Ngày 26/4, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố tình hình Ấn Độ, nơi số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 gia tăng đột biến, là “vô cùng thương tâm”. Cùng thời gian này, hai quốc gia Mỹ và Nga đang đẩy mạnh xúc tiến “viện trợ khẩn” vaccine cứu giúp Ấn Độ.
Ấn Độ đang sống trong chuỗi ngày tang thương với số ca nhiễm cũng như tử vong mỗi ngày cao chưa từng thấy, với tình trạng thiếu thốn giường bệnh, máy thở, thiết bị y tế… Đến nay, quốc gia Nam Á đã ghi nhận hơn 17,6 triệu ca mắc bệnh, trong đó có 197.880 ca tử vong.
Ngày 26-4, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden để thảo luận chi tiết về tình hình Covid-19 tại mỗi quốc gia. Trên mạng xã hội Twitter, nhà lãnh đạo Ấn Độ cho hay đã có cuộc trao đổi hiệu quả với ông Biden, đồng thời bày tỏ cảm ơn Tổng thống Biden về sự hỗ trợ mà Washington dành cho New Delhi.
Trong cuộc điện đàm, hai bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chuỗi cung ứng nguyên liệu vaccine, dược phẩm hiệu quả và thông suốt, khẳng định quan hệ đối tác y tế Ấn Độ-Mỹ có thể giúp giải quyết các thách thức toàn cầu do Covid-19 gây ra.
Trước đó, Tổng thống Biden khẳng định, Washington quyết tâm hỗ trợ New Delhi ứng phó với làn sóng dịch bệnh Covid-19 mới đang bùng phát mạnh tại Ấn Độ. Mỹ sẽ cung cấp tất cả sự hỗ trợ, trong đó có việc chuyển khẩn cấp các vật tư và thiết bị y tế cần thiết để giúp Ấn Độ chống dịch.
Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe Mỹ (IHME) dự báo con số tử vong mỗi ngày ở Ấn Độ có thể còn cao gấp nhiều lần trong những ngày tới.
Theo cơ quan này, có thể 200.000 người nữa sẽ chết do COVID-19 ở Ấn Độ trong 3 tuần tới trước khi con số bắt đầu giảm. Ở thời điểm đỉnh dịch, vào khoảng 16-5, nước này có thể ghi nhận 13.000 ca tử vong mỗi ngày, gấp 4 lần hiện nay.
Cũng trong ngày 26/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tuyên bố, sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ấn Độ nhằm đối phó với sự gia tăng đột biến số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 hoàn toàn vì lý do nhân đạo và y tế, qua đó bác bỏ quan điểm rằng Mỹ có thể lựa chọn trợ giúp Ấn Độ vì những lý do chính trị khác.
Cùng ngày, Điện Elysee tuyên bố, Pháp sẽ cung cấp cho Ấn Độ “viện trợ y tế thiết yếu”, bao gồm máy tạo oxy, máy thở và các container đông lạnh, sẽ bắt đầu vào cuối tuần tới, để giúp quốc gia Nam Á này đối phó với làn sóng lớn dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang gây quá tải các bệnh viện tại Ấn Độ.
Trong khi đó, người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp Nga Kirill Dmitriev cho biết, Ấn Độ sẽ nhận lô vaccine Sputnik V đầu tiên của Nga vào ngày 1/5 tới. Công ty dược phẩm Nga Pharmasyntez cũng cho hay, họ đã sẵn sàng chuyển 1 triệu gói thuốc kháng virus tới Ấn Độ vào cuối tháng 5 nếu được chính phủ Nga cấp phép.
Nỗ lực giúp đỡ Ấn Độ trước đại dịch Covid này, Tổng Giám đốc WHO nêu rõ: “WHO đang làm mọi điều trong khả năng của mình, cung cấp thiết bị quan trọng cũng như hàng tiếp tế, trong đó có hàng nghìn máy tạo oxy, bệnh viện dã chiến di động được lắp đặt sẵn cũng như vật tư phòng thí nghiệm”. Ngoài ra, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết ông đã thông báo triển khai thêm 2.600 nhân viên WHO tới Ấn Độ nhằm trợ giúp nỗ lực của nước này chống đại dịch Covid-19.
Thái Thanh
Theo: Cánh cò