Luật Đất đai là một trong những luật cơ bản, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống xã hội. Trong nhiều năm qua, không ít đối tượng xấu, cơ hội chính trị đã lợi dụng danh nghĩa “yêu cầu sửa đổi Luật Đất đai” để đưa ra những yêu sách phi lý, sai trái, đánh lạc hướng dư luận.
Năm 2013, Luật Đất đai được triển khai đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Nhưng nhìn nhận một cách khách quan, có thể thấy một số quy định hiện hành của Luật Đất đai hiện hành còn không phù hợp với thực tiễn, không đồng bộ với một số Luật liên quan. Trong đó, Ban Nội chính Trung ương đã nêu rõ một số tồn tại, hạn chế trong Luật Đất đai là: nguồn lực về đất đai vẫn chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn diễn ra; thiếu các cơ chế phù hợp để tăng cường khả năng tiếp cận đất đai; quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp diễn ra còn chậm, chưa theo kịp nhu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tình trạng vi phạm chính sách, pháp luật về đất đai diễn ra khá phổ biến; khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai vẫn chiếm tỷ lệ lớn, là nguy cơ gây ra những bất ổn trong xã hội…
Trước thực trạng trên, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai là nhiệm vụ mang tính cấp thiết.
Trong Chương trình hành động khi ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có nêu một trong những nhiệm vụ trọng tâm sẽ thực hiện là quan tâm giải quyết những bức xúc về đất đai. Trước vấn đề này, Việt Tân cùng một số đối tượng dân chủ đã nhanh chóng “ăn bám” sự kiện, cố tình bôi lem, hạ thấp uy tín của Chủ tịch Quốc hội bằng lập luận cho rằng: “lời hứa hẹn như vừa nêu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ không có gì mới lạ và cũng không mang lại chút hy vọng gì về vụ việc của họ được giải quyết rốt ráo”. Đồng thời, các đối tượng này cũng ráo riết tung ra luận điệu đòi thay đổi quy định của Hiến pháp về sở hữu đất đai. Cụ thể, những kẻ này cho rằng: “phải chuyển từ chế độ sở hữu toàn dân đối với toàn bộ đất đai sang chế độ đa sở hữu về đất đai, trong đó có sở hữu tư nhân”, “Muốn tư nhân hóa thì thứ nhất phải đa đảng. Phải tự do lập hội và tự do ngôn luận. Thứ hai là sở hữu tư nhân. Thứ ba là tư pháp độc lập. Sở hữu tư nhân phải có tư pháp độc lập”, “Thay đổi Luật Đất đai phải thay đổi thể chế chính trị”.
Trước hết, đối với quan điểm cho rằng phải thay đổi Hiến pháp, phải chuyển từ chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai sang chế độ đa sở hữu về đất đai, cần phải khẳng định đây là quan điểm ẩn chứa những mưu đồ vô cùng thâm độc. Thực tế, nếu chúng ta thay đổi Hiến pháp, chấp nhận đa sở hữu về đất đai cũng đồng nghĩa với việc các cá nhân có thể chuyển nhượng đất cho bất cứ ai mà họ muốn. Đồng thời, người sở hữu đất có thể sử dụng vào bất kì mục đích gì. Hệ quả kéo theo là người nước ngoài có thể sở hữu đất đai tại Việt Nam. Hãy thử tưởng tượng, nếu toàn bộ đất đai khu vực miền Trung, Tây Nguyên bị người nước ngoài sở hữu thì kết quả sẽ ra sao? Nếu chiến tranh xảy ra thì đất nước sẽ lâm vào hoàn cảnh như thế nào? Chắc chắn nếu trường hợp đó xảy ra, các khu vực trên sẽ trở thành những căn cứ để các thế lực bên ngoài tấn công chính quyền Việt Nam.
Nhân dân là chủ sở hữu tối cao của đất nước, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân nên việc quy định “đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” là điều hiển nhiên, phù hợp với thực tiễn cũng như lịch sử đất nước. Chế độ sở hữu đất đai toàn dân là để bảo đảm sự công bằng, bình đẳng trong việc hưởng các lợi ích đất đai. Nếu chúng ta công nhận sở hữu tư nhân về đất đai thì rất có thể đất đai sẽ nhanh chóng tập trung vào một bộ phận người giàu, tạo ra sự bất công trong vấn đề sở hữu, sở dụng đất đai.
Tiếp theo, đối với lập luận đòi đa nguyên, đa đảng và thay đổi thể chế chính trị, rõ ràng việc đưa ra quan điểm này không chỉ đơn thuần nhằm mục đích “đòi quyền lợi về đất đai” cho người dân mà đây là một thủ đoạn chính trị. Thực tế cho thấy đa nguyên, đa đảng không phải là cách để giải quyết những tồn tại, hạn chế của Luật Đất đai. Mục đích khi đưa ra lập luận này của các đối tượng là đòi thay đổi chế độ, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi thay đổi định hướng cách mạng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang tiến hành. Nếu chúng ta tin tưởng theo các lời lẽ mị hoặc được các đối tượng xấu đưa ra, chấp nhận đa nguyên, đa đảng thì cũng đồng nghĩa với việc tự tay đập vỡ nền hòa bình của dân tộc, khiến cho tình hình đất nước trở nên gây mất an ninh, trật tự. Bài học về sự “dân chủ” dưới danh nghĩa đa nguyên, đa đảng tại Myanmar hay tại các nước Arab là tấm gương để chúng ta nhìn vào. Khi đa nguyên, đa đảng, thay đổi thể chế một cách thô thiển, nửa mùa, chẳng những chúng ta không giải quyết được các tồn tại trong vấn đề đất đai mà còn khiến đất nước bị tụt lùi, bất ổn.
Đảng, Nhà nước Việt Nam đang tích cực nghiên cứu để hoàn thiện hành lang pháp lý về vấn đề đất đai. Chúng ta sẵn sàng lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân. Đồng thời, trước các luận điệu sai trái về vấn đề đất đai cũng sẽ phải nhanh chóng đấu tranh, phản bác.
Bảo An
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.
Theo: Hội Cờ đỏ