Dư luận đồng tình với cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm nhưng lại có một vài tiếng ‘rên la’ trên mạng xã hội cũng như từ một trang tin thiếu thiện chí. Điều lạ ở chỗ, tiếng ‘kêu la’ này lại xuất phát từ một số luật sư tham gia bào chữa cho 6 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và chính trong số họ lại để lộ ‘dã tâm’ xuyên tạc bản chất vụ án này.
Vụ án Đồng Tâm với những bản án nghiêm khắc, đúng người, đúng tội và đủ sức vừa giáo dục vừa răn đe do Hội đồng xét xử Tòa sơ thẩm Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội và Tòa phúc thẩm Tòa án cấp cao tại Hà Nội đưa ra. Cả hai bản án này, đều được dư luận Việt Nam cũng như quốc tế đánh giá cao, nhất là quá trình tiến hành tố tụng theo quy định mới của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Song, vẫn còn xuất hiện một số ‘thông tin sai trái’ có chủ đích xuyên tạc bản chất vụ án từ phía một số luật sư tham gia bào chữa cho 6 bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt trong phiên tòa phúc thẩm vừa qua.
Lộ dã tâm xuyên tạc vụ án Đồng Tâm
Trước, trong và sau khi phiên tòa phúc thẩm do Tòa án cấp cao tại Hà Nội tiến hành từ ngày 8/3 và kết thúc vào chiều tối ngày 9/3 đã có những ‘luận bàn’ thể hiện quan điểm về vụ án từ phía một số luật sư như luật sư Đặng Đình Mạnh, luật sư Ngô Anh Tuấn,… Một điểm chung là các luật sư này thể hiện quan điểm của mình một cách ‘thái quá’ ở chỗ nếu chỉ vì hoạt động để bảo vệ cho thân chủ của mình nhằm đảm bảo tính khách quan của vụ án thì không nói làm gì nhưng lại đi quá giới hạn trong việc ‘lên mạng xã hội’ và cấu kết với truyền thông thiếu thiện chí loan tải những thông tin không đúng sự thật về vụ án Đồng Tâm.
Dường như các luật sư tham gia bào chữa đã có sự ‘bắt tay’ thống nhất trong việc ‘định hướng truyền thông’ thiếu thiện chí loan tải những điều không đúng sự thật về bản chất vụ án cũng như diễn biến tại phiên tòa xét xử phúc thẩm. Từ những việc như bị tịch thu bản tự đánh máy tại phiên tòa, bị kiểm soát khi ra vào phiên tòa, không được ‘trao đổi’ với bị cáo do mình bào chữa,… đến việc bị cáo Lê Đình Công ‘thay đổi kháng cáo từ xin giảm nhẹ đến kêu oan’, bị cáo Bùi Thị Nối nói ‘Đảng có giết dân không?’,…
Chắc hẳn, người dân Việt Nam nếu theo dõi phiên tòa này sẽ nhận ra ngay ‘chiêu trò đánh hội đồng’ của các luật sư thông qua mạng xã hội và trang tin thiếu thiện chí để ‘hướng lái’ thông tin sai lệch. Tuy nhiên, dù vở kịch có ‘cẩn thận’, ‘tỉ mỉ’, ‘chu đáo’ đến đâu vẫn có ‘một chút sạn’ và chính ‘hạt sạn’ đó lại là ‘chìa khóa’ để ‘mở’ ra chân tướng thật của chiêu trò này.
Trên trang facebook cá nhân của luật sư Hà Huy Sơn (một luật sư tham gia bào chữa cùng các luật sư khác cho 6 bị cáo) đã phải ‘lên gân’ khẳng định rằng ‘Làm Luật sư đừng vì cái danh, cái lợi của mình mà “phong thánh” cho thân chủ, đưa thân chủ lên “giàn thiêu” cho dù bất cứ lý do gì. Hoặc tranh đấu bằng xương máu của người khác. Đó là điều bất lương.’. Vì sao, luật sư Hà Huy Sơn lại khẳng định như vậy khi đính kèm thông tin bị ‘luật sư khác vu là kẻ 2 mang’: “Quan điểm này, tôi đã bộc lộ công khai từ lâu. Vì vậy, mà một số người sau lưng bảo tôi là 2 mặt, là đặc tình, là AN. Là gì cũng được nhưng có 1 điều là tôi không dối trá, không lừa đảo. Ai muốn làm điều tử tế trước hết phải sửa não rồi hãy sửa tâm. Nếu không cái tâm sẽ trở thành cái tâm mù quáng.” (luật sư Hà Huy Sơn viết).
Chính từ ‘bất bình’ trên của luật sư Hà Huy Sơn đã làm ‘lộ ra’ vở kịch do chính các luật sư tham gia bào chữa cho 6 bị cáo đã dàn dựng đó là ‘các bị cáo khi ra tòa thay đổi yêu cầu kháng cáo từ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt sang kháng cáo kêu oan’ nhưng các vai diễn là các bị cáo tại phiên tòa cũng như ‘bị rối trí’ nên ‘diễn không đạt’ như luật sư đã yêu cầu. Ví dụ, bị cáo Lê Đình Công khi được hỏi tại phiên tòa thì thay đổi kháng cáo ‘từ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt sang kêu oan’ nhưng ngay sau đó lại tiếp tục thay đổi ‘từ kêu oan sang xin giảm nhẹ hình phạt’,… Vậy, vì đâu dẫn đến ‘cơ sự này’?
Theo ‘lời than vãn’ của luật sư Hà Huy Sơn thì ‘chính luật sư Hà Huy Sơn’ là người ‘khuyên các bị cáo’ chỉ nên ‘xin giảm nhẹ hình phạt’ không nên kêu oan-đó cũng là quan điểm của luật sư. Chính quan điểm này, đã làm cho vở kịch của các luật sư cùng tham gia bào chữa ‘bị thất bại’ và ‘bại lộ chân tướng’ nên đã có luật sư vu cho luật sư là ‘kẻ hai mang’, là ‘đặc tình’, thậm chí là ‘an ninh nằm vùng’.
Phải chăng, ngay từ khi tiếp xúc các ‘thân chủ’ trước khi ra phiên tòa các luật sư đã ‘mớm’ đầy đủ các ‘câu nói bất hủ’ để đến khi ra tòa các bị cáo chỉ việc ‘diễn’ và các luật sư sẽ bắt tay vào việc ‘làm loạn thông tin’ ? Quả thật, điều đó là có thể có căn cứ vì chính luật sư Hà Huy Sơn đã phải tự ‘than vãn’, ‘bộc bạch’ nỗi niềm riêng của mình trên trang facebook cá nhân khi bị ‘vu’ cho là ‘kẻ đặc tình, an ninh nằm vùng’ chỉ vì ‘khuyên thân chủ không nên kêu oan mà chỉ nên xin giảm nhẹ hình phạt’. Chính điều này đã đi ngược lại với sự thống nhất của các luật sư trong một kịch bản ‘đã dựng sẵn’. Chính truyền thông RFA đã loan tải ngay trong buổi xét xử đầu tiên rằng ‘bị cáo Lê Đình Công thay đổi kháng cáo từ xin giảm nhẹ sang kêu oan’ mà tảng lờ đi đoạn sau -tức ‘không kêu oan nữa mà lại xin giảm nhẹ hình phạt’.
Những ngày qua, trên trang cá nhân của một số luật sư vẫn ‘gắng sức’ loan tải những thông tin, đính kèm quan điểm ‘riêng’ của mình theo lối diễn chủ quan và gần như đã thành một ‘kịch bản’ với các hãng truyền thông thiếu thiện chí. Chẳng hạn như RFA liên tục ‘ra bài’ với những trích dẫn bằng quan điểm của luật sư như luật sư Đặng Đình Mạnh, luật sư Ngô Anh Tuấn hay luật sư Lê Quốc Quân,… hòng hướng lái dư luận đến một vụ án ‘tội ác’ mà trong đó những người phạm tội giết người như là những ‘người dân chân chính’ mà không phải là những tên tội phạm.
Đánh tráo khái niệm từ tội phạm thành …. thế lực thù địch
Vào ngày 09/3 RFA ‘giật tít’ đưa tin ‘Y án vụ Đồng Tâm: Chính quyền coi dân là ‘thế lực thù địch’?’ và đó cũng chính là quan điểm của luật sư Ngô Anh Tuấn khi ‘trả lời’ phỏng vấn của tờ tin này. Theo RFA thì luật sư Ngô Anh Tuấn cho biết: “Họ muốn gửi thông điệp gì đến người dân? Hay họ nghĩ dân là thế lực thù địch chứ không phải là những người chủ của đất nước này. Tôi thấy rất bi quan về cái suy nghĩ của những người ở mức thượng tầng.”.
Một điều khá khôi hài ở chỗ các luật sư đều khẳng định những bị cáo (người phạm tội) là ‘người dân’ và thậm chí luật sư Ngô Anh Tuấn còn ‘quy’ cho ‘thân chủ’ của mình là ‘thế lực thù địch’. Điều này khiến dư luận Việt Nam khá bất bình bởi ‘diễn ngôn’ và ‘phát ngôn’ của các luật sư về ‘thân chủ’ của mình đều đánh tráo khái niệm từ một kẻ giết người, chống người thi hành công vụ (đã bị tuyên án) thành ‘người dân bị cướp đất’ và thậm chí là ‘thế lực thù địch’.
Một câu hỏi từ phía dư luận ‘hoài nghi’ đề ‘động thái’ này của các luật sư là xuất phát từ đâu ? Nếu luật sư làm tròn trách nhiệm, bổn phận của một luật sư là thu thập chứng cứ chứng minh vừa để bảo vệ cho thân chủ của mình vừa để chứng minh tính khách quan của vụ án để bảo vệ công lý thì chắc chắn sẽ không có các ‘ngôn từ đánh tráo khái niệm’ trên được phát tán. Bởi, các luật sư đã ‘mặc nhiên’ những kẻ giết người, chống người thi hành công vụ kia là ‘người dân’, ‘thế lực thù địch’ trong khi tại phiên tòa không có bất kỳ một bằng chứng gì để chứng minh người đó là vô tội. Trong khi đó, luật sư Hà Huy Sơn cũng tham gia bào chữa cho những người đó lại khẳng định ‘họ có tội’ chứ không hoàn toàn ‘sạch trơn’ vô tội như cách diễn ngôn và phát ngôn của những luật sư khác. Do đó, có thể khẳng định ‘vở kịch’ này đã có chủ đích ‘loan tải’ thông điệp sai trái ngay từ đầu.
Mặt khác, nếu chỉ vì ‘thân chủ’ của mình mà các luật sư ‘cố tình’ để làm cho ‘thân chủ của mình vô tội’ trong khi ‘có tội’ thì liệu đã đúng với ‘nghề’ và ‘lương tâm’ của một luật sư. Đành rằng, luật sư là bảo vệ cho thân chủ nhưng không được phép làm trái với quy tắc, pháp luật hòng ‘biến người có tội’ thành ‘người vô tội’. Hàng loạt những ‘thông điệp’ mà các luật sư phát đi cũng như cung cấp cho các trang tin thiếu thiện chí ‘diễn lại’ dường như chỉ thiên về ‘một chiều’ -đó là ‘thân chủ’.
Không biết luật sư Ngô Anh Tuấn ‘nghĩ gì’ mà cho rằng ‘thân chủ’ của mình là ‘thế lực thù địch’? Phải chăng, muốn đổ lỗi cho chính quyền rằng ‘chính vì là thế lực thù địch’ nên ‘mới có kết quả’ như vậy ? Xin khẳng định với luật sư Ngô Anh Tuấn rằng chỉ vì muốn định hướng cách hiểu như vậy thì đã ‘chọn sai cách’ và ‘sai từ’. Điều này chỉ càng làm cho người dân nghĩ nhiều về ‘khả năng’ của các luật sư. Phải chăng, luật sư không thể bào chữa được nên phải ‘chọn từ’ để đổ lỗi hòng lấp đi cái ‘năng lực’ của cá nhân? Điều đó rất có thể, bởi tại phiên tòa các luật sư không cung cấp được thêm chứng cứ mới để có thể làm thay đổi vụ án trong khi có thời gian đến cả 1 năm trời chuẩn bị ngoài những ‘câu từ’ theo cách suy luận chủ quan cá nhân. Không thể bào chữa cho một thân chủ trong vụ án hình sự lại chỉ bằng những ‘mớ từ xuông’ trong khi không có một chứng cứ gì có trọng lượng để giúp thân chủ của mình từ ‘có tội’ thành ‘vô tội’. Phải chăng, luật sư chỉ giỏi ‘lu loa’ thay vì bằng hành động thực tế cần chứng minh? Có thể luật sư Hà Huy Sơn đã đúng khi khẳng định rằng ‘những người đó không thể vô tội vì thực tế họ đã thực hiện tội phạm’ và cách để bảo vệ thân chủ của mình đó chính ‘giảm nhẹ hình phạt’. Tại sao, cùng là luật sư tham gia bảo vệ cũng cho 6 bị cáo đó quan điểm của luật sư Hà Huy Sơn lại khác ? Đó cũng chính là những cơ sở để khẳng định rằng ‘quan điểm’ của các luật sư cũng chỉ là quan điểm riêng cá nhân không thể ‘lu loa’ như ‘phán quyết’ của cả một Hội đồng xét xử. Do đó, cách mặc nhiên thừa nhận những khái niệm để đánh bóng ‘thân chủ’ của mình là không thể chấp nhận được. Thực tế, phiên tòa này các bị cáo đều bị áp dụng 2 tội danh là giết người và chống người thi hành công vụ không hề có một tội danh nào liên quan đến tội danh xâm phạm an ninh Quốc gia hay xâm phạm lợi ích Nhà nước nhưng lại được luật sư Ngô Anh Tuấn ‘mặc’ cho thân chủ của mình một chiếc áo mới đó là ‘thế lực thù địch’.
Phải chăng, đã có dã tâm ngay từ đầu nên cứ khăng khăng khẳng định ‘người dân’, ‘thế lực thù địch’ mà không chịu thừa nhận ‘tội phạm giết người và chống người thi hành công vụ’ ….
Thành Nam-Thạc Quyết
Nguồn: Đấu trường Dân chủ
Theo: Hội Cờ đỏ