Thủ tướng nhấn mạnh không lơ là, chủ quan nhưng cũng không nên quá hoảng hốt, đưa ra những quy định vội vàng làm phương hại đến ổn định xã hội và phát triển kinh tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP
Chủ trì và phát biểu tại hội nghị trực tuyến với Ban chỉ đạo quốc gia và 63 tỉnh, thành phố về phòng chống dịch Covid-19 diễn ra chiều 7/5 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, không được để tình trạng một người thiếu ý thức phòng chống dịch khiến cả xã hội phải vất vả.
Qua truy vết và phân tích nguồn lây, Ban chỉ đạo quốc gia xác định ổ dịch Hà Nam liên quan đến bệnh nhân 2899, ổ dịch Yên Bái, Vĩnh Phúc liên quan đến nhóm chuyên gia Ấn Độ và Trung Quốc, ổ dịch tại Bệnh viện K lây lan từ ổ dịch Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Tuy nhiên ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và một số ca bệnh ở Đà Nẵng, Hải Dương không rõ nguồn lây. Điều đó cho thấy, trong cộng đồng đã có mầm bệnh.
Tuy nhiên, số cơ quan đơn vị tự đánh giá cập nhật về các điều kiện phòng dịch lên hệ thống an toàn Covid-19 đang rất thấp. Hiện chỉ có 32% bến tàu, bến xe; 33% doanh nghiệp vận tải; 0,17% cơ sở sản xuất, 25% khách sạn và 21% khách sạn được sử dụng làm nơi cách ly tập trung thực hiện được việc này.
Trong các nguyên nhân dẫn đến đợt dịch thứ 4 bùng phát, có tình trạng quản lý người nhập cảnh không tốt, trong đó có đối tượng chuyên gia. Trong quý 1 có gần 20.000 chuyên gia và lao động nước ngoài nhập cảnh, phần lớn được cách ly ở khách sạn, nhưng cả quá trình cách ly tập trung và quá trình theo dõi y tế tại doanh nghiệp đều bị buông lỏng.
Đại diện Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Kiên Giang cho biết: “Có trường hợp trong giấy tờ chứng nhận hoàn thành cách ly của chuyên gia không ghi đơn vị mà đến để làm việc nên khó có thể kiểm soát được…”
Thực tế trong công tác phòng chống dịch bệnh vừa qua cũng nổi lên việc kiểm tra, giám sát, cách ly tại nhà ở nhiều địa phương bị buông lỏng. Trong khi tình trạng nhập cảnh trái phép diễn biến phức tạp, virus biến chủng từ Ấn Độ có tốc độ lây lan nhanh. Từ ổ dịch tại Bệnh viện K và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, các bệnh viện phải mở rộng tầm soát những khu vực có nguy cơ cao như khoa khám bệnh, cấp cứu, thận nhân tạo. Bệnh nhân và nhân viên y tế cần được lấy mẫu xác xuất và định kỳ để xét nghiệm, sớm phát hiện những trường hợp dương tính.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia yêu cầu các bộ ngành, địa phương triển khai các biện pháp quyết liệt hơn, khởi động lại các hoạt động phản ứng nhanh, trong đó có hoạt động của tổ Covid cộng đồng.
Muốn ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị hiệu quả, cần ngăn người nhập cảnh trái phép; điều quan trọng là dựa vào người dân để phát hiện người có dấu hiệu hiệu vi phạm quy định về nhập cảnh, cách ly.
Người ra khỏi khu cách ly tập trung phải bàn giao tới tận thôn, tổ dân phố và tổ Covid cộng đồng thường xuyên kiểm tra, giám sát. Tương tự như vậy doanh nghiệp cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chuyên gia nước ngoài nhập cảnh. Nếu có vi phạm cũng sẽ bị xử lý.
“Một số nơi cho chuyên gia vào không thực sự cần thiết. Bây giờ khép kín chu trình, từ đăng ký vào Việt Nam, lúc cách ly, hết cách ly, 21 ngày trong thời gian này là một chu kỳ khép kín. Tới đây sẽ cho nhập khẩu vòng đeo tay để quản lý chuyên gia nhập cảnh, phải kích hoạt toàn hệ thống tổ Covid cộng đồng để giám sát” – Phó Thủ tưởng Vũ Đức Đam nói.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đợt dịch thứ 4 xảy ra có nguyên nhân cơ bản lơ là chủ quan mất cảnh giác của nhiều địa phương, cả với tổ chức đảng, chính quyền và người dân. Trong tình hình lúc này, chỉ cần một người lơ là, chủ quan là cả xã hội vất vả.
Nhắc lại phương châm phòng chống dịch chuyển từ trạng thái phòng ngự là chính sang kết hợp hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, lấy tấn công là chính, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục xử lý nghiêm những vi phạm nhập cảnh trái phép, không tuân thủ quy định về cách ly, phòng chống dịch.
“Tinh thần phải phân cấp, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, ở đâu gương mẫu chấp hành chỉ đạo sát sao thì ở đó tình hình tốt. Người đứng đầu lơ là mất cảnh giác là ở đó xảy ra hậu quả. Chính phủ vừa rồi đã chỉ đạo xử lý một số trường hợp. Người nào làm chưa tốt, thiếu tinh thần trách nhiệm phải xử lý, không được nể nang, vuốt ve” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Yêu cầu chấn chỉnh sự chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, các địa phương khi có dịch, không nên quá hốt hoảng, mất bình tĩnh; cần tỉnh táo, thông minh, sáng suốt đánh giá đúng tình hình để không đưa ra những biện pháp quá mức cần thiết, gây phương hại đến sự ổn định xã hội và phát triển kinh tế.
“Cần cân nhắc thực hiện phong tỏa, các ly xã hội toàn tỉnh. Khi quyết định cần báo cáo, xin ý kiến Ban chỉ đạo và các địa phương lân cận để không làm ảnh hưởng đến giao thông đi lại, không ùn tắc hàng hóa…” – Thủ tướng lưu ý.
Văn Hải
Theo: Cánh cò