Những mảnh vỡ xuất hiện cho thấy chiếc tàu ngầm KRI Nanggala-402 của Indonesia đã chìm xuống biển, trong lúc thời hạn oxy cạn kiệt cũng trôi qua đã lâu.
Hiếm có thứ tình cảm nào khăng khít hơn mối quan hệ giữa những người lính tàu ngầm. Mỗi thủy thủ đều phải đảm nhiệm một vai trò thiết yếu trong mạng lưới máy móc phức tạp của con tàu để nó có thể lặn sâu dưới đáy biển trong nhiều tuần, New York Times miêu tả.
“Chúng tôi là bằng hữu suốt đời”, Frans Wuwung nói. Wuwung là thủy thủ nghỉ hưu từng huấn luyện những người lính trên tàu KRI Nanggala-402 – một trong 5 chiếc tàu ngầm của Hải quân Indonesia.
Trước bình minh ngày 21/4, trung sĩ Guntur Ari Prasetyo cùng 52 đồng đội lần lượt xuống tàu Nanggala-402 để bắt đầu cuộc diễn tập bắn ngư lôi trong vùng biển phía nam Thái Bình Dương. Trên tàu còn có mặt đại tá Harry Setyawan, chỉ huy hạm đội tàu ngầm Indonesia.
Sự nghiệp thủy thủ của Đại tá Harry được bắt đầu chính trên con tàu Nanggala-402, sau khi ông tốt nghiệp đầu lớp từ học viện hải quân.
Khoảng 3h, tàu Nanggala-402 được phép bắt đầu cuộc diễn tập ngư lôi trong vùng biển phía bắc đảo Bali. Khi thân tàu đen sẫm vừa xuống dưới làn nước tối màu, sự im lặng bao trùm mặt biển. Tín hiệu liên lạc gửi đi không nhận được hồi đáp. Tàu Nanggala-402 đã mất tích.
Ngay lập tức, tàu thủy và máy bay từ nhiều nước cùng tập trung tại biển Bali với hy vọng tìm kiếm tàu Nanggala-402. Trong đầu mọi người đều thường trực nỗi sợ con tàu ngầm sẽ hết oxy vào 3h sáng 24/4, 72 tiếng sau khi mất liên lạc.
Hy vọng tiêu tan
Tới chiều 24/4, Tham mưu trưởng Yudo Margono của Hải quân Indonesia thông báo đã tìm thấy mảnh vỡ cách nơi con tàu mất tích ba ngày trước chỉ vài dặm. Những mảnh vỡ này xác nhận con tàu ngầm đã chìm xuống đáy biển và nứt vỡ. Tàu được tuyên bố là “đã chìm” thay vì “đang mất tích”.
Một số đồ vật nổi trên biển được xác định là rơi ra từ trong tàu Nanggala-402, bao gồm vài miếng thảm trải cầu nguyện, loại mút xốp đặc biệt dùng để lau nước tụ, và chai mỡ bôi trơn kính tiềm vọng. Thi thể các thủy thủ chưa được tìm thấy, Tham mưu trưởng Yudo cho biết.
Trong khi đó, theo Jakarta Globe, đô đốc Yudo Margono cũng nói rằng đội tìm kiếm vẫn chờ đợi một điều kỳ diệu và sẽ tiếp tục tìm kiếm.
Nhà quan sát quân sự Indonesia Susaningtyas NH Kertopati nói rằng các thủy thủ có thể thở chậm để kéo dài thời gian còn oxy. “Họ được huấn luyện để làm việc đó”, bà nói.
Theo ông Yudo, công nghệ sonar đa tia cho thấy tàu Nanggala-402 đã chìm xuống độ sâu 850 m, vượt quá độ sâu an toàn. Áp suất nước quá độ sâu an toàn lớn đến mức tàu ngầm vỏ thép có thể bị ép vỡ.
Dù tàu Nanggala-402 rơi xuống thung lũng dưới biển và một khoang trong tàu không bị ngập nước, khả năng sống sót ở độ sâu như vậy với lượng oxy hữu hạn là rất thấp, theo Susaningtyas Nefo Handayani Kertopati, chuyên viên phân tích tình báo và quân đội Indonesia.
“Họ sẽ rơi vào trạng thái hoảng loạn. Chỉ cần bị nhốt trong phòng chúng ta cũng đã hoảng. Trong khi đây là độ sâu 850 m. Chúng ta rốt cuộc cũng chỉ là con người”, bà Susaningtyas nói.
Điều gì khiến con tàu gặp sự cố?
Nguyên nhân khiến con tàu chạy bằng động cơ diesel điện chìm sâu hiện chưa được làm rõ. Nhưng các chuyên gia hải quân cho rằng cú lặn của tàu Nanggala-402 nhiều khả năng xảy ra nhanh và đột ngột vì con tàu không phát đi tín hiệu cầu cứu khẩn cấp.
Norman Polmar, nhà sử học người Mỹ về tàu ngầm, cho rằng tàu Nanggala-402 rất có thể bị chìm do hỏng hóc bên trong. Có thể là đường ống bị hỏng gây tràn nước hoặc ắc quy nổ.
Chỉ ít lâu trước khi mất tích, tàu Nanggala-402 tham gia vào một cuộc diễn tập ngư lôi khác nhưng có kết quả “không hoàn hảo” vì bắn trượt mục tiêu, theo chuẩn đô đốc Julius Widjojono, phát ngôn viên cho Hải quân Indonesia.
Sau đó, con tàu được yêu cầu diễn tập lại một lần nữa. Đây chính là hoạt động mà con tàu chuẩn bị thực hiện tại thời điểm mất tích, chuẩn đô đốc Widjojono cho biết.
Chuyên gia Susaningtyas đặt nghi vấn rằng liệu việc tàu Nanggala-402 tiếp tục bị triển khai trong thời gian ngắn có cho con tàu đủ thời gian bảo dưỡng hay không. “Con tàu đã bị ép thực hiện hoạt động này ở biển Bali, rất ép buộc. Tham mưu trưởng phải nhận trách nhiệm”, bà Susaningtyas nói.
Tàu Nanggala-402 được chế tạo vào năm 1977 và được cải tạo hoàn toàn tại Hàn Quốc vào năm 2012. Hải quân Indonesia cho biết giấy tờ của con tàu không có vấn đề gì. Nhưng theo một chuyên gia quốc phòng giấu tên, con tàu ngầm có thể đã không được bảo dưỡng toàn bộ từ tháng 5/2018.
Chuyên gia hải quân Indonesia đặt giả thuyết rằng nước biển tràn vào tàu khi nó lặn xuống, có thể là qua đường ống hoặc ống phóng lôi. Trong điều kiện hoàn hảo, thủy thủ đoàn có thể có cách bít khe hở nhưng tình thế khẩn cấp hiếm khi diễn ra như vậy. Khi dòng nước xối xả tràn vào, áp suất có thể khiến con tàu chìm ngay lập tức. “Con tàu sẽ chìm rất nhanh, như hòn đá tảng”, Soleman Ponta, chuyên gia phân tích quân sự, nhận định.
“Hãy cầu nguyện cho anh”
Ngày trung sĩ Guntur Ari Prasetyo, kỹ thuật viên diesel trên tàu Nanggala-402, rời nhà ở thành phố Surabaya, anh từng dặn vợ hãy cầu nguyện cho mình. Đây là điều anh vẫn làm mỗi lần được điều động.
Berda Asmara, vợ trung sĩ Guntur, làm theo lời chồng nhưng lần này có điều gì đó bất thường. “Có lẽ anh ấy có linh cảm trước khi lên đường. Trông anh ấy khác so với mọi lần”, Berda nói vào ngày 24/4.
Cùng lúc ấy, tại thành phố Sidoarjo, cách nhà trung sĩ Guntur một giờ xe chạy, gia đình đại tá Harry cũng đang cầu nguyện. Trong số những người đợi chờ tin tốt ở đây có Sheeva Naufal Zidane, con trai 18 tuổi của đại tá Harry. “Từ lúc còn là trẻ con, tôi đã muốn được ở trong tàu ngầm vì bố tôi rất ngầu”, Sheeva nói.
Khi tivi đưa tin đã tìm thấy mảnh vỡ tàu ngầm, mọi người trong nhà đều sát lại gần nhau. Sheeva thoa dầu cải lên chân mẹ trong khi người phụ nữ khóc. Không khí vang lên những lời cầu nguyện.
Winny Widayanti, vợ đại tá Harry, cho biết chồng mình chưa bao giờ mất bình tĩnh trong công việc, kể cả trong những lần kẹt xe kinh khủng nhất. Bà nói bị ám ảnh bởi những mảnh vỡ tại biển Bali nhưng điều đó sẽ không làm bà mất đi niềm tin. “Vẫn còn hy vọng. Tôi sẽ không ngừng hy vọng. Họ sẽ sống sót. Mọi chuyện chưa kết thúc”, bà Winny nói.
An Nguyễn
Theo: Cánh cò