Các chuyên gia cho rằng nguy cơ sốc phản vệ có thể xảy ra với bất cứ ai không chỉ tiêm vắc xin mà ngay cả khói xe bus, dọc mùng, thái hành cũng có thể bị sốc phản vệ.
Theo BS Từ Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Y tế An Giang, ngày 7/5 trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận một trường hợp tử vong do sốc phản vệ sau tiêm chủng vắc xin Covid-19 của AstraZeneca.
Nguyên nhân dẫn đến tử vong là sốc phản vệ trên nền cơ địa dị ứng non steroid (giảm đau kháng viêm).
GS Nguyễn Gia Bình – Tổ trưởng Tổ điều trị Covid-19 nặng cho biết trường hợp sốc phản vệ bất cứ tình huống nào cũng có thể xảy ra. Theo GS Bình, không chỉ tiêm vắc xin mà ngay cả thuốc cảm cúm hay một tác nhân dị ứng nào cũng có thể gây sốc phản vệ.
GS Bình từng cấp cứu ca sốc phản vệ nặng sau khi ăn dọc mùng. Hay gần đây nhất 1 nam thanh niên ở Phú Thọ sốc phản vệ chỉ vì thái củ hành. Có nhiều người cứ sử dụng khí dung là khó thở do dị ứng với tá dược sau đó, có khi chỉ đi sau xe bus cũng gây sốc phản vệ, tiếp xúc với hóa mỹ phẩm, phấn hoa, thực phẩm, dị ứng hải sản từ động vật tới thực vật đều có nguy cơ sốc phản vệ.
GS Bình cho rằng trong cuộc sống bất cứ điều gì cũng có thể gây ra sốc phản vệ. Sốc phản vệ là phản ứng lại cơ chế bảo vệ cơ thể của mình và rủi ro sốc phản vệ có thể xảy ra với bất cứ ai. Hiện nay, GS Bình luôn luôn khuyến cáo các bác sĩ, nhân viên y tế không chờ đợi người sốc phản vệ có triệu chứng nặng mà bất cứ tiêm, truyền gì chỉ cần bệnh nhân có biểu hiện khác thường thì tiêm ngay một ống adrenaline liều nhỏ không nguy hiểm nhưng lại có thể cứu người bệnh thoát chết trong gang tấc. Adrenaline có tác dụng co mạch, giãn phế quản nên đây là thuốc có tác dụng tuyệt đối với sốc phản vệ nên tiêm bắp, mạch trước đùi hấp thu tốt, sử dụng liều nhỏ.
Khi sử dụng những thực phẩm lạ, thuốc lạ thì chính bệnh nhân đó cần tìm hiểu xem bản thân có tiền sử dị ứng hay không. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp không sốc phản vệ với thành phần của thuốc mà lại sốc phản vệ thành phần bảo quản thuốc. Có bệnh nhân chỉ tiêm xong đã mất mạch không thể bắt được, có người thì biểu hiện xảy ra từ từ hơn.
GS Bình cho rằng đối với tiêm vắc xin cũng giống như bất cứ thuốc gì người ta đều lựa chọn giữa hai điều lợi ích và rủi ro. Khi lợi ích lớn thì vẫn nên chọn tiêm vắc xin.
Còn GS Nguyễn Văn Kính – nguyên Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết bản thân ông đã tiêm vắc xin Covid-19 đủ hai mũi. Hiện nay các loại vắc xin hay bất cứ thuốc gì đều có thể gây sốc phản vệ. Vắc xin Covid-19 trên thế giới người ta đã ghi nhận cả nghìn người tử vong vì tiêm nhưng để đánh đổi trước đại dịch thì chúng ta vẫn cần chọn vắc xin hơn là để dịch tự bùng phát.
GS Kính cho biết không riêng gì vắc xin Covid-19 mà chỉ cần tiêm B1 cũng có người tử vong. Hiện, vắc xin AstraZeneca cũng được báo cáo khoảng 39 ca tử vong sau tiêm nhưng hiện các nước vẫn lựa chọn vắc xin này. Nếu ở Việt Nam tiêm 1 triệu mũi vắc xin mà phản ứng sốc phản vệ là 1 trường hợp cũng không nên quá lo lắng.
Nguy cơ sốc phản vệ có thể do cơ địa của từng người. GS Bình cho biết cấp cứu sốc phản vệ quan trọng nhất đó là cấp cứu ban đầu. Ở các cơ sở y tế chỉ cần tiêm adrenaline ngay lập tức. Ở gia đình nếu nhẹ có thể sử dụng các thuốc kháng histamin.
Cấp cứu sốc phản vệ rất phức tạp nếu trong vòng 10 phút không được cấp cứu thì lượng nước trong lòng mạch sẽ nhanh chóng thoát ra ngoài gây mất nước nhanh chóng cho bệnh nhân và tử vong.
Tại BV Bạch Mai, GS Bình cho biết khi tiêm vắc xin Covid-19 phải chuẩn bị sẵn adrenaline rút vào xi lanh và chỉ cần tiêm xong có bất thường sẽ tiêm ngay vào đùi điều này sẽ giúp người bị sốc phản vệ được cứu sống. Không nên chờ đến khi người bệnh có dấu hiệu khó thở, tím tái mới vội vàng đi tìm thuốc adrenaline.
Khánh Chi
Theo: Cánh cò