Saturday, November 23, 2024

Cuộc gặp ‘phá băng’ trong quan hệ Mỹ – Trung

Đây là lần đầu tiên các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc gặp mặt trực tiếp kể từ khi chính quyền Biden nhậm chức vào tháng 1.

Các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ gặp nhau vào cuối tuần này tại thành phố Anchorage, tiểu bang Alaska (Mỹ).

Ông Dương Khiết Trì, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban đối ngoại Trung ương cùng Ngoại trưởng Vương Nghị sẽ đại diện phái đoàn Trung Quốc. Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan sẽ dẫn đầu đoàn.

Cuộc gặp ‘phá băng’ trong quan hệ Mỹ - TrungĐại diện đoàn Trung Quốc là ông Dương Khiết Trì, Chủ nhiệm Văn phòng UB đối ngoại TƯ cùng Ngoại trưởng Vương Nghị. Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan sẽ dẫn đầu đoàn. Ảnh: Reuters

Đây cũng là cuộc gặp “2+2” đầu tiên kể từ khi ông Dương Khiết Trì gặp Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Mike Pompeo tại Hawaii vào tháng 6/2020. Cuộc gặp kéo dài 7 giờ đồng hồ trở nên vô ích vì hai bên không đạt được sự đồng thuận về nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có đại dịch Covid-19, Hong Kong, kinh tế và thương mại.

Sau cuộc gặp đó, chính quyền Trump tiếp tục duy trì lập trường đối đầu. Quan hệ Mỹ -Trung không những không được cải thiện mà còn trở nên xấu đi. Tháng 7/2020, Mỹ yêu cầu Trung Quốc đóng cửa Lãnh sự quán ở Houston. Để trả đũa, Trung Quốc ra lệnh đóng cửa Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô.

Giai đoạn còn lại trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, các cuộc trao đổi chính trị cấp cao giữa Trung Quốc và Mỹ hoàn toàn ngừng lại.

Ẩn ý trong thông tin về tổ chức cuộc gặp

Có mấy vấn đề cần chú ý về việc tổ chức cuộc gặp mặt sắp tới, vì nó thể hiện thông điệp của mỗi bên, bao gồm: Nhân sự, thời gian và địa điểm gặp gỡ.

Về nhân sự, các cuộc gặp cấp cao “2+2” giữa Mỹ và các đồng minh thường áp dụng cơ cấu “Ngoại trưởng + Bộ trưởng Quốc phòng”. Điều đáng chú ý là trong đối thoại chiến lược cấp cao “2+2” lần này, có sự thay đổi nhân sự.

Theo một số chuyên gia, cơ chế “2+2” giữa Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng của Mỹ và các đồng minh đã rất quen thuộc, trong đó, hai bên chủ yếu đối thoại về hợp tác ngoại giao và quân sự. Còn trong đối thoại chiến lược cấp cao lần này, chủ yếu vẫn là thiết lập các kênh liên lạc về ngoại giao và an ninh. Do đó, Cố vấn an ninh quốc gia sẽ tham dự cuộc đối thoại thay vì Bộ trưởng Quốc phòng.

Điều này thể hiện rõ nhiệm vụ hàng đầu hiện nay vẫn là thúc đẩy quan hệ Mỹ-Trung từ cấp độ chiến lược ngoại giao.

Cuộc gặp này được tổ chức sau những nỗ lực của Nhà Trắng nhằm thể hiện sự đoàn kết của Mỹ với các đồng minh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, là một dấu mốc trong các bước đi của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm duy trì sự ổn định trong nước và củng cố quan hệ với các đồng minh ở nước ngoài.

Ngày 12/3, nhóm Bộ tứ (Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản) tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bắt đầu chuyến thăm đến Nhật Bản và Hàn Quốc từ ngày 15/3 trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đến Hawaii để thị sát Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trước đó một ngày, sau đó cùng ông Blinken tổ chức hai hội nghị “2+2” ở Tokyo và Seoul.

Cuộc gặp ‘phá băng’ trong quan hệ Mỹ - TrungBộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Ngoại trưởng Antony Blinken gặp gỡ Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi tại Tokyo ngày 16/3. Ảnh: Reuters

Sau hội nghị này, ông Blinken sẽ bay đến Alaska để gặp gỡ các quan chức ngoại giao Trung Quốc, trong khi ông Austin lại chuyển hướng sang Ấn Độ. 

Thời gian diễn ra cuộc gặp Mỹ-Trung được sắp xếp sau cuộc gặp giữa Mỹ và các đồng minh. Một số chuyên gia cho rằng, sự sắp xếp này thể hiện ý nghĩa Mỹ dành ưu tiên cho đồng minh và rằng Mỹ sẽ đại diện cho lợi ích của các đồng minh để đối thoại với Trung Quốc.

Địa điểm diễn ra cuộc đối thoại chiến lược cấp cao là Anchorage. Việc lựa chọn thành phố này chủ yếu là do các cân nhắc về yếu tố chính trị.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, cuộc đối thoại chiến lược cấp cao là do Mỹ chủ động khởi xướng và hy vọng rằng nó có thể được tiến hành trên lãnh thổ Mỹ. Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki từng phát biểu trong một cuộc họp báo rằng: “Cuộc gặp đầu tiên giữa các quan chức của chính quyền mới của Mỹ và Trung Quốc được tổ chức trên lãnh thổ nước Mỹ có ý nghĩa rất quan trọng đối với chúng tôi”.

Có thể nói, Mỹ đang nắm thế chủ động trong quan hệ với Trung Quốc. Rõ ràng, Mỹ là nước khởi xướng cuộc gặp “2+2” ở Anchorage, và bản thân việc họ lựa chọn một địa điểm nằm giữa lục địa Mỹ và châu Á đã thể hiện thiện chí lưu tâm đến Trung Quốc.

Nội dung trao đổi

Trong bài phát biểu đầu tiên tại phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ hôm 10/3 kể từ khi được xác nhận trở thành người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, ông Blinken cho rằng, cuộc gặp này sẽ là cơ hội để hai bên thảo luận về những bất đồng gây căng thẳng quan hệ song phương.

Ông nhận định: “Đây là một cơ hội quan trọng để chúng ta thẳng thắn đưa ra những quan ngại của mình”. Ngoại trưởng Blinken còn nhấn mạnh, cuộc gặp sắp tới không phải là một cuộc “đối thoại chiến lược” mặc dù có nhận định là Bắc Kinh mong muốn cài đặt lại quan hệ với Washington sau thời gian sóng gió.

Theo ông Blinken, đối thoại chiến lược chỉ có thể diễn ra sau khi Mỹ chứng kiến tiến bộ và kết quả hữu hình về những vấn đề mà Washington đang quan ngại với Bắc Kinh. Quan chức Mỹ cũng sẽ đề cập đến các vấn đề mà thành viên nhóm Bộ tứ quan tâm, chẳng hạn như về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và đụng độ Trung – Ấn ở biên giới.

Tuy nhiên, Trung Quốc và Mỹ có cách định nghĩa khác nhau về cuộc gặp. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi đây là đối thoại chiến lược cấp cao.

Trong khi điều trần trước Ủy ban đối ngoại Hạ viện, ông Blinken nhấn mạnh rằng đây không phải là một cuộc đối thoại chiến lược và sẽ không giống như các cuộc đối thoại chiến lược thông thường trước đây giữa hai nước.

Các phát biểu như vậy của ông Blinken cho thấy, cuộc gặp này có thể không phải là một sự kiện cố định. Nếu Mỹ không hài lòng với kết quả thì họ sẽ không tiếp tục.

Còn theo thông tin trên website của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, các chủ đề cụ thể của cuộc đối thoại lần này vẫn chưa được hai bên thống nhất. Trung Quốc cũng hy vọng hai bên có thể đối thoại thẳng thắn về các vấn đề cùng quan tâm và Trung Quốc cũng sẽ nêu rõ lập trường của mình. Hai bên cần nắm bắt chính xác ý định chính sách của nhau, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, kiểm soát bất đồng và thúc đẩy quan hệ đi đúng hướng.

Cơ hội để nối lại đối thoại

Thực tế, vẫn còn nhiều trở ngại để Mỹ và Trung Quốc có thể nối lại hợp tác, mà trước tiên là việc kêu gọi giảm bớt thái độ đối đầu. Cuộc gặp cuối tuần này sẽ là bước đi đầu tiên. 

Mặc dù không thể kỳ vọng quá nhiều vào kết quả nhưng bản thân sự kiện đã phát đi tín hiệu tích cực. Nếu cả hai bên đều không có thành ý đối thoại và không sẵn sàng tìm kiếm điểm chung thì không cần phải sắp xếp một cuộc gặp cấp cao như vậy.

Nhìn chung, ý nghĩa của nó là mở ra cục diện mới cho Mỹ và Trung Quốc nối lại đàm phán; Tạo ra kênh trao đổi để hai bên bày tỏ quan điểm và giải quyết những hiểu lầm lẫn nhau.

Mặt khác, cuộc đối thoại cũng mang tính chất “dò đường” cho quan hệ Mỹ – Trung trong tương lai. Sau này, dù lãnh đạo hai nước có gặp nhau thông qua thăm cấp nhà nước hay các diễn đàn đa phương hay không đều phải dựa trên tiền đề này để quan sát xem, liệu giữa hai nước có điều kiện phù hợp để thúc đẩy quan hệ song phương hay không.

Việt Hoàng

Nguồn: Tuần Việt Nam

Theo: Hội Cờ đỏ

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG