Bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 vừa được Việt Nam tổ chức thành công với 66.231.984 cử tri (chiếm tỉ lệ 95,65%) đã tham gia bỏ phiếu. Việc Việt Nam tổ chức bầu cử thành công khẳng định sự đồng thuận giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân ngày càng sâu sắc. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các “nhà dân chủ” sẽ không có chỗ hoạt động, con đường đi đến “nghĩa địa” của “phong trào dân chủ nửa mùa” càng ngày càng gần.
Ngày 23/5, cử tri cả nước đã đồng loạt đi bỏ phiếu bầu cử. Việc phần lớn người dân đi bỏ phiếu bầu cử thể hiện rõ trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền. Theo quy định, kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội sẽ được công bố chậm nhất vào ngày 12/6/2021; kết quả bầu cử HĐND các cấp được công bố chậm nhất vào ngày 2/6/2021.
Tuy nhiên, bên cạnh đại đa số công dân có trách nhiệm với đất nước, một số ít các đối tượng xấu, chống đối, cơ hội chính trị đã có những động thái chống phá, xuyên tạc công tác tổ chức bầu cử của đất nước. Mục đích chính của những đối tượng này là bôi lem, vấy bẩn công tác bầu cử tại Việt Nam; tạo ra luồng dư luận trái chiều, tiêu cực, thiếu chính xác về công tác bầu cử; tạo cớ chống phá Đảng, Nhà nước.
Những tiếng “loa rè” núp bóng “dân chủ”
Sau những màn “tự ứng cử” và kêu gọi “tẩy chay bầu cử” không thành công, “làng dân chủ” tiếp tục thể hiện bộ mặt gian xảo, chống phá bằng cách bôi lem, xuyên tạc công tác tổ chức bầu cử, đặc biệt là hoạt động đi bỏ phiếu của đại đa số công dân. Bằng thủ đoạn cắt ghép hình ảnh, xuyên tạc, phát tán những thông tin sai trái, gán ghép…
Ngay trong ngày bầu cử, chúng ta đã được xem những màn diễn hề của các “nhà dân chủ”. Không ít đối tượng hả hê livestream lên mạng khi các tổ bầu cử mang hòm phiếu di động đến để thuyết phục họ thực hiện quyền bỏ phiếu. Thay vì bỏ phiếu, thay vì thực hiện quyền công dân được quy định trong Hiến pháp, những kẻ này đã dùng nhiều lời nói thiếu tôn trọng với thành viên trong tổ bầu cử, mà hầu hết là những người cao tuổi, có uy tín tại địa phương.
Trên những trang mạng xã hội do các cá nhân, tổ chức chống phá điều hành cũng như một số trang mạng nước ngoài như Việt Tân, Chân trời mới media, Dân làm báo VN, Thanh niên công giáo, BBC Tiếng Việt, VOA Tiếng Việt, RFA… đã tích cực đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết với nội dung không khách quan, sai trái, mang tính xuyên tạc một cách trắng trợn về vấn đề bầu cử của Việt Nam. Trong đó, các đối tượng đang cố tình tô vẽ, cho rằng việc bầu cử ở Việt Nam là không khách quan, kết quả bầu cử không trung thực, dân không bầu vẫn đắc cử, “ghế” đã được xếp trước… Ngoài ra, một số đối tượng lại lu loa luận điệu rằng người dân Việt Nam đi bầu cử với tỷ lệ cao là do bị Đảng, Nhà nước “bắt ép” phải tham gia bầu cử. Một số đối tượng khác “không ăn được thì đạp đổ”, sau những màn “tự ứng cử” thất bại đã cố tung ra luận điệu vu khống rằng những đại biểu được bầu là những người không đủ đức, không đủ tài, không đủ điều kiện để đại diện cho nhân dân…
Bầu cử là quyền lợi, trách nhiệm của công dân với đất nước
Việc tham gia bầu cử trước hết là quyền lợi của mỗi người dân. Để có quyền bầu cử, nhiều thế hệ cha ông ta đã phải đổ xương máu xuống chiến trường. Vì vậy, việc không tham gia bầu cử trước hết là tự bỏ qua quyền công dân của chính mình. Mà cũng cần nói thẳng, “vắng mợ thì chợ vẫn đông”. Suy cho cùng, nhóm “dân chủ cuội” cũng chỉ là thiểu số trong xã hội. Vì vậy, họ có bỏ phiếu hay không thì cũng không ảnh hưởng nhiều.
Bỏ phiếu bầu cử là quyền lợi và đồng thời cũng là trách nhiệm của mỗi công dân trong việc xây dựng đất nước. Chúng ta không bắt buộc mọi công dân phải đi bầu cử, không có chuyện “vì Đảng, Nhà nước ép buộc người dân phải đi bầu cử nên tỷ lệ cử tri bỏ phiếu mới cao” như luận điệu được các đối tượng xấu đang tung ra. Việc tỷ lệ lớn cử tri đi bầu cử thể hiện rõ sự đồng thuận, ý thức trách nhiệm của người dân trong việc xây dựng đất nước. Đồng thời, đây cũng là cú tát thẳng mặt vào giọng điệu đòi “tẩy chay bầu cử” của những kẻ chống phá.
Xung quanh luận điệu được các đối tượng đang rêu rao cho rằng việc bầu cử ở Việt Nam không khách quan, kết quả bầu cử không trung thực, dân không bầu vẫn đắc cử, “ghế” đã được xếp trước…, đây tiếp tục là những giọng điệu hàm hồ, dối trá, lộng ngôn, vô căn cứ. Hiện tại, kết quả bầu cử vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, qua hình ảnh lá phiếu gạch bỏ tên đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang được nhóm “dân chủ cuội” tích cực đăng tải có thể thấy việc bỏ phiếu là hoàn toàn tự do, dựa trên ý trí của cử tri, không một ai có thể thay đổi kết quả, cưỡng ép cử tri phải gạch người này, bỏ người kia.
Kết quả bầu cử là điều cử tri cả nước đang chờ đợi. Việc tổ chức bầu cử thành công cũng đồng nghĩa với việc đất nước Việt Nam sẽ ngày càng vững mạnh, và những kẻ “dân chủ nửa mùa” sẽ ngày càng bị héo úa bởi không còn đất sống.
Bảo An
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.
Theo: Hội Cờ đỏ