Chốt sẽ gặp nhau ở Geneva, Thụy Sĩ, ngày 16/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin sẽ bàn bạc về một loạt vấn đề, trong trạng thái căng thẳng.
Thời điểm này rơi vào phần cuối của chuyến công du đã được lên lịch của Tổng thống Mỹ tới Anh để dự hội nghị thượng đỉnh G7 và tới Brussels để gặp gỡ các nhà lãnh đạo NATO, một dịp mà nhà ông Biden có nhiều thời gian để lắng nghe các đồng minh của Mỹ trước khi gặp ông Putin.
Trong một tuyên bố thông báo về cuộc gặp, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết hội nghị thượng đỉnh sẽ bao gồm “toàn bộ các vấn đề cấp bách” khi Mỹ tìm cách “khôi phục sự ổn định và năng lực dự đoán” cho quan hệ với Nga.
Theo BBC, nội dung này cũng chính là những gì Ngoại trưởng Antony Blinken đã đưa ra trong cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov ở Iceland tuần trước. Khi đó, ông Blinken khẳng định mục tiêu của Tổng thống Biden là một “mối quan hệ ổn định, có thể đoán trước được với Nga”.
Một loạt vấn đề và căng thẳng
Khi hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga gặp nhau, họ sẽ có nhiều điều để nói.
Một danh sách ngắn các chủ đề bao gồm kiểm soát vũ khí, biến đổi khí hậu, sự can dự của quân đội Nga ở Ukraina, các hoạt động tấn công mạng của Nga, bao gồm vụ SolarWinds năm 2020 vào các mạng máy tính của cả tư nhân lẫn chính phủ Mỹ, cùng cáo buộc đầu độc và bỏ tù nhà bất đồng chính kiến người Nga Alexei Navalny.
Những cuộc trò chuyện đó dường như sẽ căng thẳng, vì trong thời gian qua, ông Biden và ông Putin đã có những ngôn từ gay gắt dành cho nhau, dẫn tới việc Nga triệu hồi đại sứ ở Mỹ.
Theo BBC, có rất ít kỳ vọng về bất kỳ kết quả cụ thể nào từ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ Nga này, ngoài hy vọng nó sẽ dẫn đến cải thiện quan hệ và sự hiểu biết giữa hai nhà lãnh đạo.
Cấm vận được áp đặt và từ bỏ
Góp phần vào căng thẳng giữa Washington và Moscow hiện nay là các biện pháp trừng phạt mới mà chính quyền Tổng thống Biden áp đặt vào tháng trước, chẳng hạn trừng phạt về vụ hack Solar Winds bao gồm các hạn chế mới về giao dịch giữa các tổ chức tài chính Mỹ và chính phủ Nga, cùng các lệnh trừng phạt đối với nhiều doanh nghiệp Nga và trục xuất một số nhà ngoại giao Nga khỏi Mỹ.
Nếu các biện pháp trừng phạt đó là “cây gậy” ngoại giao, thông báo tuần trước rằng Mỹ sẽ từ bỏ các lệnh trừng phạt liên quan dự án ống dẫn khí Nord Stream 2 (hiện đã gần hoàn thành giữa Nga và Đức) được đánh giá có thể giúp xoa dịu căng thẳng trong thời gian từ nay đến khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh. Tuyên bố này cũng nhằm tránh gây khó chịu cho Đức – một trọng tâm không kém phần quan trọng của chính quyền ông Biden trong nỗ lực cải thiện quan hệ với EU.
Yếu tố Trump
Nếu sự ổn định và khả năng dự đoán là một phần mục tiêu của Tổng thống Biden, nó sẽ đánh dấu sự tương phản rõ rệt so với thời người tiền nhiệm, Donald Trump – bắt đầu bằng những cáo buộc được tình báo Mỹ xác nhận rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 và đứng đằng sau các cuộc tấn công mạng nhằm vào đảng Dân chủ và ứng viên tổng thống Hillary Clinton.
Những cuộc tấn công đó phủ bóng đen lên phần lớn nhiệm kỳ tổng thống Trump, dẫn đến cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller, đồng thời phơi bày mối liên hệ giữa các thành viên của chiến dịch Trump và nhiều công dân Nga (mặc dù cuộc điều tra không tìm thấy bằng chứng về sự phối hợp giữa hai bên).
Khi ông Trump và ông Putin có hội nghị thượng đỉnh 1 1 đầu tiên và duy nhất tại Helsinki, Phần Lan, vào tháng 7/2018, nhà lãnh đạo Mỹ khi đó đã gây tranh cãi khi tuyên bố ông tin lời khẳng định của người đồng cấp Nga rằng Moscow không dính dáng gì đến vụ tấn công mạng bầu cử, bất chấp kết luận ngược lại của tình báo Mỹ.
Trong chiến dịch tranh cử và trong suốt thời gian cầm quyền, Tổng thống Trump bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho ông Putin dù chính quyền của ông vẫn thông qua các lệnh trừng phạt do Quốc hội ủy nhiệm nhằm vào Nga.
Phép thử trực tiếp
Những lời lẽ của chính quyền ông Biden đối với Nga có sự khác biệt rõ rệt, dù không phải lúc nào hành động cũng đi đôi với lời nói. Điều này đã dẫn đến nhiều chỉ trích về các chính sách Nga của Nhà Trắng, từ cả bạn bè lẫn đối thủ chính trị.
Sau thông báo từ bỏ trừng phạt Nord Stream 2, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Menendez, một thành viên Dân chủ, bình luận rằng ông không thấy động thái này giúp “chống lại sự xâm lược của Nga ở châu Âu”.
Các hội nghị thượng đỉnh Mỹ Nga luôn là những hành động ngoại giao có tính chất ngoại giao cao độ, với việc các tổng thống Mỹ phải đi đúng hướng khi thế giới nhìn vào.
Ông Biden, từng là cựu phó tổng thống và chuyên gia quan hệ đối ngoại lâu năm tại Thượng viện, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ngoại giao và dường như rất thích phát triển quan hệ trực tiếp với các nhà lãnh đạo thế giới
Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh Geneva sẽ là một trong những phép thử trực tiếp lớn nhất trong sự nghiệp chính trị của ông.
Thanh Hảo
Theo: Cánh cò