Saturday, November 23, 2024

Luật sư Hoàng Duy Hùng nói về những kẻ chuyên cào phím xuyên tạc khắc phục hậu quả thiên tai: ‘Tôi nghĩ họ đang tự gieo khẩu nghiệp’!

Biến đổi khí hậu, hiện tượng thiên tai bất thường trên phạm vi toàn cầu đang là mối đe dọa đối với cuộc sống nhân loại, gây thiệt hại vô cùng to lớn về con người, tài sản. Bão lụt ở một số tỉnh miền Trung nước ta vào tháng 10-2020 và bão tuyết ở nước Mỹ vừa qua là các thí dụ điển hình. Ðáng nói là ở Việt Nam, trong khi chính quyền nỗ lực cùng toàn dân phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả,… thì một số người lại cố tình moi móc, tìm mọi cách để quy kết, đổ lỗi cho chính quyền.

Từ các trải nghiệm trong đợt bão tuyết vừa qua tại nước Mỹ, Luật sư Hoàng Duy Hùng đã có bài viết gửi đến Báo Nhân Dân bàn về vấn đề này. Xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo.   

Tối chủ nhật ngày 14-2-2021 là mồng 3 Tết Âm lịch tại Việt Nam, một cơn bão tuyết tràn qua bang Tếch-dát (Mỹ). Sáng thứ hai đã thấy cả một vùng trắng xóa, điện mất, nước cũng mất luôn. Tếch-dát phải hứng chịu bão tuyết nhiều ngày liên tục. Gió lạnh, nhiệt độ ngoài trời xuống -14 độ C, hệ thống sưởi không hoạt động, nhiệt độ trong nhà là -10 độ C. Không có điện thì không có wifi, không làm được việc gì. Bỗng dưng tôi cảm thấy mình như đang sống vào thời kỳ tiền sử, não nề vô cùng. Ðây là cơn bão tuyết chưa từng có trong hàng trăm năm, đến mức Tổng thống G.Bai-đơn đã phải tuyên bố đây là một thiên tai lớn của Tếch-dát  cần cứu trợ khẩn cấp. Tối thứ hai, trong phòng tối lạnh, tôi mặc nhiều đồ ấm và chui vào mền để chống rét. Trong cái rét lạnh tê cóng đó, tôi nhớ cảnh người dân miền Trung ở Việt Nam từng phải hứng chịu một loạt bão lụt thiên tai trong năm 2020 để thêm hiểu, thêm thành tâm chia sẻ mọi khó khăn mà đồng bào của tôi đã trải qua.

Luật sư Hoàng Duy Hùng nói về những kẻ chuyên cào phím xuyên tạc khắc phục hậu quả thiên tai: 'Tôi nghĩ họ đang tự gieo khẩu nghiệp'!

Sáng thứ ba trời tiếp tục lạnh rét, tôi ra ngoài nổ máy ô-tô lái một vòng để sưởi ấm, dùng điện trong xe để sạc pin điện thoại di động và hy vọng có thể vào mạng đôi chút. Ngồi trong xe, nghe tin tức qua làn sóng phát thanh tôi mới biết sự kiện vào lúc 2 giờ sáng, tại một căn nhà ngoại ô Hiu-xtơn, mất điện nước đã tám tiếng, trong nhà quá giá lạnh, bà Jackie Nguyễn đã bật lửa lò sưởi để cho ba con và bà ngoại đỡ lạnh. Bà Jackie Nguyễn lái xe ra khỏi nhà, và khoảng 2 giờ sáng quay trở lại thì thấy căn nhà đang bốc cháy, làm chết bà ngoại Loan Lê 75 tuổi và ba trẻ nhỏ 12 tuổi, 9 tuổi, 6 tuổi. Khi thấy căn nhà bốc cháy, bà Jackie Nguyễn hét lớn, muốn xông vào nhà, đội cứu hỏa đã phải ngăn lại.

Sự kiện đau thương của gia đình bà Jackie Nguyễn là một trong nhiều tang thương xảy ra tại Tếch-dát. Như ở San An-tô-ni-ô, một chung cư bốc cháy vì đốt sưởi, dù đội cứu hỏa lập tức có mặt nhưng nước trong trụ cứu hỏa đã bị đông cứng thành đá. Dù đội cứu hỏa đã di tản dân cư kịp thời, không ai tử vong, nhưng đành phải bó tay thúc thủ nhìn chung cư cháy rụi. Ở Hiu-xtơn, vài gia đình ở trong phòng lạnh quá, đã dại dột mang lò đốt than thường dùng để nướng thịt đem vào phòng, và khi đốt than lên, khí carbon dioxide đã làm họ hôn mê, hàng xóm biết được phải gọi cấp cứu. Một người mẹ nổ máy xe trong ga-ra rồi bật máy sưởi của xe hy vọng sẽ ấm hơn, song khí thải của xe đã làm bà cùng bé gái 8 tuổi tử vong, còn người đàn ông và bé trai 7 tuổi bị hôn mê phải đi cấp cứu. Theo báo cáo của Sở Cảnh sát Hiu-xtơn, trong những ngày lạnh giá vừa qua, khoảng 300 trường hợp bị nhiễm độc khí carbon dioxide, hơn 20 ca tử vong với nguyên nhân liên quan bão tuyết. Giữa lúc Covid-19 đang hoành hành, bang Tếch-dát  đã mở một số điểm công cộng để người dân tới trú ẩn, bớt lạnh. Dù bang Tếch-dát đã có hơn 2,6 triệu người nhiễm Covid-19 và hơn 42 ngàn người tử vong, nhưng vì quá lạnh nên người dân vẫn vào các điểm công cộng như vậy, ngồi gần nhau để giữ hơi ấm, không giữ giãn cách. Có người không mang khẩu trang, nên đã có dự đoán cho rằng sau bão tuyết có thể dịch Covid-19 lại gia tăng.

Tếch-dát là một trong những bang nổi danh hào phóng. Hôm thứ ba, người dân ở thị trấn Lin-đơ đang vào siêu thị H.E.B thì mất điện, máy không thể tính tiền. Sếp của siêu thị đã ra nói với mọi người cứ đem hàng về, không cần tính tiền, chú ý lái xe cẩn thận vì đường đông đá trơn trượt. Kể chuyện với báo Washington Post (Bưu điện Oa-sinh-tơn), ông Tim Hennessy (Tim He-ne-sy) 60 tuổi cho biết số hàng ông mua trị giá gần 100 USD, trước ông có khoảng 20 khách hàng, tất cả đẩy xe ra về trong cảm động, ghi ơn siêu thị H.E.B. Ông Hennessy chia sẻ: “Ðất nước đã trải qua rất nhiều chuyện hơn một năm. Rồi sự chia rẽ trầm trọng trong xã hội, và ngay giờ phút này, tại Tếch-dát, tình hình thời tiết tồi tệ như thế này… Vẫn có những người có tấm lòng tốt, và vẫn thấy các tấm lòng như vậy khi đối diện tình cảnh ngặt nghèo”. Trời lạnh giá, tuyết thành đông đá trên mọi con đường, xe chạy trơn trượt va chạm vào nhau. Trên cao tốc liên bang số 10 ở Hiu-xtơn, đã có tai nạn hàng chục ô-tô va chạm nhau. Nhiều xe chết máy dọc đường. Gần TP Austin, một người tình nguyện lái xe của mình đi cứu trợ gần 150 chiếc xe bị chết máy nằm dọc đường, anh coi việc làm của mình là niềm hạnh phúc, và trả lời báo chí rằng: “Hãy đặt bạn trong tình thế của họ. Nếu xe bạn bị chết máy nằm dọc đường với vợ và các con lạnh cóng trong xe mà không đi đâu được, không gọi ai cứu giúp được, bạn sẽ làm gì? Nếu tôi ở vị thế ấy, tôi sẽ cầu xin và hy vọng có người giúp tôi. Ðó là điều tôi đang làm”. Song cũng có một số chính khách ích kỷ và chủ quan như Thị trưởng Colorado – thành phố nhỏ có 4.000 cư dân, thấy người dân than phiền quá nhiều vì không có điện, nước đã viết trên Facebook của ông rằng: “Nếu bạn ngồi ở trong nhà lạnh lẽo vì không có điện và bạn đợi có người đến cứu thì vì bạn lười và là hệ lụy của môi trường lớn lên mà bạn được đào tạo. Chỉ những người mạnh mẽ mới sống sót, những kẻ yếu thì bị diệt vong”. Chia sẻ này đã bị phản ứng ngược, khắp nước Mỹ phản đối dữ dội và ngày hôm sau, ông Thị trưởng phải nộp đơn xin từ chức.

Báo chí địa phương cũng dành lời ca ngợi tinh thần “lá lành đùm lá rách” của cộng đồng người Mỹ gốc Việt, cho rằng người Việt rất sáng tạo để trải qua khó khăn. Một số người Việt ở trong nhà dùng gas để đun nấu đã nấu nhiều phần ăn để chia sẻ cho những người kém may mắn hơn. Một phụ nữ gốc Việt nấu xôi chia thành nhiều phần đem đi phân phối cho các đồng hương không nấu nướng được. Nhiều gia đình không có nước, bà con đã vun tuyết và làm cho tuyết tan ra để có nước sử dụng trong một số việc. Các câu chuyện sáng tạo, đùm bọc đầy tình người của cộng đồng người Việt đã làm cho người Mỹ địa phương khâm phục. Tinh thần này không phải chỉ mới bộc lộ trong đợt bão tuyết mà đã từng bộc lộ trong các đợt thiên tai trước kia như khi bão Katrina xảy ra năm 2005, nhiều người Việt ở Lousiana lánh nạn sang Tếch-dát  hầu như đều được cộng đồng người Việt địa phương tận tình giúp đỡ…

Kể những câu chuyện trên để thấy rằng, trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, nhưng xem – nghe bài giảng của một số linh mục, nhà sư trên in-tơ-nét, tôi không thấy có linh mục, nhà sư nào đổ lỗi thiên tai xảy ra là do “ông Trời phạt sự tàn ác của chính phủ” như hồi bão lụt tại miền Trung Việt Nam. Ðó là cách một số linh mục và “nhà đấu tranh dân chủ” ở Việt Nam đã nhẫn tâm lợi dụng để vu khống, chống phá chính quyền. Ở sự kiện bão tuyết tại bang Tếch-dát tôi chỉ thấy các bài giảng tập trung vào chủ đề hãy noi gương Chúa, noi gương Phật mở rộng từ tâm giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình để cùng với bang Tếch-dát và nước Mỹ vượt qua đại họa khó khăn. Các vị cũng nói đến việc nhiều nhà khoa học cho rằng thiên tai là do biến đổi khí hậu, địa cầu có thay đổi lớn làm cho thời tiết cũng bị thay đổi theo, và trong các nguyên nhân của hiện tượng này có phần trách nhiệm rất lớn của con người vì làm gia tăng lượng khí thải carbon dioxide vào khí quyển, phá hoại thiên nhiên,… làm địa cầu nóng lên. Không vị nào giảng bằng giọng điệu xuyên tạc để chống phá chính quyền như một số vị linh mục và “nhà đấu tranh dân chủ” ở Việt Nam rêu rao trên mạng xã hội.

Biến đổi khí hậu, bão lụt khiến cho 2020 trở thành một năm tệ hại đối với  Ni-ca-ra-goa, Goa-tê-ma-la, Hôn-đu-rát, En Xan-va-đo,… ở Trung Mỹ, vì các quốc gia này phải hứng chịu nhiều cơn bão kinh hoàng, trong đó có cơn bão lên đến hơn 300 km/giờ, chưa từng có trong lịch sử. Thường thì mùa bão chấm dứt khoảng đầu tháng 11 hằng năm, nhưng năm 2020, ngày 2-12, bão Eta với tốc độ gần 350 km/giờ đã xâm nhập vào vùng này, gây tử vong, thương tích cho không biết bao nhiêu con người, phá nát hệ thống hạ tầng của nhiều quốc gia, thiệt hại nhiều ngàn tỷ USD. Các quốc gia này đa số theo Thiên Chúa giáo, các lãnh đạo trong chính phủ đều là người theo Thiên Chúa giáo, nhưng không vị linh mục nào lên tòa giảng hoặc lên mạng xã hội rêu rao, vu khống một cách trắng trợn và phi lý rằng bão lụt tàn khốc xảy ra là do “Thiên chúa phạt quốc gia của họ vì tội ác của chính quyền”! Trải nghiệm bản thân qua cơn bão tuyết vừa qua ở Tếch-dát cũng như nghiên cứu tình hình thiên tai tại một số quốc gia, tôi thấy chỉ có một số linh mục, “nhà đấu tranh dân chủ” ở Việt Nam là có phát ngôn như vậy. Tôi coi đó là tuyên truyền ác độc. Tôi thực sự không hiểu vì sao là người dẫn dắt tinh thần cho tín đồ, là người hô hào dân chủ mà họ lại đang tâm nói những điều như vậy? Tôi cũng không biết trong thâm tâm, họ có xấu hổ hay không? Còn tôi, tôi xấu hổ thay cho họ, vì cuối năm 2020, trong khi chính quyền và nhân dân gồng mình phòng, chống bão lụt, trong khi có nhiều bộ đội, công an, người dân đã hy sinh thân mình để bảo vệ đồng bào, trong khi cả nước đồng lòng hướng về miền Trung cùng ủng hộ, giúp đỡ thì họ lại có phát ngôn bất nhẫn. Và tôi nghĩ, với những phát ngôn như thế, họ đang tự gieo khẩu nghiệp.

Biến đổi khí hậu và hiện tượng thiên tai bất thường đang là vấn đề có tính toàn cầu. Ngay một nước phát triển như nước Mỹ cũng khó có thể dự đoán trước các diễn biến, vẫn phải căng mình chống chọi và chịu thiệt hại lớn khi thiên tai xảy ra. Tôi biết ở Việt Nam, Ðảng, Nhà nước, các cấp chính quyền và người dân rất quan tâm hiện tượng này, nỗ lực cùng thế giới phòng, chống. Chính vì vậy, tôi rất tin tưởng Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam sẽ thực hiện thành công các mục tiêu, nội dung được xác định trong Nghị quyết Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng Cộng sản Việt Nam là: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

Hoàng Duy Hùng (báo Nhân dân)

Nguồn: Đấu trường Dân chủ

Theo: Hội Cờ đỏ

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG