Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo phải sớm ngăn chặn dịch, tập trung hỗ trợ TP HCM, Bắc Ninh, Bắc Giang
Chiều 21-6, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19, chỉ đạo các biện pháp tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19. Dự hội nghị tại đầu cầu Chính phủ có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; các Phó Thủ tướng: Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; đại diện các bộ, ngành, lãnh đạo các tỉnh, thành phố.
Tại hội nghị, các ngành, địa phương đã thông tin về tình hình dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc, cũng như tại các địa phương có dịch diễn biến phức tạp và nguy cơ phức tạp như TP Hà Nội, TP HCM, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Bình Dương; công tác phòng chống dịch, nhất là các hoạt động xét nghiệm, truy vết, khoanh vùng, cách ly các địa điểm liên quan đến bệnh nhân mới mắc Covid-19…
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo; có thể bùng phát bất cứ nơi nào, lúc nào. Do đó, chúng ta không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và cần rút kinh nghiệm trong phòng chống dịch để điều chỉnh cách làm, cách tiếp cận, phù hợp với tình hình mới.
Thủ tướng yêu cầu các ngành, địa phương xác định rõ mục tiêu là ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi đợt bùng phát thứ 4 của dịch Covid-19; nhanh chóng ổn định tình hình, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường, phục vụ mục tiêu kép. Thủ tướng quán triệt phải sớm ngăn dịch để ổn định sản xuất – kinh doanh, với phương châm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân là trên hết, trước hết; trong đó, tập trung hỗ trợ TP HCM, 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, nhất là tại các khu công nghiệp.
Thủ tướng nhắc lại quan điểm, tư tưởng chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 là “chống dịch như chống giặc”, lấy người dân là chủ thể trung tâm, huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân vào chống dịch. Theo đó, cấp ủy, tổ chức Đảng là hạt nhân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị khác cùng với sự hợp tác của người dân ở cơ sở có tính chất quyết định trong phòng chống dịch. Hệ thống chính trị tại cơ sở phải vào cuộc quyết liệt hơn, đặc biệt phải nắm được ở cơ sở. Quản lý đối tượng tại địa bàn, phối hợp chặt chẽ hơn giữa công an, quân đội, lực lượng chuyên trách để làm tốt công tác bảo vệ cách ly, an ninh, trật tự, an toàn, an dân. Các địa phương, nhất là người đứng đầu, phải phát huy cao độ hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ, tự lo, tự chịu trách nhiệm với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định; sẵn sàng 4 tại chỗ, ứng phó phù hợp, không trông chờ, ỷ lại trung ương, không mong đợi sự giúp đỡ của cơ quan, tỉnh bạn.
Về thực hiện “Chiến lược vắc-xin”, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các ngành đẩy mạnh các giải pháp, mua vắc-xin nhanh nhất, nhiều nhất có thể. Trong đó, các ngành lưu ý phải thống nhất lại một mối, phối hợp thật tốt để bảo đảm cấp phép, quản lý, bảo đảm chất lượng vắc-xin; chống cạnh tranh giữa tư nhân và nhà nước; tiếp cận một cách bình đẳng, trong sáng vô tư; chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm sinh phẩm, vắc-xin; tiếp nhận chuyển giao thần tốc hơn, mạnh mẽ hơn về công nghệ sản xuất vắc-xin, nhanh chóng đưa sản phẩm vào thử nghiệm rộng rãi hơn.
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý đến việc xây dựng chiến dịch thần tốc tiêm vắc-xin ở tất cả các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành. Đồng thời cần làm tốt hơn nữa công tác thông tin, truyền thông, kêu gọi người dân vào cuộc, truyền cảm hứng, động viên người dân, phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tuyên truyền thật bình đẳng cho các nguồn vắc-xin để người dân không so bì, chờ đợi.
Về những khó khăn, vướng mắc trong phòng chống dịch, Thủ tướng yêu cầu các ngành, các cấp tháo gỡ với tinh thần “3 không”: không nói không có cơ chế chính sách, hành lang pháp lý; không được nói không có kinh phí (dù khó khăn, phải kêu gọi hỗ trợ nhưng phải dành nguồn lực để chống dịch); không nói không có sinh phẩm, thiết bị. Đi liền với đó là rút kinh nghiệm, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để việc phòng chống dịch được phù hợp với tình hình và đạt hiệu quả hơn như: xây dựng các quy định về mua vắc-xin; quy định chống dịch trong các khu công nghiệp, cơ sở y tế, các khu cách ly; tiêu chuẩn, quy định thí điểm cách ly tại nhà; cơ chế xã hội hóa xét nghiệm…
Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng giao các bộ, ngành và các địa phương xây dựng các phương án, kịch bản phòng chống dịch Covid-19 và tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 bảo đảm an toàn, đúng luật, hiệu quả, giảm tối đa sự phiền hà cho học sinh, phụ huynh.
Hà Nội cho phép hoạt động một số dịch vụ
Bộ Y tế cho biết trong ngày 21-6, Việt Nam ghi nhận 272 ca mắc Covid-19, trong đó có 5 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 267 ca ghi nhận trong nước (258 ca trong khu cách ly, khu vực phong tỏa). TP HCM là địa phương ghi nhận nhiều ca bệnh nhất, với 166 ca, kế đến Bắc Giang 51 ca, Bình Dương 21 ca; số còn lại rải rác ở các địa phương. Đến nay, tổng số ca mắc Covid-19 ở nước ta là 13.483, trong đó 11.780 ca ghi nhận trong nước và 1.703 ca nhập cảnh. Trong ngày, Việt Nam cũng ghi nhận 3 ca tử vong là bệnh nhân cao tuổi, có bệnh nền, trong đó có 2 bệnh nhân ở TP HCM và 1 trường hợp ở Bắc Giang. Hiện số ca tử vong liên quan đến Covid-19 ở nước là 69, riêng đợt dịch này đã ghi nhận 34 ca.
Ngày 21-6, UBND TP Hà Nội có văn bản về thực hiện một số biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP trong tình hình mới. UBND TP Hà Nội cho phép mở cửa trở lại dịch vụ cắt tóc, gội đầu; cho phép hoạt động dịch vụ ăn uống nhưng phải bảo đảm khoảng cách, có tấm chắn giữa người với người, ngồi không quá 50% công suất phòng và không quá 20 người, đóng cửa trước 21 giờ hằng ngày. Riêng nhà hàng rượu, quán rượu, bia, bia hơi chỉ được phép bán hàng mang về.
Duy Quốc
Theo: Cánh cò