Trên mạng xã hội những ngày qua lan truyền thông tin một nam công nhân quê Lạng Sơn mắc kẹt trong vùng phong tỏa ở Bắc Giang phải ăn mì tôm 19 ngày, hết mì tôm phải uống nước trừ bữa 2 ngày…
Theo thông tin lan truyền trên mạng xã hội những ngày qua, nam công nhân này quê tỉnh Sơn La xuống Bắc Giang làm thời vụ, hiện ở trọ tại xã Tân Tiến, thành phố Bắc Giang. Khi dịch Covid-19 bùng phát, địa phương thực hiện cách ly, lập các chốt kiểm soát, công nhân này phải nghỉ việc không được ra ngoài. Do mới xuống làm thời vụ nên người này chưa được nhận lương, vay mượn tạm được 300 nghìn đồng mua thùng mì tôm ăn dè được 19 ngày, hết mì tôm phải uống nước trừ bữa.
Sau 21 ngày cách ly y tế, chính quyền tháo chốt kiểm soát, công nhân này mang điện thoại đi cắm lấy tiền mua thùng mì tôm. Thấy tay chân thanh niên này run lẩy bẩy, người dân hỏi thì được công nhân này cho biết mấy hôm nay không có gì ăn.
Cũng theo thông tin trên mạng, thanh niên này có hoàn cảnh khó khăn, mẹ bỏ đi, bố ở nhà nuôi em nhỏ.
Sau khi thông tin này được đăng tải trên mạng xã hội đã gây xôn xao dư luận. Nhiều người chưa tìm hiểu sự việc đúng hay sai đã vội kết luận chính quyền ở khu phong tỏa thiếu quan tâm cung cấp nhu yếu phẩm cho dân.
Chiều 12/6, trao đổi với phóng viên về thông tin trên, ông Ngô Sỹ Long – Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Bắc Giang – cho biết, ngay sau khi thông tin được đưa lên mạng, lãnh đạo thành phố Bắc Giang đã chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ. Ông Long và các cơ quan chức năng đã trực tiếp xuống làm việc với chính quyền địa phương và trường hợp thanh niên nói trên tại nhà trọ.
Qua đó, đã làm rõ trường hợp trên là Lương Ngọc H. (sinh năm 2004, quê quán xã Thạch Hòa, Văn Lãng, Lạng Sơn), làm nghề tự do, trọ tại nhà bà Tăng Thị Tính ở xã Tân Tiến.
Ông Long cho biết từ tháng 5 đến nay, do dịch Covid-19 hoành hành ở Bắc Giang nên H. phải nghỉ việc, ở tại phòng trọ. Khi địa phương bị cách ly, phong tỏa, chủ phòng trọ và chính quyền địa phương vẫn quan tâm, hỗ trợ nhu yếu phẩm và tiền cho H.
Cũng theo ông Long, qua xác minh, việc H. chỉ ăn mì tôm suốt nhiều ngày là do lười không muốn nấu cơm chứ không phải không có gạo. Sau khi thông tin được đăng tải lên mạng xã hội, H. đã nhận được rất nhiều quà, thực phẩm và hơn 30 triệu đồng tiền mặt do người dân ủng hộ.
Ông Long chia sẻ, việc người dân hỗ trợ H. là điều tốt đẹp, đáng quý, nhưng ông lo lắng đây sẽ trở thành tiền lệ xấu. Bởi trong thời điểm dịch bệnh, nhiều nơi khó khăn, nếu ai cũng cứ khó khăn một chút lại nhờ người đăng lên mạng hô hào nhận tiền, quà thì sẽ tạo tiền lệ không tốt, thiếu bình đẳng cho người khác. Thực tế, ngay trong khu trọ H. thuê cũng còn nhiều người khó khăn.
Ông Long cho rằng trong lúc dịch bệnh phức tạp, chính quyền, đoàn thể các cấp căng mình chống dịch nên không thể tức khắc lo chu toàn đầy đủ cho mọi người dân, nhưng người dân đều đã chia sẻ rất tốt với tinh thần tương thân, tương ái. Ông khẳng định, thông tin trên mạng xã hội đưa về trường hợp của H. là không đúng bản chất sự việc.
Bá Đoàn
Theo: Hội Cờ đỏ