn hỗ trợ có 50 sinh viên năm cuối hệ điều dưỡng sẽ trực tiếp chăm sóc bệnh nhân trong các cơ sở y tế” -GS Văn nói.
Cũng theo GS Văn, nhiệm vụ của đoàn lần này là điều tra dịch tễ truy vết, lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 1 triệu dân ở 3 thành phố, 2 thị xã của Bình Dương, tham gia điều trị cho bệnh nhân tại Bình Dương. Đoàn sẽ làm việc theo sự chỉ đạo của Sở Y tế tỉnh Bình Dương. Dự kiến, thời gian hỗ trợ sẽ kéo đài 45 ngày.
GS Văn cho biết để việc hỗ trợ được hiệu quả, trước khi đoàn lên đường, lãnh đạo Trường Đại học Y Hà Nội đã chủ động làm việc với Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bình Dương, dựa trên kế hoạch tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm diện rộng của tỉnh Bình Dương để biết được nhu cầu của địa phương, từ đó, lên kế hoạch chi tiết với việc bố trí đúng người ở từng vị trí theo yêu cầu của địa phương.
Cũng theo GS Văn, đây là lần “xuất quân” đông nhất, xa nhất của Trường Đại học Y Hà Nội. Lần lên đường này cũng xác định sẽ khó khăn hơn so với các đợt hỗ trợ tại Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang.
“Ở những địa phương gần trường, các em cần hỗ trợ gì, nhà trường sẽ cung cấp ngay, nhưng lần này sẽ không thể tiếp ứng như vậy do khoảng cách địa lý rất xa. Các em cần tuyệt đối tuân thủ sự chỉ đạo của địa phương. Địa phương có điều kiện thế nào, các em hãy vận dụng trong hoàn cảnh đó, “ba cùng” với địa phương. Đây cũng là dịp rất tốt để các em trải nghiệm thực tế. Sứ mệnh của các sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội là không chỉ để lại ấn tượng về chuyên môn, mà còn cả về tình cảm với địa phương”- GS Tạ Thành Văn căn dặn.
Ông cho biết hiện Trường ĐH Y Hà Nội đang tiếp tục đào tạo, tập huấn cho khoảng 500-600 sinh viên làm lực lượng dự bị, sẵn sàng lên đường chống dịch khi được yêu cầu.
Ngay tối 5-7, GS-TS Tạ Thành Văn đã trực tiếp vào Bình Dương để rà soát lại công tác chuẩn bị thực hiện kế hoạch với UBND tỉnh Bình Dương, Sở Y tế, CDC tỉnh Bình Dương và các huyện, thị; rà soát lại toàn bộ thiết bị, đồ bảo hộ… trước khi đón đoàn hỗ trợ vào Bình Dương sáng 6-7.
Trong đợt dịch lần thứ 4 này, Bình Dương đã ghi nhận gần 700 ca mắc Covid-19, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Dịch đã xuất hiện ở 40 công ty, xí nghiệp cùng hàng chục khu nhà trọ công nhân. Ngành y tế Bình Dương nhận định số ca mắc Covid-19 hiện nay trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, nâng mức báo động dịch lên mức cao nhất, cần tập trung cắt đứt nguồn lây bệnh. Tỉnh triển khai lấy mẫu sàng lọc cho 1 triệu dân tại các khu vực nguy cơ cao. Tập trung nâng cao năng lực tiêm vắc-xin phòng Covid-19, trước mắt triển khai tiêm 20.000 liều vắc-xin đợt 4 và lập kế hoạch tiêm vắc-xin cho công nhân (khoảng 1 triệu liều).
N.Dung
Theo: Cánh cò